Wednesday, November 20, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMỹ gửi thông điệp gì đến Triều Tiên sau cuộc tấn công...

Mỹ gửi thông điệp gì đến Triều Tiên sau cuộc tấn công Syria?

Sau cuộc tấn công bằng tên lửa vào Syria mà Mỹ cho là thành công, chính quyền của Tổng thống Donald Trump có một loạt hành động nhằm gửi thông điệp đến Triều Tiên: “Đừng trở thành nguy cơ tiếp theo”. Tuy nhiên phân tích các dữ kiện cho thấy, Mỹ sẽ theo đuổi cách tiếp cận kinh tế và ngoại giao hơn là quân sự.

 

 

 Nhóm tàu do Carl Vinson dẫn đầu được Mỹ triển khai đến gần Triều Tiên.

Lợi ích và rủi ro

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn hôm 9.4, Tổng thống Donald Trump cho rằng, các quan chức cấp cao chính quyền Mỹ đang đưa ra “một loạt lựa chọn” nhằm đối phó các mối đe dọa với Hoa Kỳ hoặc đồng minh. Sự chuyển hướng bất ngờ của chính quyền Mỹ vào Triều Tiên sau vụ tấn công bằng tên lửa vào Syria mang đến cả những lợi ích cũng như rủi ro cho chính quyền của ông Trump. Với quyết định đáp trả nhanh chóng cho cáo buộc Syria dùng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường, cuộc tấn công của ông Trump nhận được những tràng pháo tay cổ vũ của những đồng minh Châu Âu trước đó hoài nghi Mỹ, cũng như của một số nhà phê bình cứng rắn nhất ở Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả khi ông Trump được ủng hộ về cuộc tấn công quân sự trực tiếp đầu tiên vào Syria, thì chính quyền Mỹ dường như ít háo hức can thiệp sâu hơn vào cuộc nội chiến đã kéo dài sang năm thứ 7 ở Syria.

Về vấn đề Triều Tiên, xu hướng về cơ bản cũng như vậy, mặc dù vấn đề Triều Tiên phức tạp và khó khăn với Mỹ hơn nhiều so với Syria. Với Mỹ, Triều Tiên có mối đe dọa lớn hơn về một cuộc xung đột hạt nhân, hoặc thậm chí một cuộc tấn công quân sự thông thường vào các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc. Bình luận về cuộc tấn công Syria của Mỹ, Triều Tiên lên án kịch liệt, gọi đó là “điều không thể dung thứ” và nhắc lại quyền tự vệ chính đáng của mình.

Trước những dấu hiệu về việc Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh nhà lãnh đạo lập quốc Kim Nhật Thành, một nhóm tàu tấn công của Hải quân Mỹ sẽ di chuyển từ Singapore tới tây Thái Bình Dương, gần bán đảo Triều Tiên. Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Dave Benham được AP dẫn lời cho biết, nhóm tàu tấn công sân bay Carl Vinson đến gần bán đảo Triều Tiên để “đối phó với mối đe dọa thường trực trong khu vực là Bình Nhưỡng vì chương trình thử tên lửa thiếu trách nhiệm và khả năng theo đuổi vũ khí hạt nhân”.

Cùng lúc, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ hoài nghi về việc Mỹ đưa nhóm tàu tấn công đến gần Triều Tiên. “Tôi cho rằng đây là một động thái nhằm khuyến khích Triều Tiên làm chậm lại chương trình tên lửa. Nhưng tôi nghi ngờ điều này có hiệu quả. Triều Tiên đã sử dụng rất nhiều nguồn lực để đi xa đến tận hôm nay, và họ cũng có lịch sử lâu dài không phản ứng trước áp lực bên ngoài” – Robert Kelly – Phó Giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc nhận định với AP.

Nghiêng về răn đe hơn là tấn công quân sự

Dù các phát biểu của hai bên có vẻ cứng rắn, song các phân tích hoặc một số dữ kiện khác lại mang thông điệp rằng, Mỹ sẽ theo đuổi cách tiếp cận ít đối đầu hơn. Theo các chuyên gia, việc triển khai nhóm tàu sân bay vào thời điểm nhạy cảm như thế này mang tính răn đe rất lớn, nhưng sẽ gây ra những hậu quả không mong muốn nếu canh bạc chiến lược không đi theo kịch bản. “Sẽ là không khôn ngoan khi loại bỏ hoàn toàn một cuộc tấn công sớm của Mỹ vào Triều Tiên, ngay cả sau vụ tấn công Syria, nhưng tôi nghĩ rằng đó chỉ là xác suất thấp” – ông Alastair Newton, một nhà cựu ngoại giao người Anh, hiện tham gia Tổ chức Tư vấn doanh nghiệp Alavan, nhận định.

Giữa tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau ở Florida, và ông Trump đã hối thúc nhà lãnh đạo Trung Quốc hành động nhiều hơn để ngăn chặn chương trình tên lửa của Triều Tiên. Ngay cả việc Mỹ điều nhóm tàu tấn công đến gần Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, được Bloomberg dẫn lời, tuyên bố hôm 9.4 rằng Mỹ không nhằm mục tiêu “thay đổi chế độ” ở Triều Tiên. Thay vì thế, ông Tillerson nói rằng, Triều Tiên cần chấm dứt mọi vụ thử nghiệm vũ khí trước khi các cuộc đàm phán ngoại giao có thể diễn ra.

Cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ – Trung có vẻ đã hiệu quả khi ngày 10.4, ông Vũ Đại Vĩ – Đặc sứ Trung Quốc về các vấn đề bán đảo Triều Tiên, tới Seoul gặp đối tác Hàn Quốc để thảo luận vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Trong cuộc gặp, hai bên nhất trí cần có những biện pháp mạnh hơn trước việc Triều Tiên thử tên lửa và hạt nhân – tin ban đầu cho biết. Chuyến đi của đặc sứ Trung Quốc cho thấy Trung Quốc cũng thấy nhu cầu có sức ép lớn hơn với Triều Tiên và Mỹ vẫn muốn theo đuổi cách tiếp cận ngoại giao.

Trong khi đó, các cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump đã hoàn thành việc xem xét những lựa chọn của Mỹ để cắt giảm chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Những lựa chọn này bao gồm các biện pháp kinh tế và quân sự, nhưng nghiêng về trừng phạt và tăng cường sức ép lên Trung Quốc để kiềm chế Triều Tiên.

Mặc dù lựa chọn tấn công quân sự phủ đầu vẫn để ngỏ, song báo cáo trên ưu tiên các bước đi ít mạo hiểm hơn và không chú trọng đến hành động quân sự trực tiếp. Một nguồn tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rằng việc Mỹ tấn công Triều Tiên là “không thực tế”. “Nếu Mỹ nói rằng họ sẽ tấn công, cả Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ ngăn chặn việc đó” – Reuters dẫn nguồn tin giấu tên nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới