Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrừng phạt Nga, phương Tây hóa ra lại làm lợi cho Putin

Trừng phạt Nga, phương Tây hóa ra lại làm lợi cho Putin

Ở Mỹ, người ta tranh cãi và lo ngại về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga mà bỏ qua một điểm cốt yếu, đó là: Những lệnh trừng phạt đó không có tác dụng.

 

Trang Politico mới đây đăng tải bài viết thể hiện quan điểm của Andrey Movchan, Giám đốc Chương trình Chính sách Kinh tế của Trung tâm Carnegie ở Moscow, về việc vì sao phương Tây đang ở vào thế “kiểu gì cũng thua” khi trừng phạt Nga.

Lo ngại việc Tổng thống Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga

Theo Movchan, nếu như trong quá trình tranh cử và chuyển giao, ông Donald Trump đã liên tục nói về ý định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đang nhằm vào Nga (sau khi Nga sáp nhập Crimea – khu vực từng thuộc sự quản lý của Ukraine – vào lãnh thổ của mình), thì đến nay, có vẻ Trump lại đang do dự trong các quyết định về Nga.

“Việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta có nhìn thấy các động thái thay đổi từ phía Nga hay không”, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã trả lời kênh ABC News vào tháng 2/2017 như vậy.

Ông Pence cũng nói rằng chính quyền Mỹ muốn hợp tác với Nga trong “các lợi ích chung” như tiêu diệt khủng bố IS chẳng hạn.

Những quan chức khác của Mỹ, như Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, thì lại có quan điểm cứng rắn hơn. Bà Haley từng tuyên bố rằng “Mỹ đứng về phía người dân Ukraine – những người đã phải chịu đựng Nga trong 3 thập kỷ qua”.

Những người ủng hộ trừng phạt Nga khăng khăng rằng, các lệnh trừng phạt cần phải được giữ nguyên cho tới khi Tổng thống Nga Vladimir Putin “từ bỏ Crimea” và “dừng can thiệp ở Ukraine” theo Thỏa ước Minsk về giải quyết xung đột tại Ukraine, giữa Nga-Ukraine-Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), ký vào tháng 9/2014 (cập nhật tháng 2/2015).

Những người ủng hộ giữ nguyên các lệnh trừng phạt Nga lo ngại rằng Trump có thể đổi các lệnh này để rồi chỉ đạt được những bước lùi mới trước Putin, ví dụ một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới chẳng hạn – vì họ cho rằng một hiệp ước như thế sẽ chỉ khiến Nga có cơ sở để vi phạm những chuẩn mực quốc tế khác.

Các lệnh trừng phạt thực tế không tác động nhiều tới Nga

Trước những lo ngại đó của những người ủng hộ giữ nguyên lệnh trừng phạt, về phía mình, Nga lại không hề tỏ ra hào hứng trong việc xúc tiến dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đó. Nga để phương Tây một mình tự ra quyết định phải làm gì tiếp theo.

Trong khi các nhà quan sát phương Tây và kể cả những người phát ngôn của Kremlin đồng thuận rằng những lệnh trừng phạt là nguyên nhân chính gây ra sự sụt giảm của kinh tế Nga, thì thực tế lại có vẻ rất khác: Các lệnh trừng phạt có thể không thực sự gây ảnh hưởng tới kinh tế Nga nhiều như vậy.

Trừng phạt Nga và phương Tây hiện sập bẫy kiểu gì cũng thua - Ảnh 1.

Những lệnh trừng phạt của phương Tây thực ra không mấy tác động tới nền kinh tế Nga? Ảnh: AP

Về mặt số liệu, thu nhập bình quân của người Nga đã tụt xuống mức của năm 2007. Đến cuối năm 2016, GDP của Nga giảm 40% so với con số của năm 2013, đồng Ruble mất giá 15%. Nhưng tất cả những sự sụt giảm đó đều không mấy liên quan tới các lệnh trừng phạt của phương Tây. Những lệnh trừng phạt dường như có tác động chính trị nhiều hơn là kinh tế.

Thực tế, các lệnh trừng phạt của phương Tây chỉ tập trung làm khó một số doanh nghiệp lớn của Nga trong ngành xây dựng, ngân hàng, năng lượng, quốc phòng. Những doanh nghiệp này sẽ không còn tiếp cận được các nguồn tài chính quốc tế, không được sở hữu tài sản ở các nước phương Tây.

