Bản tin Biển Đông ngày 10/04/2017.
Trung Quốc lên kế hoạch thống trị Biển Đông bằng cách “dùng lại” chiến lược của Anh
Ngày 8/4, tạp chí The National Interest đăng bài viết “Cách Trung Quốc thống trị Biển Đông: sao chép ví dụ từ nước Anh”
Bài viết nhận định, những hành động hung hăng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở mục đích tăng cường phô trương sức mạnh quân sự mà thậm chí nước này còn đang công khai thách thức quan điểm của Mỹ về các tuyến giao thương “mở” và tự do, khẳng định tranh chấp Biển Đông là phép thử quan trọng đối với Mỹ và cho rằng Mỹ cần lưu ý một trong những tranh chấp lớn nhất của thế kỷ XVII liên quan đến Anh và Hà Lan.
Vào thế kỷ XVII, Hà Lan vươn lên trở thành quốc gia bá chủ toàn cầu thông qua khả năng khai thác tư bản tài chính và tự do thương mại trước các đối thủ cạnh tranh, chủ yếu dựa vào học thuyết của Hugo Grotius về “các vùng biển tự do” nhấn mạnh các đại dương của thế giới là tài sản chung của nhân loại. Tuy nhiên, không đồng tình với quan điểm này, Anh đã dựa trên học thuyết được xây dựng bởi John Selden để giành lấy vị thế độc tôn về thương mại, “lật ngược” quan điểm về các vùng biển tự do, chỉ trích khái niệm này là “lý thuyết suông vô nghĩa”, đề cao cái gọi là “các vùng biển kín”, cho rằng một cường quốc có thể tuỳ ý mở rộng chủ quyền lãnh thổ ra đại dương, hạn chế thương mại và phong toả các vùng biển nhằm hạn chế các đối thủ. Bằng cách này, Anh đã khiến vị thế của Hà Lan bị suy giảm nhanh chóng và phải nhượng lại các vùng biển cho “vị bá chủ mới” này.
Tác giả cho rằng có thể Trung Quốc cũng giống nước Anh của thế kỷ XVII, đi theo học thuyết của Selden về các vùng biển kín, đang ráo riết hiện thực hoá mưu đồ vây toả Biển Đông và biến khu vực này trở thành lãnh thổ chủ quyền riêng của mình. Tác giả cảnh báo Mỹ cần nhận diện được thách thức – cũng như mối đe doạ này và ngăn cản âm mưu thâu tóm các tuyến giao thương huyết mạch ở khu vực.
Giới quân sự cho biết Philippines sẽ “nâng cấp” các công trình chứ không “chiếm đóng thêm” các khu vực mới ở Biển Đông
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, ngày 7/4, liên quan đến tuyên bố của Tổng thống Rodrigo Duterte về việc sẽ điều quân ra các đảo ở Trường Sa, giới chức quân sự và quốc phòng cho biết Philippines sẽ nâng cấp các công trình hiện có trên các đảo và đá không có người ở trên Biển Đông và sẽ không chiếm đóng khu vực mới nào, đảm bảo về việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông. Một quan chức hải quân khẳng định “lệnh của tổng thống rất rõ ràng: chỉ chiếm đóng những khu vực đã tuyên bố chủ quyền”. Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cũng nhấn mạnh rằng Philippines đã lên kế hoạch sửa chữa và nâng cấp các công trình ở Trường Sa như “các doanh trại cho binh lính, hệ thống cấp thoát nước, các trạm phát điện, hải đăng và những nơi trú ẩn dành cho ngư dân”
Philippines cam kết cải thiện quan hệ với các bên tranh chấp ở Biển Đông
GMA News đưa tin, ngày 8/4, theo nguồn tin từ Điện Malacanang, Người Phát ngôn của Tổng thống Ernesto Abella cho hay, phía Philippines cam kết sẽ cải thiện và thúc đẩy quan hệ với các bên trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Phát biểu của ông Abella được đưa ra sau khi Trung Quốc “bày tỏ lo ngại” về chỉ đạo điều quân ra các đảo, đá ở Biển Đông của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Tổng thống Philippines kêu gọi giải quyết hoà bình các tranh chấp
Ngày 10/4, tờ The Philippine Star đưa tin, ngày 9/4, trong buổi khai mạc tuần lễ kỷ niệm Ngày Cựu binh và Anh hùng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lên án việc sử dụng chiến tranh để giải quyết tranh chấp, bao gồm các tranh chấp biển và lãnh thổ ở Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, nhấn mạnh “những bài học đau lòng trong chiến tranh đã thôi thúc tất cả các quốc gia trong một cộng đồng hợp tác vì hoà bình và phát triển”, “Philippines sẽ tiếp tục khẳng định lập trường kiên định về việc tranh chấp cần phải được giải quyết một cách hoà bình”. Ông Duterte cũng cho biết đây là lý do vì sao Philippines là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho các tiến triển tích cực trong quan hệ quốc tế, qua đó kêu gọi các bên có trách nhiệm bảo vệ lợi ích chung, cùng hợp tác giải quyết các mối đe doạ đối với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, Tổng thống Duterte đã tái khẳng định mối quan hệ đồng minh với Mỹ và Nhật Bản. Đặc biệt, ông Duterte đề cao Nhật Bản là “đồng minh mới vì hoà bình, phát triển và thượng tôn pháp luật ở khu vực”. Ngoài ra, ông khẳng định “với tư cách chủ tịch ASEAN nhân kỷ niệm 50 năm thành lập khối, Philippines quyết tâm đóng góp vào việc xây dựng cộng đồng khu vực, nỗ lực hết sức để đạt được hoà bình, tiến bộ và thịnh vượng, vì lợi ích cốt lõi của người dân ASEAN”.