Những phản ứng “lạ” từ Bình Nhưỡng có thể là dấu hiệu cho thấy, thỏa hiệp ngầm giữa Donald Trump và Tập Cận Bình đang phát huy tác dụng.
South China Morning Post, Hồng Kông ngày 12/4 đưa tin, Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên Vũ Đại Vĩ đang có mặt tại Seoul để hội đàm với các quan chức Hàn Quốc.
Trung – Mỹ bắt tay ép Bình Nhưỡng
Ứng viên Tổng thống đảng Công lý Hàn Quốc Sim Sang-jung cho hay, ông Vũ Đại Vĩ đã nói, Bắc Kinh sẽ nỗ lực thúc đẩy Hoa Kỳ và Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp.
Vị này dẫn lời ông Vũ Đại Vĩ cho biết:
“Kể từ khi Mỹ từ chối sáng kiến tổ chức một cuộc đàm phán đa phương, chúng tôi sẽ nỗ lực sắp xếp một cuộc đàm phán giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên”.
Hôm thứ Hai 10/4, Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Kim Hong-kyun nói với báo giới sau hội đàm với ông Vũ Đại Vĩ, Bắc Kinh và Seoul đồng ý sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng, nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa.
Lu Chao, Giám đốc Viện Nghiên cứu biên giới thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liêu Ninh nói với South China Morning Post:
Cấm nhập khẩu dầu từ Bắc Triều Tiên và cắt đứt nguồn cung cấp ngoại tệ cho Bình Nhưỡng có thể là một trong các lựa chọn được xem xét.
(Xin lưu ý, có thể Lu Chao / South China Morning Post nhầm lẫn, khả năng là cấm nhập khẩu than của Triều Tiên hoặc cấm xuất khẩu dầu sang Triều Tiên)
Theo ông, Trung Quốc cần phải cố gắng hơn nữa để thúc đẩy Bình Nhưỡng, Washington ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp. Nhưng mối quan hệ Trung – Triều hiện tại có thể là một trở ngại.
Trong thời gian này, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục lên tiếng tiết lộ một chút thông tin về nội dung đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xung quanh bán đảo Triều Tiên.
Hôm 11/4 ông Trump viết trên Twitter:
“Tôi đã giải thích với Chủ tịch Trung Quốc rằng, một thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ có lợi hơn cho Trung Quốc nếu họ giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Triều Tiên đang tự gây rắc rối. Nếu Trung Quốc quyết định giúp đỡ, đó sẽ là điều tuyệt vời. Nếu không, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề mà không có họ! Hoa Kỳ”. [1]
Phản ứng “lạ” từ Bình Nhưỡng
Thông tấn xã Triều Tiên KCNA ngày 8/4 cho biết, Ngoại trưởng Triều Tiên đã gửi một bức thư tới Tổng thư ký ASEAN thông qua Đại sứ quán Triều Tiên tại Jakarta, Indonesia.
Trong thư, Ngoại trưởng Triều Tiên nhận định, tình hình bán đảo đang diễn biến ngoài tầm kiểm soát do các cuộc tập trận hàng năm được Mỹ – Hàn tiến hành. Bức thư viết:
“Họ đang tiến hành các cuộc tập trận giống như một đòn tấn công phủ đầu hạt nhân khi điều động lực lượng, vũ khí với quy mô chưa từng có.
Chẳng hạn như tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược hạt nhân, chưa kể đến một hàng không mẫu hạm hạt nhân.
Mục đích của hoạt động này không có gì khác ngoài việc tìm kiếm khả năng lật đổ hệ thống chính trị của chúng tôi.
Tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là một minh chứng hùng hồn cho sự đúng đắn trong quyết định của chúng tôi sở hữu vũ khí hạt nhân và thực hiện các biện pháp tăng cường bảo vệ tổ quốc.
Nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: Raw Story. |
Như chúng tôi đã làm rõ, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển khả năng tự vệ, trong đó nòng cốt là lực lượng hạt nhân và khả năng tấn công phủ đầu.
Chừng nào Mỹ và các lực lượng chư hầu tiếp tục là mối đe dọa, uy hiếp, chừng nào họ không dừng lại trò chơi chiến tranh diễn ra ngay trước cửa nhà chúng tôi dưới hình thức ngụy trang bằng tập trận hàng năm, chừng đó chúng tôi không dừng lại.
Cuộc tập trận chưa từng có, sử dụng các thiết bị có khả năng mang vũ khí hạt nhân do Mỹ – Hàn tổ chức là nguyên nhân gốc rễ thúc đẩy Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên phải có các biện pháp đối phó cứng rắn nhất.
