Tăng trưởng với tốc độ 2 con số mỗi năm, thị trường ôtô hạng sang nhập khẩu tại Việt Nam đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD.
Triển vọng của thị trường xe sang được dự báo sẽ ổn định trở lại sau giai đoạn tăng nóng.
Là một trong 3 nhà phân phối chính thức của Mercedes-Benz tại Việt Nam, Công ty cổ phần Dịch vụ ôtô Hàng Xanh vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2017 với mục tiêu doanh thu 4.300 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2016.
Để đạt được con số này, công ty dự kiến bán ra 2.000 chiếc xe sang của thương hiệu Đức, tăng khoảng 800 chiếc so với mức tiêu thụ năm ngoái. Con số này được coi là có cơ sở bởi đơn vị đang chiếm khoảng 20% thị phần bán xe Mercedes-Benz liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số trong 3 năm qua, từ việc tiêu thụ 518 chiếc năm 2014 lên 1.214 xe năm 2016.
Quy mô thị trường nhập khẩu xe ôtô phân khúc hạng sang và siêu sang trong những năm gần đây.
Đối thủ chính của Mercedes-Benz tại Việt Nam, Lexus – thương hiệu hạng sang của hãng xe Nhật Toyota – cũng có tốc độ tăng trưởng cao nhất năm 2016 với lượng bán ra đạt 1.665 chiếc, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2015.
Tại báo cáo mới công bố của Tổ chức Kết nối thương mại Liên minh châu Âu – Việt Nam (EU – Vietnam Business Network – EVBN), chỉ trong vòng 3 năm gần đây, giá trị xe hạng sang nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đã tăng từ 500 triệu USD lên khoảng 1,2 tỷ USD.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Thuật – Giám đốc Volkswagen Thăng Long lý giải sự tăng trưởng của phân khúc xe sang trong giai đoạn 3 năm gần đây chủ yếu do thị trường đã bị nén quá lâu với tác động của khủng hoảng kinh tế trước đó. “Thời kỳ bùng nổ của thị trường này gần nhất vào giai đoạn 2007-2008, cùng thời điểm tăng trưởng nóng của bất động sản và chứng khoán. Tuy nhiên sau đó, tác động của khủng hoảng kinh tế dẫn tới việc phân khúc bị đóng băng trong một thời gian dài”, ông Thuật chia sẻ.
Có ba yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của thị trường xe sang là nhu cầu của khách hàng cũ, sự phát triển của lớp khách hàng mới và khả năng chi tiêu. Sau khi kinh tế bắt đầu hồi phục trong những năm gần đây, sự phát triển của tầng lớp giàu và siêu giàu tại Việt Nam đã có xu hướng tăng mạnh và trở thành một trong những động lực cho việc tiêu thụ xe hơi.
Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report) được Knight Frank công bố hằng năm cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng số người siêu giàu và triệu phú thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Đơn vị này cũng dự báo số người siêu giàu tại Việt Nam trong một thập kỷ tới sẽ tăng 170%, lên 540 người, trong khi số triệu phú tăng từ 14.300 lên 38.600 người.
“Khi những khách hàng hội tụ đủ hai yếu tố là nhu cầu và khả năng chi trả, họ quyết định rất nhanh, thậm chí khi họ đã có những sản phẩm cùng phân khúc. Tôi đã từng gặp những khách hàng mua liền một lúc vài chiếc xe sang. Một đại gia trong lĩnh vực bất động sản đã quyết định mua một chiếc Range Rover chỉ trong vòng 5 phút dù đã sở hữu Mercedes dòng S và Bentley”, anh Tùng – chủ một showroom xe nhập khẩu tại Hà Nội chia sẻ.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân phân khúc xe này đổ về Việt Nam tăng mạnh, đặc biệt trong nửa đầu năm 2016, là để tránh việc điều chỉnh quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe dung tích lớn, tác động khá lớn tới thuộc phân khúc xe sang và siêu sang. Như những dòng xe có dung tích xi-lanh từ 3.0 lít trở lên, mức thuế tiêu thụ đặc biệt trước đây là 60% thì sau 1/7/2016 được tăng lên từ 90 đến 150%.
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), lượng xe Lexus về Việt Nam trước thời điểm tăng thuế 6 tháng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ trong khi Mercedes-Benz tăng 40%. Trong nửa cuối tháng 6/2016, cảnh hàng chục chiếc Rolls-Royce và Ferrari xếp hàng chờ làm thủ tục tại một số cảng miền Bắc cũng đã xảy ra.
“Dù giá chưa bao giờ là yếu tố hàng đầu đối với bộ phận người tiêu dùng trong nhóm xe sang, đặc biệt là siêu sang. Tuy nhiên tăng thêm vài tỷ, thậm chí cả chục tỷ đồng với một số sản phẩm sau ngày 1/7 cũng khiến nhiều khách hàng tiệm cận phân khúc này nhưng không quá dư dả cố gắng đầu tư trước để tiết kiệm chi phí”, anh Thuật cho biết.
Mặc dù tăng mạnh trong thời gian ngắn nhưng một số chủ showroom lớn vẫn đưa ra góc nhìn có phần thận trọng hơn khi đánh giá triển vọng của thị trường này trong tương lai. “Nhu cầu từ thị trường với phân khúc xe sang và siêu sang luôn hiện hữu nhưng để đạt tốc độ tăng trưởng trở lại như ba năm gần đây là điều rất khó”, Giám đốc Volkswagen Thăng Long cho biết.
Nguyên nhân được lý giải là bởi tốc độ tăng trưởng cao được hình thành sau giai đoạn dài nhu cầu bị nén lại, nên sau bùng nổ, thị trường sẽ dần ổn định và tìm được điểm cân bằng. Trong khi đó, việc tăng thuế sẽ tạo thành một mặt bằng giá mới cao hơn, cũng là một phần nguyên nhân tác động đến việc thu hẹp nhóm khách hàng của những dòng sản phẩm này.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác theo Tổ chức kết nối thương mại Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVBN) là cơ sở hạ tầng tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và tình trạng ùn tắc giao thông tại một số thành phố lớn sẽ trở thành thách thức cho sự tăng trưởng của phân khúc sản phẩm này trong tương lai.