Friday, April 26, 2024
Trang chủĐiểm tinMỹ muốn giành quyền kiểm soát Syria từ xa như Nga?

Mỹ muốn giành quyền kiểm soát Syria từ xa như Nga?

Cuộc không kích bất ngờ nhằm vào căn cứ quân sự Syria hồi tuần trước cho thấy Mỹ đang quyết tâm can thiệp vào chiến sự ở Syria cũng như muốn giành quyền kiểm soát từ xa đối với Syria như Nga đang làm.

Quyết định không kích căn cứ quân sự ở Syria của ông Trump vẫn
đang là đề tài tranh luận đúng và sai giữa các nước và giới chuyên gia.

Chia sẻ với Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), nhà nghiên cứu Niall Ferguson thuộc Viện Hoover ở Stanford, Mỹ nhấn mạnh Tổng thống Donald Trump đã đúng đắn khi đưa ra quyết định tấn công căn cứ không quân Shayrat của quân chính phủ Syria hôm 7/4. Đây là hành động mà cựu Tổng thống Barack Obama đã không làm được trong năm 2013. Cũng theo ông Ferguson, cuộc không kích của Mỹ vào Syria là một phần trong chiến lược toàn diện của chính quyền Mỹ đương nhiệm ở Trung Đông.

Trong bối cảnh ông Trump phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ ngày càng thấp cùng với việc Quốc hội không đồng thuận với nhiều chính sách đối nội, Tổng thống Mỹ đã buộc phải chuyển sang các chính sách đối ngoại để giành lại ưu thế của nhà lãnh đạo. Đây chính là lý do ông Trump quyết định cho phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ quân sự của Syria ở Homs trước cáo buộc quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường khiến hơn 80 người thiệt mạng.

Theo ông Ferguson, hành động của ông Trump mang ý nghĩa tích cực nhiều hơn là tiêu cực. Dù 59 tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ không thể giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua ở Syria, nhưng nó đã cho thấy những biến chuyển lớn trong chính sách đối ngoại của Washington với Damacus. Đây là điều mà chính quyền của cựu Tổng thống Obama đã thất bại.

Hồi tháng 2/2012, ông Obama đã cố gắng thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phê chuẩn quyết định tấn công quân sự nhằm vào Syria nhưng Nga và Trung Quốc đã phủ quyết.

Kể cả dưới sức ép của đảng Cộng hòa về việc trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy Quân đội Syria tự do (FSA), ông Obama vẫn từ chối thông qua. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nhấn mạnh việc trang bị vũ khí cho FSA sẽ chỉ khiến “cuộc nội chiến ở Syria ngày càng trở nên tồi tệ”.

Tuy nhiên, tới mùa hè năm 2012, cả ông Panetta, Ngoại trưởng Hillary Clinton, Giám đốc CIA David Petraeus và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey đều gây sức ép để buộc ông Obama đồng ý với quyết định trang bị vũ khí cho các nhóm nổi dậy Syria. Cuối cùng, ông Obama đã miễn cưỡng đồng ý để CIA đào tạo cho 10.000 binh sĩ nổi dậy Syria nhưng hiệu quả chiến đấu của các tay súng này thì dường như bằng 0. 

Để lấp đi những thất bại trong chính sách đối ngoại với Syria, Nhà Trắng đã cảnh báo Tổng thống Assad rằng nếu quân chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học, ông Assad sẽ “vượt qua giới hạn đỏ”. Tới tháng 8/2013, khi cuộc chiến ở Syria không có dấu hiệu hạ nhiệt, cựu Tổng thống Obama đã ra thông báo ông sẽ đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết định triển khai hành động quân sự ở Syria. Tuy nhiên, khi Nga khẳng định sẽ thuyết phục chính quyền Tổng thống Assad bàn giao toàn bộ số vũ khí hóa học để đi tiêu hủy, Mỹ đã dừng lại quyết định tấn công quân sự Syria. 

Chưa đầy một năm sau tuyên bố của ông Obama về việc “Mỹ không còn là cảnh sát toàn cầu”, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã sát hại nhà báo James Foley và nhiều con tin phương Tây khác. Hành động của IS buộc ông Obama phải ra quyết định tiến hành không kích ở Syria nhưng chỉ nhằm vào các mục tiêu ẩn náu của IS. Tuy nhiên, quy mô quân sự của Mỹ ở Syria hoàn toàn lép vế trước các cuộc không kích mà Nga triển khai từ cuối năm 2015. Theo đó, Nga không chỉ điều động chiến đấu cơ mà còn lực lượng lục quân tới căn cứ Latakia và tàu chiến tới biển Caspi. Ngoài ra, không chỉ tấn công IS, các cuộc không kích của Nga còn nhắm tới cả lực lượng đối lập Syria. 

Theo ông Ferguson, lâu nay, cựu Tổng thống Obama vẫn được cho luôn cảm thấy tự hào về quyết định không kích ở Syria chưa vượt qua “giới hạn đỏ”. Nhưng trên thực tế, ở Syria, toàn bộ giới hạn đều đã bị phá hủy khi mà con số thương vong đã lên tới 320.000 – 470.000 người. Theo Mạng lưới nhân quyền Syria, số dân thường thiệt mạng trong cuộc nội chiến ở Syria là 207.000 người. Ngoài ra, hơn 10 triệu người Syria đã phải đi sơ tán trong đó hơn một nửa đi tị nạn ra nước ngoài.

Cũng theo ông Ferguson, tính cách thiếu quyết liệt của cựu Tổng thống Obama không chỉ đẩy Syria vào cảnh hoang tàn mà còn khiến thanh danh nước Mỹ trong khu vực bị ảnh hưởng. Bởi ngay cả quyết định ký kết thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran mà Tổng thống Obama đề xuất, cũng không thể ngăn Tehran ủng hộ chính phủ của Tổng thống Assad. 

Còn theo điện Kremlin, quyết định không kích Syria hôm 7/4 của ông Trump là “hoàn toàn sai trái khi vi phạm chủ quyền và luật pháp quốc tế”. Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin còn cảnh báo cơ hội thay đổi những bất đồng giữa quân đội Mỹ và Nga ở Syria đang ngày càng xa vời sau vụ không kích bất ngờ hôm 7/4.

Trước đó, Nhà Trắng lại cho rằng: “Nga sẽ buộc phải đưa ra lựa chọn. Một là Nga chịu trách nhiệm đảm bảo ông Assad hạ vũ khí hóa học như đã hứa, hoặc Moscow phải thừa nhận họ không đủ khả năng kiểm soát chính quyền của ông Assad”. 

Câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump đã có sẵn một kế hoạch lâu dài ở Syria hay quyết định không kích căn cứ không quân Shayrat chỉ là hành động nhất thời?

Theo ông Ferguson, thứ nhất, cuộc không kích của Mỹ nhằm vào Syria hôm 7/4 đã chứng minh Mỹ quyết tâm can thiệp vào tình hình chiến sự Syria. Thứ hai, cuộc không kích này xảy ra đúng thời điểm nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago để họp bàn lần đầu tiên với ông Trump. Và hành động của Mỹ đã chứng minh Washington không ngần ngại dùng vũ lực để đối phó với các nước bị coi là mối nguy hiểm và trong đó có đồng minh của Trung Quốc là Triều Tiên. Thứ ba, ông Trump đang thi hành chính sách giống như điện Kremlin đó là nắm quyền kiểm soát từ xa.

RELATED ARTICLES

Tin mới