Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ gặp TQ trong thế 'dưới cơ'

Mỹ gặp TQ trong thế ‘dưới cơ’

Thật khó để dự đoán kết quả cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida.

Cả hai nhà lãnh đạo đều có nhiều sức ép từ trong nước. Ông Trump, trong một năm qua, đã mô tả Trung Quốc như một mối đe dọa lớn đối với Mỹ trên phương diện giao thương, việc làm, thao túng tiền tệ và an ninh. Trong khi đó, ông Tập có lý do để lo ngại trước các nỗ lực của Mỹ ngăn chặn quá trình bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, song song đó là việc Mỹ tăng cường liên minh với Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.

Nếu không ai được phép thua trên bàn đàm phán, vậy ai 
sẽ thắng?

Đội Mỹ yếu

Hai nhóm ngoại giao và quốc phòng dưới trướng ông Trump đang phối hợp không ăn ý và tình huống này đặt Mỹ vào thế bất lợi lớn trước cuộc đàm phán với Trung Quốc. Tính chung, còn khoảng 4.000 vị trí trong chính phủ mới của Mỹ chưa có người gánh vác.

Cả Ngoại trưởng Rex Tillerson lẫn Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đều chưa có trong tay các trợ lý, do phe Dân chủ cố tình cản trở quá trình bổ nhiệm. Điều này có nghĩa “đội Mỹ” không có vị quan chức kinh nghiệm nào đứng ra lắp ráp các chính sách của ông Trump lại với nhau.

Mà thực tế còn tệ hơn. Quyết định bổ nhiệm con rể Jared Kushner của ông Trump cho vị trí “tiên phong” trong xây dựng quan hệ với Trung Quốc khá kỳ lạ. Kushner chỉ là doanh nhân trẻ, không có chút kinh nghiệm nào về Trung Quốc và đối ngoại.

Rõ ràng Kushner đã làm việc sau hậu trường cùng đại sứ Trung Quốc Cui Tiankai và cựu đại sứ Yang Jiechi để thu xếp cuộc gặp thượng đỉnh ngày 6-4, chính thức gạt ra bên lề hai bộ trưởng Tillerson và Mattis!

Một điều không kém phần quan trọng (và không tốt chút nào) là chính quyền Tổng thống Trump chưa định hình được một chính sách Trung Quốc nhất quán.

Nội bộ của “đội Mỹ” dường như đang chia rẽ về chính sách Trung Quốc, với một bên là phe “diều hâu” có quan điểm cứng rắn dẫn đầu bởi cố vấn Steve Bannon, còn phe “bồ câu” ôn hòa hơn thì có Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và một số khác có quan điểm không rõ ràng đại diện bởi Ngoại trưởng Rex Tillerson (!).

Có lẽ đã quá trễ để ông Trump phát triển một chính sách Trung Quốc đủ mạnh. Trong tuần đầu tiên trong văn phòng, ông Trump đã chính thức rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có sự tham gia của một số nước Đông Nam Á. TPP là không thể thiếu nếu Mỹ muốn tái khẳng định vị trí trong khu vực, không chỉ là giao thương mà còn là hợp tác an ninh và phát triển.

Quan trọng hơn, nó sẽ cản trở sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Nếu Mỹ thật sự nghiêm túc về Trung Quốc, TPP lẽ ra đã không mất đi.

Mỹ và Trung Quốc 
cần những gì?

Ông Trump cần một chiến thắng mang tên gọi “giao thương” và “việc làm”. Thành công này có thể hiểu là thông qua các cam kết đầu tư từ phía Trung Quốc, vốn đã và đang diễn ra. Ông Trump sẽ không thể tiếp cận thị trường Trung Quốc nhiều hơn nữa vì lý do: các thị trường nhìn chung đang thu hẹp, không phải mở rộng. Trung Quốc chưa từng thừa nhận thao túng tiền tệ, nên về mặt này sẽ không có chuyển biến.

Ngoài ra, ông Trump không quan tâm mấy đến chuyện nhân quyền và đã hủy các chính sách chống biến đổi khí hậu thời Obama, vậy nên các mặt trận này cũng sẽ án binh bất động. Ông Trump có thể nhận được một số nhượng bộ trong vấn đề CHDCND Triều Tiên.

Việc Bình Nhưỡng tiếp tục phóng tên lửa vào vùng biển Nhật Bản hôm qua có thể buộc Trung Quốc phải can thiệp. Ông Trump trước đó dọa sẽ “hành động một mình” trong vấn đề Triều Tiên nếu Bắc Kinh không chịu ra tay, tuy nhiên ông không nói rõ điều này mang ý nghĩa gì.

Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh mặt trận ngoại giao trong lúc củng cố thêm sự hiện diện ở Biển Đông. Về phía Mỹ, ông Trump đang mở rộng lực lượng hải quân và có thể sử dụng đến sức mạnh này, tuy nhiên không ai biết được chắc chắn.

Trung Quốc muốn bảo vệ chương trình “Một vành đai, một con đường”, kiểm soát các tuyến giao thương từ Trung Quốc đến tận châu Phi thông qua các khoản đầu tư hạ tầng, quỹ phát triển và liên minh thương mại. Trung Quốc sẽ không muốn Mỹ cản trở. Mà thật ra họ cũng không cần lo vì ông Trump đã chọn chính sách rút về sân nhà (tiêu biểu là rút khỏi TPP), tạo ra một khoảng trống quyền lực đúng như Trung Quốc mơ ước.

Trung Quốc sẽ muốn thuyết phục ông Trump rút lại lời hứa áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc. Thành công của ông Tập sẽ phụ thuộc vào việc ông sẵn sàng nhượng bộ bao nhiêu. Tuy nhiên, có một điều chắn chắn là cả hai nước sẽ thiệt hại nếu xảy ra chiến tranh thương mại.

Và cuối cùng, nguy hiểm lớn nhất rình rập ông Tập ở Mar-a-Lago là khả năng ông Trump đưa ra một phát ngôn “bất lịch sự” trong và sau cuộc gặp. Mọi con mắt đang nhìn vào mạng xã hội Twitter!

Ông Tập thăm Phần Lan trước khi sang Mỹ

Ngày 5-4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Tổng thống Sauli Niinisto trong chuyến thăm chính thức tới Phần Lan, nhằm thúc đẩy mối quan hệ thương mại song phương giữa hai nước. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc đến Phần Lan trong 22 năm qua.

Trong thời gian lưu lại Helsinki, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila và Chủ tịch Quốc hội Maria Lohela. Sau chuyến thăm Phần Lan, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục hành trình đến Florida để gặp gỡ và thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 6-4.

RELATED ARTICLES

Tin mới