Monday, November 18, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ chống tham nhũng bằng...phim truyền hình

TQ chống tham nhũng bằng…phim truyền hình

Ông Tập Cận Bình nói: “Không có tranh giành quyền lực ở đây, cũng không phải bất kỳ điều gì tương tự như bộ phim Sóng gió chính trường”.

Ảnh chụp màn hình đoạn quảng cáo giới thiệu bộ phim, quay cảnh một quan chức “cấp nhà nước” đang trên giường với “gái Tây”, cầm điện thoại hỏi lại cảnh sát về người trên màn hình: Đây là tôi sao?

The Straits Times, Singapore ngày 5/4 đưa tin, một bộ phim truyền hình về đề tài chống tham nhũng với nhân vật phản diện là quan chức cấp cao đang thu hút sự chú đặc biệt từ công chúng Trung Quốc.

Một quan chức “cấp nhà nước” xuất hiện trong bộ phim này với cảnh quay bị bắt khi đang trên giường với “gái Tây”. Khi cảnh sát khám nhà viên quan này, họ phát hiện vô số cọc tiền mặt phủ kín dưới ga trải giường và nhét đầy tủ quần áo….

Bộ phim có tên “Nhân danh Nhân dân” đã có 170 triệu lượt xem kể từ khi ra mắt hôm 28/3 trên Aiqiyi.com, một trang web trực tuyến được cấp phép phát sóng.

“Nhân danh Nhân dân” dài 56 tập với các diễn viên gạo cội như Lục Nghị, Trương Phong Nghị thủ vai chính, dự kiến sẽ được phát sóng liên tục vào giờ vàng cho đến ngày 1/5.

Kịch bản bộ phim xây dựng quanh một vụ tham nhũng phức tạp được đưa ra ánh sáng từ cuộc xung đột tại một nhà máy ở một tỉnh hư cấu. 

Bộ phim tập trung vào công việc của các nhà điều tra chống tham nhũng với nhiệm vụ điều tra, bắt giữ các quan chức tham nhũng, cho dù là hổ hay ruồi, cách nói ví von trong thực tế của ông Tập Cận Bình: đả hổ, đập ruồi.

“Nhân danh Nhân dân” được xây dựng dựa trên kịch bản hư cấu về tham nhũng, tranh giành quyền lực cũng như lối sống xa đọa của một số quan chức cấp cao, nhưng rốt cuộc là để ca ngợi cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, ông Vương Kỳ Sơn.

Wan Yuchen, một nhà phân tích từ tập đoàn Nghiên cứu thị trường Trung Quốc nói với đài CNBC qua thư điện tử, việc ra mắt bộ phim này trước thềm Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc là rất có ý nghĩa.

Đáng chú ý, từ năm 2004, cơ quan quản lý và giám sát các hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh và truyền hình Trung Quốc từng ra khuyến cáo chính thức, không phát sóng các bộ phim theo chủ đề chống tham nhũng vào giờ vàng để “bảo vệ thanh thiếu niên”.

South China Morning Post, Hồng Kông ngày 5/4 cho biết, việc phát sóng giờ vàng bộ phim truyền hình “Nhân danh Nhân dân” đã phá vỡ lệnh cấm năm 2004.

Mặc dù nhân vật phản diện trong bộ phim này mới chỉ là “quan chức nhà nước cấp phó” chứ không động đến ngưỡng Tổng thống như phim truyền hình “Sóng gió chính trường” (House of Cards) của Hoa Kỳ, nhưng nó đi xa hơn bất kỳ bộ phim nào về chính trị tại Trung Quốc, tính đến thời điểm hiện nay.

Việc chiếu phim về đề tài chống tham nhũng vào giờ vàng, theo South China Morning Post, nó phản ánh sự tự tin ngày càng tăng của Bắc Kinh về khả năng kiểm soát các câu chuyện chống tham nhũng.

Đồng thời các nhà chức trách muốn thuyết phục dân chúng Trung Quốc rằng, đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tự làm trong sạch bộ máy.

Trong chuyến công du Hoa Kỳ tháng 9/2015, ông Tập Cận Bình từng phát biểu khi dừng chân tại thành phố Seattle: cuộc chiến đả hổ đập ruồi phản ánh ý chí của nhà nước Trung Quốc, đó không phải một cuộc thanh trừng chính trị.

Ông Tập Cận Bình nói: “Không có tranh giành quyền lực ở đây, cũng không phải bất kỳ điều gì tương tự như bộ phim Sóng gió chính trường”.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc dưới quyền ông Vương Kỳ Sơn cũng đã làm 2 bộ phim tài liệu ca ngợi chiến dịch đả hổ đập ruồi, với cảnh một số quan đầu tỉnh khóc lóc thú nhận tham nhũng, nhận hối lộ trước công chúng.

Tuy nhiên, giới trẻ Trung Quốc thích xem phim truyền hình trực tuyến hơn là xem các bộ phim tài liệu về chính trị khô khan trên truyền hình nhà nước.

Tháng 6/2015, một nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương đã đến Trung tâm Điện ảnh và Truyền hình thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cũng như cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, phát thanh và truyền hình, yêu cầu làm nhiều phim truyền hình về chủ đề chống tham nhũng.

Zhou Meisen, một nhà văn nổi tiếng về các tiểu thuyết chính trị và nhà viết kịch bản phim truyền hình, đã được chọn để chuẩn bị kịch bản cho “Nhân danh Nhân dân”.

Trả lời Nhật báo Bắc Kinh, ông cho hay các bộ phim của ông trước đây về chống tham nhũng rất khó tìm ủng hộ, kinh phí từ các doanh nghiệp nhà nước vì tính nhạy cảm cũng như khả năng thành công trên thị trường.

Cuối cùng, “Nhân danh Nhân dân” được cấp vốn bởi 5 doanh nghiệp tư nhân, mà không doanh nghiệp nào từng đầu tư làm phim trước đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới