Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiPhạm luật quốc tế thì bị Washington trừng phạt, Mỹ thì sao?

Phạm luật quốc tế thì bị Washington trừng phạt, Mỹ thì sao?

“Tomahawk Mỹ” bay vào bất cứ quốc gia thù địch nào đều gây nguy hại cho Mỹ trước tiên, bởi Washington luôn cho mình quyền miễn trừ với luật pháp quốc tế…

Tàu sân bay USS Carl Vison đang tiến về phía bán đảo Triều Tiên

Washington tấn công Syria hay trừng phạt Triều Tiên là muốn bảo vệ tính nghiêm minh của luật pháp quốc tế?

Reuters ngày 9/4 đưa tin, trả lời với báo giới, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, cuộc tấn công của Mỹ đối với Syria nhằm trả đũa việc sử dụng vũ khí hóa học, mà Mỹ cho Assad là thủ phạm, là một cảnh báo cho các quốc gia khác, trong đó có Triều Tiên, và rằng “một phản ứng có thể xảy ra” nếu hành động gây nguy hiểm.

Quan điểm của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ được đưa ra trong bối cảnh tàu sân bay USS Carl Vinson của của Hải quân Mỹ đang tiến vào bán đảo Triều Tiên và được giới phân tích đặt câu hỏi: phải chăng Mỹ sẽ thực hiện những hành động với Triều Tiên giống như vụ “tên lửa Tomahawk Mỹ bay vào Syria” ngày 7/4 vừa qua?

Điều đó càng có nguy cơ trở thành hiện thực khi ông Tillerson khẳng định: “Về vấn đề Triều Tiên, chúng tôi có mục tiêu rõ ràng rằng, đó là một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân”. Và ông Tillerson cũng cho biết Trung Quốc đã đồng ý cần phải có hành động để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng với Face Nation, ông Tillerson nhận định: “Chủ tịch Tập Cận Bình hiểu rõ và cần phải đồng ý rằng tình hình đã tăng lên, đã đạt đến một mức độ mà một hành động trừng phạt phải được thực hiện”. Còn Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, H.R. McMaster thì cho biết, Tổng thống Trump sẽ sớm xem xét các lựa chọn để loại bỏ mối đe dọa từ Triều Tiên.

Trả lời cầu hỏi về việc Mỹ có khôn ngoan không nếu tấn công quân sự Triều Tiên, ông McMaster lên tiếng: “Đây là một chế độ ăn cướp mà bây giờ còn là một chế độ có khả về năng hạt nhân. Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Trump đồng ý rằng điều đó không thể chấp nhận được, rằng cần làm gì để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.

“Trong khi đó, các quan chức Triều Tiên, trong đó có lãnh đạo Kim Jong-un, đã nhiều lần chỉ ra rằng một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo hoặc một cái gì đó tương tự có thể sẽ xảy ra, có thể ngay sau ngày 15/4 – dịp sinh nhật thứ 105 của Chủ tịch Kim Nhật Thành và lễ kỷ niệm “Ngày của Mặt Trời”, theo Reuters.

Hãng tin của Anh phân tích, lần đầu tiên tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ, từ Singapore di chuyển tới gần bán đảo Triều Tiên là một dấu hiệu cho thấy dường như Washington sẽ có những phản ứng mạnh mẽ với việc Bình Nhưỡng trong vụ thử nghiệm chất lỏng của tên lửa Scud hồi đầu tháng này.

Theo một đánh giá của cơ quan an ninh quốc gia Mỹ, các lựa chọn trừng phạt Triều Tiên sẽ bao gồm cả trừng phạt kinh tế lẫn quân sự. Song, theo Reuters, giới an ninh Mỹ lại nghiêng về trừng phạt kinh tế Triều Tiên hơn, qua đó gây áp lực lên Bắc Kinh phải uốn nắn người đồng minh chiến lược của mình. Nghĩa là bất luận thế nào thì Triều Tiên sẽ tiếp tục bị trừng phạt.

Lý giải cho những hành động trừng phạt của Washington với các nước khác, Ngoại trưởng Mỹ Tillreson cho biết: “Thông điệp cho bất kỳ quốc gia nào cũng là: Nếu anh vi phạm các nguyên tắc quốc tế, nếu anh vi phạm các thỏa thuận quốc tế, nếu anh không thực hiện cam kết, nếu anh trở thành một mối đe dọa cho người khác, thì tại một số thời điểm có thể những hành động trừng phạt sẽ được thực hiện”.

Như vậy, theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, Washington hành động là vì công lý, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và những hành động trừng phạt của Washington đối với bất cứ thực thể nào – bao gồm cả trừng phạt kinh tế và tấn công quân sự – đều là nhằm bảo vệ sự nghiêm minh cho luật phấp quốc tế khi Washington nhận thấy có sự vi phạm. Xin không bình luận về lý giải này của ông Tillerson.

Thực thể khác phạm luật quốc tế thì bị Washington trừng phạt, còn Mỹ thì sao?

Như người viết đã từng phân tích, “làm luật nhưng lại né luật” đã trở thành “thương hiệu” của chính quyền Mỹ thời hậu Thế chiến II. Là một “cường quốc biển” nhưng Mỹ lại không tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), cho dù Washington đã “bỏ nhiều công sức” vào việc xây dựng văn bản pháp lý mang chuẩn quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền lợi gắn liền với biển.

Hay gần đây nhất là Công ước Rome về việc thành lập Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) nhằm xét xử các tội ác chiến tranh, chống lại loài người. Mỹ tham gia, thậm chí đi tiên phong trong việc hoàn thiện Công ước Rome và cho ra đời ICC, vậy nhưng khi các phiên toà của ICC bắt đầu được tiến hành thì Washington lại rút nước Mỹ ra khỏi ICC.

Đặc biệt nguy hại là những tội phạm mà ICC xét xử có rất nhiều hành động mà các nhà lãnh đạo Mỹ cũng thực hiện. Dư luận cho rằng, hành động của Tổng thống George W.Bush quyết định tấn công Iraq chỉ dựa trên hoang tin – thậm chí tạo hoang tin để có cơ sở – tấn công và lật đổ chế độ của Saddam Hussein, giết hại biết bao dân thường Iraq, có thể bị khép tội bởi ICC.

Tuy nhiên, do Mỹ đứng ngoài ICC nên ông Bush và những cộng sự đều vô can. Giới phân tích cho rằng, dường như luật pháp quốc tế chính là luật của Mỹ nên điều gì bất lợi cho Mỹ thì, hoặc sẽ không nằm trong nội dung của luật pháp quốc tế, hoặc Mỹ được miền trừ nghĩa vụ tuân thủ. Điều đó khiến cho Mỹ được hiểu là thực thể có thể đừng trên luật pháp quốc tế.

Cả dư luận và công luận đều đồng thuận là mọi hành động vi phạm luật pháp quốc tế đều phải bị trừng phạt, song cả dư luận và công luận cũng luôn đặt câu hỏi là nếu Mỹ vi phạm thì sao. Mỹ có thể được quyền vận dụng quy định của luật pháp quốc tế đề trừng phạt những thực thể có hành vi vi phạm, vậy khi Mỹ vi phạm thì quốc tế có thể vận dụng để trừng phạt Mỹ?

Thực tế đã trả lời là không. Chỉ có điều khi chính quyền Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế mà quốc tế không thể vận dụng luật pháp quốc tế để trừng phạt Mỹ thì có thể sẽ có lực lượng khác, sử dụng loại luật khác để trừng phạt Mỹ. Đó chính là nguyên nhân tại sao tất các tổ chức cực đoan, các tổ chức khủng bố luôn hướng về nước Mỹ, dù có thể các tổ đó chức do chính Mỹ tạo ra.

Không thể phủ nhận Sắc lệnh cấm người nhập cư của chính quyền Trump là vì sự an toàn cho nước Mỹ, song nước Mỹ sẽ rất khó được an toàn khi Washington luôn là người “làm luật nhưng lại né luật”. Như vậy, để nước Mỹ được an toàn, người dân Mỹ giảm bớt nguy hiểm thì Washington phải thay đổi cách hành xử của mình khi nhân danh luật pháp quốc tế.

Đặt trường hợp Mỹ tấn công quân sự Syria là trả đũa vụ tấn công bằng vũ khí hoá học mà chính quyền Assad được Washington cho là thủ phạm, vậy nếu điều tra có kết quả khác với mặc định của Washington thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc ai cũng đoán biết được sẽ là “hoà cả làng”, mà kết quả vụ hoang tin trong cuộc chiến Iraq đã chứng minh điều đó.

Đây là một điều hết sức nguy hại cho nước Mỹ, bởi từ sự ức chế ấy không loại trừ sẽ có những cá nhân, tổ chức tìm cách trả đũa Mỹ để trả thù cho người Iraq, trả thù cho người Syria. Do vậy, “Tomahawk Mỹ bay vào Syria” hay bất cứ một quốc gia thù địch nào khác của Mỹ thì đều gây nguy hại cho người Mỹ, cho nước Mỹ trước tiên, mà nguyên nhân chính là việc Washington luôn cho mình quyền miễn trừ với luật pháp quốc tế, chứ không hẳn là hậu quả gây ra bởi những quả Tomahawk ấy.

RELATED ARTICLES

Tin mới