Saturday, December 28, 2024
Trang chủĐàm luậnLiệu Mỹ - Trung có thể bắt tay nhau “chia lại địa...

Liệu Mỹ – Trung có thể bắt tay nhau “chia lại địa bàn”?

Trong con tính của Bắc Kinh, chỉ cần Donald Trump im lặng có nghĩa là Trung Quốc thắng lợi. Một việc đơn giản là Trung Quốc tiếp tục củng cố thế lực ở Biển Đông.

Biển Đông có vẻ như không được đề cập trong các tuyên bố danh chính ngôn thuận phát đi từ Nhà Trắng hay Trung Nam Hải xung quanh hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Donald Trump và Tập Cận Bình.

Tiền đề về chính sách của Mỹ ở Biển Đông dưới thời ông Donald Trump được kỳ vọng, có thể không được tìm thấy qua hội nghị thượng đỉnh này. Cho đến nay tất cả chỉ là sự im lặng.

Nhà Trắng và Trung Nam Hải hiện đều im lặng về Biển Đông, khác hẳn với những tuyên bố hùng hồn của ông Donald Trump cũng như Ngoại trưởng Rex Tillerson trước thềm hội nghị thượng đỉnh này.  Cũng không ai đoán trước được rằng: Liệu sự im lặng ấy có đồng nghĩa với yên bình trên Biển Đông hay là dấu hiệu báo trước những cơn bão?

Tình hình Biển Đông sẽ diễn biến như thế nào sau cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Trung Quốc tại Florida vừa qua? Quan sát những diễn biến trước, trong và sau cuộc gặp Donald Trump – Tập Cận Bình, có lý do để các bên liên quan, bao gồm Việt Nam, cần cảnh giác. Đó chính là khả năng có một thỏa thuận ngầm nào đó giữa Washington và Bắc Kinh về Biển Đông. Trên cơ sở đó, các nước nhỏ trong khu vực cần tính toán giải pháp bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như hòa bình, ổn định trong khu vực.

Sự im lặng khó hiểu của Donald Trump – Tập Cận Bình về Biển Đông

Trước cuộc gặp mặt của 2 nhà lãnh đạo, người ta đồn đoán rằng, vấn đề thương mại Mỹ – Trung, bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và eo biển Đài Loan sẽ là những nội dung chính định hình cuộc gặp này. Trong các nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ trước đó, chính sách đối ngoại và ưu tiên của chính quyền Mỹ ít nhiều được tiết lộ hoặc công khai. Nhưng đến thời Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, những gì sẽ đàm phán với đối phương là một ẩn số, bí mật.

Nó diễn ra đúng như những gì mà ông Donald Trump đã công bố trong suốt chiến dịch tranh cử, cũng như đã thể hiện nó bằng hành động khi bước vào Nhà Trắng. Cụ thể là: Trump và nội các của ông đã thường xuyên sử dụng biện pháp giương Đông kích Tây, nghi binh, nâng giá trước đàm phán với các đối tác hàng đầu, đặc biệt là Trung Quốc.

Về vấn đề nhanh nhạy, Trung Quốc được coi là số 1. Cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 2/12/2016 và dọa xem lại nguyên tắc “một nước Trung Quốc”. Khi Bắc Kinh lo lắng, vội vàng tìm cách liên lạc với các thân tín của Trump thông qua ông Dương Khiết Trì và Đại sứ Thôi Thiên Khải, Trump đột ngột đổi giọng. Ông Trump công khai tái khẳng định cam kết tôn trọng nguyên tắc “một Trung Quốc” khi điện đàm với ông Tập Cận Bình, sau khi đã đã được hứa một cái gì đó.

Phát biểu của ông Rex Tillerson trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vào ngày 11/1/2017: “Chúng ta sẽ phải gửi thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc, trước hết phải ngừng xây dựng ở các đảo nhân tạo, thứ hai là việc Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo này cũng không được phép”. Có thể nói phát biểu cứng rắn hiếm thấy của cựu CEO ExxonMobil đã mang đến nhiều hy vọng, dấy lên nhiều suy đoán về sự thay đổi chính sách của Mỹ với Biển Đông thời đại Donald Trump.  Mọi người hy vọng và đồn đoán ấy theo hướng Mỹ sẽ cứng rắn hơn đối với các hành động quân sự hóa bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ai cũng hiểu, eo biển Đài Loan có thể là một đòn bẩy địa- chính trị được Trump lựa chọn để mặc cả với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Bởi vì, không có lý do nào để vị tỉ phú này đi đến chiến tranh với Trung Quốc, vì Biển Đông. Chiến tranh là điều cả Washington và Bắc Kinh đều muốn tránh. Thêm nữa, Mỹ có lợi ích cốt lõi trong việc duy trì tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và sẽ không để Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát hay độc chiếm vùng biển chiến lược này. 

