Bản tin Biển Đông ngày 13/04/2017.
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sẽ thảo luận về tranh chấp Biển Đông
Ngày 13/4, tạp chí The Nation đưa tin, ngày 12/4, theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Thái Lan, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Manila, Philippines vào ngày 29/4 để thảo luận về việc xây dựng cộng đồng ASEAN cùng với các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có tranh chấp Biển Đông. Ông Suriya Jindawong, Phó Tổng Vụ trưởng Vụ các vấn đề ASEAN cho biết tại cuộc họp, tiến triển xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ được trình bày trước các nhà lãnh đạo của các nước ASEAN. Ông Suriya cho hay, các quan chức và chuyên gia đến từ các nước ASEAN và Trung Quốc đã triển khai xây dựng bộ khung COC và dự kiến sẽ tiến hành ký kết vào giữa năm 2017 và sau khi bộ khung được hoàn tất, các bên sẽ bắt đầu đàm phán về nội dung của COC.
Cần tìm ra cách tháo gỡ bế tắc
Ngày 13/4, trang Manila Bulletin đăng tải bài viết “Cần tìm ra cách tháo gỡ bế tắc”. Bài viết thảo luận về việc mới đây, Tổng thống Phippines Rodrigo Duterte đã đưa ra chỉ đạo triển khai quân đội nước này tới các đảo và đá để nâng cấp các cơ sở hiện có ở Biển Đông. Ngay lập tức, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đưa ra phản ứng, tuyên bố “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích “của mình” ở Biển Đông” và yêu cầu Philippines “tiếp tục quản lý một cách phù hợp các tranh chấp biển với Trung Quốc đồng thời hợp tác duy trì sự phát triển mối quan hệ tốt đẹp và bền vững giữa Trung Quốc và Philippines”. Tác giả bài viết kêu gọi chính quyền Tổng thống Duterte cần tìm cách tháo gỡ bế tắc trong khi vẫn tiếp tục củng cố quan hệ với Trung Quốc và các nước láng giềng ở khu vực, bởi dù Philippines đã có được thắng lợi từ vụ kiện Trọng tài quốc tế Biển Đông nhưng Trung Quốc vẫn cương quyết theo đuổi các yêu sách của mình trên biển. Tuy nhiên, bài viết nhấn mạnh rằng cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc” bao trùm lên gần như toàn bộ Biển Đông, kể cả bãi cạn Scarborough nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, chỉ hoàn toàn được dựa trên “đường chín đoạn” có nguồn gốc từ một tấm bản đồ cổ của Trung Quốc – một yêu sách phi lý đã bị bác bỏ hoàn toàn bởi Phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc được đưa ra ngày 12/7/2016.