Việc Nga can thiệp vào Syria chống IS khiến Nga có thể sẽ thay thế Mỹ trở thành mục tiêu hàng đầu của khủng bố Hồi giáo cực đoan, theo dự báo của các chuyên gia về khủng bố.
Cho tới nay, phần lớn các vụ tấn công khủng bố ở Nga là có liên quan đến Chechnya và các nước Cộng hòa khác ở vùng Kavkaz. Nhưng tình hình đã bắt đầu thay đổi kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch không kích vào Syria hồi tháng 9.2015.
Trong vụ bắn rơi một máy bay của Nga bay từ Ai Cập đến St.Petersburg vào tháng 10.2015, khiến toàn bộ 224 người trên máy bay thiệt mạng, tổ chức IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm.
Tuy chiến dịch không kích của Nga thật ra là nhằm yểm trợ cho chính quyền của Tổng thống Assad hơn là nhắm vào lực lượng IS Syria, nhưng trong một đoạn video phổ biến trên mạng gần đây, một chiến binh người Nga của IS đã đe dọa trực tiếp Tổng thống Vladimir Putin, để trả đũa việc ông đã tung chiến dịch can thiệp vào Syria và yểm trợ cho chính quyền Damascus.
Theo các nguồn tin được tờ nhật báo Izvestia trích dẫn, những kẻ ra lệnh và những kẻ tiến hành vụ nổ ở St.Petersburg là thuộc một tổ khủng bố nằm vùng ở Châu Âu.
Thông tin này chưa được xác nhận, nhưng rõ ràng là nếu Raqqa, thành trì cuối cùng của IS rơi vào tay lực lượng chính phủ Damascus, các chiến binh nước ngoài có thể sẽ trở về nước để tiếp tục thánh chiến.
Theo thống kê của Cơ quan An ninh Nga FSB, có ít nhất 7.000 công dân của các nước thuộc Liên Xô cũ, trong đó có 3.900 người Nga (chiếm số đông nhất trong lực lượng chiến binh nước ngoài) và 600 người Kyrgyzstan, đã gia nhập các lực lượng thánh chiến, nhất là IS ở Syria.
Một số chiến binh này có thể sẽ quay trở về Nga để tiến hành khủng bố trả thù. Điều này trùng hợp với xác nhận của Nga rằng nghi phạm vụ khủng bố St.Petersburg là người Nga gốc Kyrgyzstan.
Kyrgyzstan là một quốc gia nhỏ ở vùng Trung Á, có đa số dân là Hồi giáo và có rất nhiều người sang Nga để làm công nhân. Chính quyền Mátxcơva từ lâu vẫn lo ngại những chiến binh theo xu hướng Hồi giáo cực đoan ở các nước vùng Trung Á, mà nay có quyền tự do đi đến nước Nga, có thể sang đây để tiến hành khủng bố.
Nhiều nhân vật thuộc phe dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở Nga đã yêu cầu lập chế độ visa đối với công dân những nước vùng Trung Á, nhưng cho tới nay chính quyền Mátxcơva không muốn làm như thế vì sợ ảnh hưởng đến quan hệ tốt giữa Nga với các nước thuộc Liên Xô cũ.
Không biết là Tổng thống Putin có thay đổi chính sách đối với các nước Trung Á hay không, nhưng gần như chắc chắn là lãnh đạo Nga sẽ nhân vụ khủng bố này để tăng cường sự kiểm soát của các cơ quan tình báo trên các mạng xã hội, trong bối cảnh chỉ còn chưa tới một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Nga.