Lịch sử phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga là một chặng đường dài và nhiều thách thức.
Xe chở đạn tên lửa với kích thước to lớn của hệ thống A-135
Nửa thế kỷ trước, vào ngày 30/3/1967, chính quyền Xô Viết đã thành lập Lực lượng Phòng thủ Không gian và Tên lửa. Lực lượng mới này kết hợp toàn bộ các đơn vị phòng thủ tên lửa đang hoạt động khi đó, nhằm mục tiêu bảo vệ các khu quân sự và công nghiệp quan trọng của Liên Xô trước tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Mỹ.
Mặc dù Chiến tranh Lạnh đã bước sang giai đoạn lắng dịu nhưng răn đe hạt nhân vẫn là vấn đề sống còn đối với Liên Xô.
Năm 1967, Washington đã có trong tay gần 32.000 đầu đạn hạt nhân, mức cao kỷ lục trong lịch sử đối đầu Mỹ-Liên Xô. Bên cạnh đó, ICBM Minuteman II đã được đưa vào biên chế quân đội Mỹ và có khả năng chọc thủng bất cứ lá chắn tên lửa nào.
Tới cuối những năm 1980, Liên Xô đã chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 và nó vẫn còn hoạt động đến ngày nay. Tuy nhiên, lịch sử phát triển lá chắn tên lửa của Nga là một chặng đường dài và nhiều thách thức.
Lịch sử phát triển
Các nhà khoa học và kỹ sư Liên Xô đã lần đầu tiên thử nghiệm khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo vào năm 1945. Tuy nhiên, tới năm 1953, công tác nghiên cứu và phát triển tích cực mới được xúc tiến. Giới lãnh đạo quân sự Liên Xô khi đó rất lo ngại về việc Mỹ phát triển ICBM.
Ngày 1/2/1956, hai dự án phòng thủ tên lửa được trình lên chính phủ Liên Xô và một dự án đã được thông qua, đó là Sistema A.
Ngày 17/8/1956, chính phủ Liên Xô ra lệnh thành lập khu huấn luyện phòng thủ tên lửa gần hồ Balkhash, Kazakhstan. Khu này được đặt tên là Sary Shagan và về sau quân đội Nga vẫn tiếp tục sử dụng.
Hệ thống Sistema A được điều khiển bởi một tổ hợp máy tính, nó có nhiệm vụ tính toán quỹ đạo của tên lửa dựa trên những thông tin thu thập được từ 3 radar. Những radar này đặt cách nhau 170km, tạo thành một hình tam giác với bệ phóng tên lửa đánh chặn V-1000 đặt ở trung tâm.
Các cuộc thử nghiệm thực tế đầu tiên đã thất bại. Hệ thống máy tính không đủ công suất để tính toán chính xác quỹ đạo tên lửa. Tới ngày 4/3/1961, Liên Xô mới gặt hái được thành công đầu tiên.
Ngày 1/9/1971, A-35 – hệ thống phòng thủ tên lửa đủ khả năng hoạt động đầu tiên của Liên Xô – đã được triển khai xung quanh Moscow. Hệ thống này được phát triển dựa trên các nguyên lý và công nghệ từng được thử nghiệm trên Sistema A.
Hệ thống A-35 bao gồm trung tâm máy tính và điều khiển, 2 trạm radar tầm xa, cùng 4 tổ hợp phóng tên lửa đánh chặn. Toàn bộ phương tiện và thiết bị được triển khai tại vùng Moscow. A-35 có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo đơn lẻ ở khoảng cách từ 130-400km, độ cao 50-400km. Hệ thống này có thể bao phủ một khu vực rộng 400 km2.
Liên Xô còn có kế hoạch triển khai A-35 tại các khu vực khác. Tuy nhiên, vào năm 1972, hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) giữa Mỹ và Liên Xô chỉ cho phép mỗi nước triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại 2 khu vực.
Năm 1974, hiệp ước được sửa đổi để hạn chế số khu vực phòng thủ tên lửa của mỗi bên xuống còn một khu vực.
Năm 2002, Washington đơn phương rút khỏi hiệp nước này.
