Ngay trong lần đầu gặp gỡ, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã không ngần ngại “lật bài ngửa” với các nước thành viên NATO, thúc ép họ phải tăng chi tiêu quân sự. Dù đây là điều đã được dự báo từ trước nhưng chắc chắn các đồng minh của Mỹ sẽ cảm thấy khó chịu và bất an. NATO đang ra sức “níu kéo” Mỹ nhưng Washington kiên quyết giữ lập trường yêu cầu các nước thành viên phải chia sẻ gánh nặng tài chính một cách công bằng hơn với Mỹ nếu muốn Mỹ tiếp tục bảo vệ an ninh cho Châu Âu.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (bên trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg
Ngày hôm qua (31/3), Ngoại trưởng Mỹ Tillerson có cuộc họp đầu tiên với NATO trước thềm hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương vào ngày 25/5 tới. Hội nghị thượng đỉnh này có sự tham dự của nguyên thủ 28 nước thành viên, trong đó có Tổng thống Donald Trump.
Phát biểu tại Brussels, Ngoại trưởng Tillerson nói: “Như Tổng thống Trump đã làm rõ trước đây, Mỹ hiện tại không còn có khả năng duy trì phần gánh nặng bất cân bằng trong chi tiêu ngân sách quốc phòng của NATO”.
Ông Tillerson kêu gọi những người đồng cấp trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng Năm tới đưa ra được kế hoạch đáp ứng mức cam kết chi tiêu quốc phòng.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Wales năm 2014, các nước thành viên NATO đã nhất trí với nhau về mức chi tiêu quốc phòng tiêu chuẩn của mỗi nước phải đạt là 2%GDP.
Theo báo cáo hàng năm năm 2016 của NATO, chỉ có 5 nước thành viên trong tổng số 28 thành viên của nước này đáp ứng đúng mức chi tiêu quốc phòng cam kết nói trên. Đó là Mỹ, Anh, Hy Lạp, Ba Lan và Estonia. Mỹ hiện tại là thành viên mạnh nhất của NATO. Chi tiêu quốc phòng của Mỹ nhiều hơn chi tiêu của tất cả các nước thành viên khác cộng lại. Năm ngoái, Mỹ đóng góp 3,61% GDP cho ngân sách quốc phòng trong khi Đức chỉ đóng góp 1,19% GDP. 10 nước khác thậm chí còn đóng góp ít hơn và 7 nước, trong đó có Canada, Italia và Tây Ban Nha, sẽ phải tăng gần gấp đôi ngân sách để đạt được mục tiêu đề ra. Luxembourg sẽ phải tăng gấp 4 lần ngân sách quốc phòng để đáp ứng mục tiêu.
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ đòi hỏi liên minh NATO phải chia sẻ gánh nặng chi tiêu quân sự nhiều hơn. Thậm chí, ông Trump còn khiến các nước Châu Âu lo lắng, bất an khi thẳng thừng cảnh cáo rằng Mỹ sẽ không tiếp tục bảo vệ NATO một cách vô điều kiện nếu các nước thành viên của liên minh không hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo yêu cầu.
Trong cuộc gặp lần đầu tiên với NATO, Ngoại trưởng Tillerson tiếp tục phát đi thông điệp nói trên.
Trong một nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề chi tiêu quốc phòng, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói, các nước thành viên NATO hiểu rõ, họ phải tăng ngân sách quốc phòng không phải để làm hài lòng Washington mà là để chống lại các mối đe dọa từ cả phương đông và phương nam.
“Một lựa chọn đang được chúng tôi xem xét là đưa ra các kế hoạch quốc gia nhằm đáp ứng cam kết về chi tiêu quốc phòng của chúng tôi”, ông Stoltenberg cho biết tại cuộc họp báo sau khi kết thúc 5 giờ hội đàm giữa các nước thành viên NATO.
Ông Stoltenberg cũng lên tiếng gạt bỏ những quan ngại cho rằng ông Trump không chú tâm vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương bằng những người tiền nhiệm. “Chúng tôi chứng kiến sự cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với NATO”, Tổng thư ký Stoltenberg nhấn mạnh.
Vấn đề chia sẻ gánh nặng ngân sách quốc phòng đang gây mâu thuẫn giữa Mỹ và NATO. Kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, giới chức Mỹ liên tiếp đưa ra thông điệp yêu cầu các nước thành viên NATO phải đóng góp ngân sách một cách công bằng hơn. Hồi tháng Hai, trong chuyến thăm đến NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã ra tối hậu thư với đồng minh, theo đó các nước thành viên NATO từ giờ đến cuối năm phải tăng chi tiêu quốc phòng nếu không muốn đối diện với nguy cơ Mỹ giảm sự hậu thuẫn về an ninh cho họ. Đây được xem là một lời đe dọa sắc lạnh của Mỹ trong bối cảnh Châu Âu ngày càng lo lắng và bất an về triển vọng mối quan hệ Nga-Mỹ.