Lệnh trừng phạt cũng cấm một số đối tượng người Nga nhập cảnh vào các nước mà họ cần tới để làm ăn, ngăn chặn Nga nhận chuyển giao các công nghệ quốc phòng hay thiết bị khai thác dầu hiện đại.

Tất cả những biện pháp trừng phạt đó chỉ tác động tới không quá 10% nền kinh tế Nga. Các công ty bị trừng phạt chẳng gặp khó khăn lắm về tài chính vì họ đều có thể vay tiền từ hệ thống ngân hàng đang thừa thanh khoản của Nga.

Và những lệnh trừng phạt cũng không ngăn cản Nga trở thành một nhân tố năng động trong nền kinh tế toàn cầu. Nga vẫn là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).

Dự trữ tiền tệ của Nga rất tốt. Nga không vấp phải cản trở gì trong tiền tệ và giao dịch kinh tế quốc tế. Nợ công của Nga thấp và không có dấu hiệu tăng trong tương lai gần. Nga và các doanh nghiệp Nga không gây khó dễ bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế như bảo hộ thương mại hay chống bán phá giá.

Hạn chế việc tiếp cận tài chính không gây tổn hại được cho Nga, một đất nước vốn đã giảm mức nợ nước ngoài cả vài năm trước năm 2014 (khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực). Giai đoạn 2015 – 2016, ngành dầu khí của Nga phát triển nhanh hơn tất cả các quốc gia vùng Vịnh hay thậm chí cả Mỹ – dù họ chịu lệnh cấm nhận chuyển giao công nghệ khai thác. Và Nga vẫn xuất khẩu được lượng vũ khí trị giá 14 tỷ USD – trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.

Nhân tố chính và thực sự quyết định sức khỏe của nền kinh tế Nga chính là giá dầu. Hiện giá dầu đã ổn định và kinh tế Nga đã hồi phục và chỉ suy giảm rất chậm. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Ngân hàng Thế giới hiện ước tính rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây chỉ làm giảm không đến 0,5 điểm phần trăm của GDP Nga. Thậm chí con số ước tính này có thể còn là quá cao.

Trừng phạt Nga và phương Tây hiện sập bẫy kiểu gì cũng thua - Ảnh 2.

Nhân tố chính, có tác động chủ yếu tới nền kinh tế Nga là dầu mỏ. Ảnh: Reuters

Theo Politico, phải là những biện pháp trừng phạt nặng nề hơn rất nhiều mới có thể làm nền kinh tế Nga “đau đớn”. Ví dụ, nếu làm cho dự trữ vàng hay tiền tệ của Nga bị đóng băng thì chắc chắn Nga sẽ gặp khó khăn trầm trọng trong 3 đến 5 năm sau đó.

Các lệnh trừng phạt lại có lợi cho Tổng thống Putin?

Tác giả bài viết của Politico cho rằng, những lệnh trừng phạt của phương Tây chỉ tác động lớn tới một lĩnh vực, đó là tình hình chính trị trong nước Nga.

Theo một cách nào đó, sự khó khăn mà những lệnh trừng phạt gây lại giúp Tổng thống Putin củng cố được uy tín của mình, còn các doanh nghiệp Nga tự tìm ra cách xoay xở để phát triển. Thế là, các lệnh trừng phạt trở thành một cái bẫy đối với chính phương Tây.

Tác giả Andrey Movchan đánh giá, khi các lệnh trừng phạt còn tiếp tục được giữ thì chúng sẽ có vai trò là tiếp tục trao cho Tổng thống Putin nguồn ủng hộ mà ông ấy cần. Còn nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, thì đó lại lại dấu hiệu rõ ràng cho chiến thắng của Nga trước phương Tây.

Đối với Tổng thống Mỹ Trump, hiện tại, nếu ông làm gì mà cuối cùng lại có lợi cho Nga thì cũng đều trở thành việc “đổ thêm dầu vào lửa”, vì các nghị sỹ Dân chủ vốn luôn cáo buộc ông có liên hệ gần gũi không minh bạch với Moscow.

Trong tình thế “kiểu gì cũng thua” như vậy trước Nga, phương Tây có thể sẽ chọn phương án là… không làm gì cả, cứ giữ các lệnh trừng phạt và để mọi thứ như cũ.

Tác giả của Politico cho rằng, Kremlin cũng sẽ vui vẻ với điều đó. Phương Tây sẽ vẫn vướng bài toán về Ukraine hay Crimea. Những người ủng hộ Tổng thống Putin vẫn luôn cho rằng “Putin đã chiến thắng tất cả”, và có lẽ họ đúng!

RELATED ARTICLES

Tin mới