Nhưng cho đến thời điểm này, ngoài những lời phát biểu hùng hồn ở cái thủa ban đầu ấy, và một vài hoạt động tuần tra chiếu lệ ở Biển Đông, nước Mỹ dưới thời Trump gần như án binh bất động. Trung Quốc dường như tự do hoành hành. Bây giờ là sự im lặng của Nhà Trắng lẫn Trung Nam Hải trước dư luận về vấn đề Biển Đông qua hội nghị thượng đỉnh Donald Trump – Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, Florida vừa qua.

Liệu Mỹ – Trung có thể bắt tay nhau “chia lại địa bàn”

Sự kiện Trump hạ lệnh bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ quân sự Shayat, Syria, đúng lúc ông vừa ngồi vào bàn ăn tối với ông Tập Cận Bình, làm cho sự chú ý của dư luận đột ngột rẽ sang một hướng khác. Những ngày qua, đã có nhiều phân tích và bình luận về ý đồ, mục tiêu của Nhà Trắng trong hành động quân sự bất ngờ của vị “Tổng thống doanh nhân” này.

Một trong những nhận định được nhiều người chia sẻ và đồng tình là động thái này, ngoài mục đích phá thế bế tắc về đối nội của Donald Trump, phá thế thượng phong của Vladimir Putin tại Syria, còn là một thông điệp rất mạnh mẽ, kịp thời gửi đến vị Chủ tịch Trung Quốc: Nếu Bắc Kinh không ép được Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân thì Mỹ sẽ tự làm. Còn làm bằng cách nào, Donald Trump, Rex Tillerson và James Mattis đều không giấu diếm khả năng đánh đòn phủ đầu như những gì Mỹ mới làm với Syria.

Động thái Mỹ điều cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson tới gần bán đảo Triều Tiên, sau hội nghị thượng đỉnh Trung – Mỹ, càng củng cố thêm cho hướng nhận định này.Nhưng quan sát thái độ, phản ứng của ông Tập Cận Bình và Bộ Ngoại giao, truyền thông nhà nước Trung Quốc trong và sau khi Mỹ bắn tên lửa vào Syria thì dường như không phải vậy.

Về vấn đề Biển Đông: Mỹ quan tâm và lo ngại về Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo có thể đe dọa Hoa Kỳ và đồng minh hơn là tình hình Biển Đông. Ngược lại, Trung Quốc đã thực sự lấy Biển Đông làm đột phá khẩu để vươn ra thế giới, khẳng định vị thế siêu cường toàn cầu mới.

Đây có thể chính là lý do “cái bắt tay Thượng Hải” thời Nixon – Mao Trạch Đông lặp lại trong cuộc gặp Donald Trump – Tập Cận Bình.Và, kết quả hội nghị kết thúc trong không khí thân mật, bạn bè kiểu mới giữa những “đại gia” toàn cầu, bất chấp sự khác biệt về văn hóa, chính trị, ý thức hệ.

Năm 1974, Hoa Kỳ đã từng làm ngơ để Trung Quốc chiếm nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang do Việt Nam Cộng hòa, một đồng minh của Hoa Kỳ, bảo vệ, quản lý theo Hiệp định Geneva 1954, là một thắng lợi của Trung Quốc thời Mao Trạch Đông. 10Vậy thì phải chăng sự im lặng của Trump, không công khai nhắc đến Biển Đông trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này, sẽ lại là một thắng lợi của Trung Quốc thời Tập Cận Bình?

Nếu đúng như vậy, thì mọi sự phản đối, lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, đe dọa an toàn an ninh hàng hải, hàng không và tìm cách độc chiếm Biển Đông mà Trump, Tillerson thể hiện trước đây, chỉ là động tác giả.

Nói cách khác, đó là cách “ra giá” để mặc cả của giới chính khách – thương gia.

Trung Quốc cũng chỉ cần có thế là đủ. Bắc Kinh thừa hiểu, chỉ cần Donald Trump im lặng có nghĩa là nhắm mắt làm ngơ cho Trung Quốc tiếp tục củng cố thế lực ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Mỹ có lợi ích chiến lược trong việc bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông nên không thể để Trung Quốc độc chiếm vùng biển này.

RELATED ARTICLES

Tin mới