Điều này là đánh giá chung của cộng đồng quốc tế.
Tôi mong rằng, là tổ chức rất coi trọng hòa bình và ổn định khu vực, ASEAN sẽ nêu vấn đề tập trận chung Mỹ – Hàn ra các hội nghị của mình trên lập trường công bằng, đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định của bán đảo Triều Tiên”.
Đa Chiều ngày 11/4 thắc mắc, tại sao “đại địch” trước mặt, Bình Nhưỡng không lên tiếng tại Liên Hợp Quốc, không gửi thư cho các nước lớn, mà lại tìm đến ASEAN?
Bản tin của KCNA cho biết, Bình Nhưỡng mong muốn và hy vọng ASEAN “có đánh giá công bằng” về tình hình cục diện bán đảo, cũng như có tiếng nói bảo vệ hòa bình, ổn định ở Đông Bắc Á.
Điều này khiến dư luận khó hiểu ý đồ thực sự của Triều Tiên là gì, nhưng có nhiều khả năng Bình Nhưỡng đang cảm thấy tình hình bán đảo thực sự rất nghiêm trọng.
Chuyện lạ thứ 2 theo Đa Chiều, bức thư của Ngoại trưởng Triều Tiên gửi Tổng thư ký ASEAN được chuyển đi hôm 4/4, đến nay đã 8 ngày trôi qua, ASEAN vẫn án binh bất động, ngay cả truyền thông cũng không nhắc tới.
Một dấu hiệu nữa có liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên và rất đáng chú ý, đó là kỳ họp Quốc hội Triều Tiên năm nay, khai mạc ngày hôm qua 11/4 đã không có nội dung nào liên quan đến việc thúc đẩy chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Cơ quan lập pháp Triều Tiên nhóm họp tại Bình Nhưỡng với sự tham dự của ông Kim Jong-un sẽ tập trung vào 5 vấn đề, trong đó nổi bật nhất là kế hoạch phát triển kinh tế đến năm 2020, và không có vấn đề nào bàn về thúc đẩy chương trình hạt nhân, theo Nikkei Asian Review ngày 12/4. [4]
Từ những diễn biến mới vừa nêu liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên, người viết cho rằng khả năng nổ ra chiến tranh hay xung đột trên bán đảo này không cao, bất chấp những hoạt động quân sự rầm rộ của Mỹ và tuyên bố hùng hồn quen thuộc của Bình Nhưỡng.
Đặc điểm nổi bật nhất trong cục diện bán đảo Triều Tiên hiện thời là sự mờ nhạt của tiếng nói cũng như vai trò, ảnh hưởng của Hàn Quốc và Triều Tiên về vận mệnh của chính dân tộc mình.
Đó là nỗi bất hạnh cho những dân tộc nào nằm trong vòng tranh giành ảnh hưởng địa chính trị của các siêu cường, khi dân tộc ấy không đủ mạnh để thoát ra do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Khách quan là thời cuộc, là lịch sử, là những toan tính của các siêu cường. Nhưng chủ quan nằm ở chính những nhận thức khác nhau về chính trị, khiến dân tộc bị chia rẽ, đánh mất khả năng, sức mạnh và cơ hội làm chủ vận mệnh của mình.
Điều này cho thấy, khủng hoảng bán đảo Triều Tiên thực ra là thế cờ do Trung Quốc và Hoa Kỳ tạo dựng nên. Địa bàn chiến lược Đông Bắc Á đang là trọng điểm chia lại địa bàn ảnh hưởng Mỹ – Trung ở châu Á – Thái Bình Dương.
Những phản ứng “lạ” từ Bình Nhưỡng có thể là dấu hiệu cho thấy, thỏa hiệp ngầm giữa Donald Trump và Tập Cận Bình đang phát huy tác dụng.
Chỉ riêng việc Bắc Kinh chấp nhận bỏ sáng kiến “đàm phán 6 bên” của mình vào sọt rác, nỗ lực thu xếp một cuộc đàm phán trực tiếp Mỹ – Triều cũng có thể thấy được sự nhượng bộ của Tập Cận Bình ở Đông Bắc Á.
Đổi lại, sự im lặng của Donald Trump trước các hành vi leo thang quân sự hóa trái phép mà Trung Quốc theo đuổi ở Biển Đông có lẽ chính là món quà Nhà Trắng dành cho Trung Nam Hải, theo nguyên tắc có đi có lại mà hai ông thỏa thuận.