Cơ chế hoạt động
A-35M, phiên bản nâng cấp của A-35, được đưa vào biên chế năm 1977. Tính năng nổi bật của nó là khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo mang nhiều đầu đạn.
Cùng thời điểm này, Liên Xô cũng tiến hành phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa mới gọi là A-135 Amur và triển khai vào năm 1990. 5 năm sau, hệ thống này được bố trí trực chiến tại vùng Moscow.
Hiện nay, A-135 nằm trong thành phần sư đoàn số 9, trực thuộc quân đoàn phòng thủ tên lửa và phòng không số 1, lực lượng Không quân Vũ trụ Nga. Nó đã được hiện đại hóa vài lần, trong đó có nâng cấp các thiết bị máy tính để nó hoạt động nhanh hơn.
Cơ chế hoạt động của hệ thống này như sau: Sau khi vệ tinh phát hiện vụ phóng tên lửa của đối phương, các trạm radar Voronezh và Daryal sẽ tiến hành theo dõi mục tiêu. Hệ thống A-135 được kích hoạt chế độ chiến đấu. Các nhà lãnh đạo Nga sẽ có một khoảng thời gian để quyết định có tấn công trả đũa hay không.
Hệ thống A-135 còn bao gồm trạm radar Don-2N bố trí ở Sofrino, gần Moscow. Nó sẽ phát hiện các đầu đạn bay trong không trung từ khoảng cách lên tới 3.700km, thông tin sau đó sẽ được truyền về đài chỉ huy. Tại đây, thông tin được xử lý và truyền tới trận địa phóng tên lửa.
Mỗi trận địa phóng tên lửa được triển khai xung quanh Moscow gồm 12-16 silo chứa tên lửa đánh chặn 53T6, có khả năng đánh trúng mục tiêu cách xa tới 60km, ở độ cao lên đến 45km. Năm 2016, 68 tên lửa đánh chặn 53T6 đã được đưa vào trang bị của quân đội Nga.
Tính năng quan trọng của A-135 là nó hoàn toàn tự động và có thể phân biệt giữa đầu đạn thật với đầu đạn mồi bẫy của tên lửa đạn đạo.
Tương lai lực lượng phòng thủ tên lửa Nga
Mặc dù là hệ thống phòng thủ hiệu quả và tinh vi nhưng A-135 đã hoạt động trong một thời gian dài. Hiện nay, Nga đang tiến hành thử nghiệm các hệ thống mới để thay thế A-135. Một trong số đó là A-235 Nudol. Thông tin về hệ thống này hiện đang được bảo mật.
Theo các nguồn tin mở, A-235 sẽ có tầm bắn xa hơn và độ chính xác cao hơn A-135.
Chuyên gia quân sự Nga Mikhail Khodarenok cho biết, chương trình phát triển A-235 đang diễn ra theo đúng tiến độ nhưng vẫn còn quá sớm để xác định thời điểm cụ thể mà hệ thống được hoàn thiện.
Vị chuyên gia cho biết thêm rằng, hệ thống này chưa đảm bảo được khả năng bảo vệ 100% trước các cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn và chỉ có thể đánh chặn một số lượng hạn chế các đầu đạn.
Gót chân Achilles của hệ thống chính là các silo, bởi đối phương có thể xác định được tọa độ của chúng.
“Vấn đề cuối cùng sẽ được giải quyết sau khi hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến S-500 được tăng cường cho A-235 tại vùng Moscow và bảo vệ các khu vực khác. S-500 là hệ thống di động và có thể thay đổi vị trí nhanh chóng” – ông Khodarenok cho hay.
Hồi tháng Hai năm nay, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov thông báo, nguyên mẫu phát triển đầu tiên của S-500 sẽ hoàn tất vào năm 2020.
Nga kỳ vọng hệ thống này sẽ có khả năng ngăn chặn các mục tiêu khí động học (máy bay chiến đấu, trực thăng, máy bay không người lái) và tên lửa đạn đạo. S-500 sẽ có tầm bắn lên tới 600km, có khả năng tiêu diệt cùng lúc 10 mục tiêu đạn đạo siêu thanh.