Đã không có một cuộc thử nhiệm hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên như dự đoán sau những tuyên bố và động thái cứng rắn của Mỹ.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại lễ duyệt binh ngày 15/4.
Tung đòn rung cây
Bất chấp những tuyên bố hùng hồn và những thông tin nóng bỏng, tình hình trên bán đảo Triều Tiên trong ngày 15/4 đã “bình thường” như mọi khi.
Điểm nhấn đáng chú ý có lẽ là việc Triều Tiên tổ chức duyệt binh hoành tráng kỷ niệm ngày sinh thứ 105 của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành với sự xuất hiện của nhiều loại tên lửa khác nhau.
Ngoài ra, Triều Tiên còn tiến hành một vụ thử tên lửa trong ngày 16/4 nhưng được cho là đã thất bại khi tên lửa nổ ngay sau khi rời bệ phóng.
Dường như những lời đe dọa cả trực tiếp và bóng gió của Mỹ đã phát huy hiệu quả, không chỉ đối với Triều Tiên mà còn với các quốc gia có khả năng gây ảnh hưởng như Trung Quốc và Nga.
Ngày 14/5, tức chỉ một ngày trước thời điểm dự báo Triều Tiên có thể tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi Triều Tiên là một quốc gia “có vấn đề” và tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề này bằng một loạt lựa chọn.
Cùng hôm đó, Mỹ cũng đã lần đầu tiên sử dụng “mẹ của các loại bom” trong thực chiến khi thả một quả GBU-43/B xuống Afghanistan nhằm vào mục tiêu của IS.
Việc Mỹ phóng 59 quả tên lửa vào một căn cứ quân sự của Syria hôm 7/4 chắc chắn cũng khiến Bình Nhưỡng cân nhắc thận trọng các hành động của mình.
Tổng thống Trump, vốn bị coi là khó đoán định trong chính sách đối ngoại, đã phản ứng trước những quan ngại gần đây về Triều Tiên bằng thái độ mới cứng rắn hơn. Tuần qua, trả lời các phóng viên khi được hỏi về vấn đề Triều Tiên, ông nói: “Triều Tiên là một vấn đề. Vấn đề này sẽ cần phải được quan tâm”.
Ông Trump đã nhiều lần nói rằng nếu Trung Quốc – đối tác thương mại chủ yếu của Triều Tiên – không sẵn sàng hành động hơn nữa để kiềm chế Triều Tiên, Mỹ sẽ tự giải quyết vấn đề này. Ông Trump đã điều động một tàu sân bay tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Ngày 14/4, các quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên cho biết sau hai tháng rà soát chính sách, chính quyền Trump đã hoàn tất chính sách về Triều Tiên, theo đó tập trung vào việc “gây sức ép và can dự tối đa”.
Các quan chức này cho biết trọng tâm trước mắt của chính quyền Mỹ sẽ là gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng với sự giúp đỡ của Bắc Kinh.
Hôm nay, 16/4, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có thể “yên tâm” để bắt đầu chuyến công du châu Á, bao gồm các chặng dừng chân Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Australia.
Ông Pence sẽ phải giải thích về chính sách đối với Triều Tiên trong các cuộc họp với các nhà lãnh đạo ở Hàn Quốc và Nhật Bản trong chuyến công du châu Á kéo dài 10 ngày.
Một phần trong sứ mệnh của ông sẽ là đảm bảo với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản rằng Mỹ sẽ bảo vệ họ trước sự xâm lược của Triều Tiên theo cách sẽ không đẩy khu vực vào cuộc xung đột mở.
Giới chuyên gia đưa ra nhận định rằng thông điệp mà ông Pence mang đến sẽ là về các biện pháp phòng ngừa và răn đe.
Ông Pence sẽ cố gắng giữ cân bằng giữa những lời bảo đảm của Mỹ với việc sẵn sàng đáp trả nếu Triều Tiên hành động. Mỹ muốn thể hiện một hình ảnh cứng rắn hơn khi bàn về chính sách với Triều Tiên, bởi vậy việc hành động một cách khó đoán sẽ có lợi cho mục tiêu đó.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ rõ rằng các vũ khí hạt nhân là nền tảng của chiến lược quốc phòng quốc gia và công khai theo đuổi vũ khí hạt nhân mà có thể tấn công tới lục địa Mỹ.
Theo giới phân tích, các hình ảnh vệ tinh thương mại trong các tuần gần đây cho thấy các hoạt động đang được tăng cường xung quanh khu vực thử vũ khí hạt nhân ở phía Bắc của Triều Tiên.
Tuần trước, Mỹ đã đơn phương hành động khi ra lệnh tiến hành không kích ở Syria và đã điều động cái mà ông Trump gọi là “đội tàu chiến” tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, quân đội Triều Tiên nói rằng họ sẽ “tàn phá không thương tiếc” Mỹ nếu Washington quyết định tấn công Bình Nhưỡng.
Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) dẫn lời quân đội nước này nói trong một tuyên bố: “Phản ứng cứng rắn nhất của chúng ta chống lại Mỹ và các lực lượng chư hầu của họ sẽ được thực hiện một cách tàn nhẫn để những kẻ gây hấn không sống sót nổi”.
Phó Nguyên soái Quân đội Nhân dân Triều Tiên, thành viên Hội đồng nhà nước về Quốc phòng Ryong Choi Hye tuyên bố trong bài phát biểu trước “biển người” tham gia diễu binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Kim Nhật Thành rằng: “Nếu Mỹ khiêu khích, chúng tôi sẽ ngay lập tức đáp trả bằng cuộc tấn công tàn phá, nếu họ gây ra cuộc tổng chiến tranh – chúng ta sẽ đối chọi bằng chiến tranh toàn diện, nếu là cuộc chiến tranh hạt nhân – họ sẽ nhận lại tương ứng bằng cuộc tấn công hạt nhân”.
Trang National Interest của Mỹ dẫn lời giới phân tích nước này đánh giá rằng khả năng đụng độ giữa Mỹ và Triều Tiên đe dọa mang lại hậu quả nghiêm trọng cho toàn thế giới. Ngoài vũ khí hạt nhân, số lượng có thể lên đến 20 đơn vị, Triều Tiên có đến 5.000 tấn vũ khí hóa học. Số liệu này được đưa ra với khẳng định dựa trên sự tham khảo dữ liệu của Hàn Quốc.
Bình Nhưỡng hiện chưa có tên lửa xuyên lục địa có khả năng bắn trực tiếp tới lãnh thổ của Mỹ, tuy nhiên, tên lửa nhỏ và tên lửa tầm trung của Triều Tiên đủ khả năng chạm tới các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản và ở đảo Guam.
Tuy nhiên, Triều Tiên thực sự có khả năng để bắn tới thành phố Seoul với hàng chục triệu dân. Thành phố này nằm trong tầm bắn của hệ thống pháo binh Triều Tiên. Trong trường hợp vũ khí hóa học được sử dụng, không chỉ người Hàn Quốc mà còn nhiều công dân Mỹ, chưa kể đến lực lượng 28.000 quân Mỹ trên bán đảo, cũng bị đe dọa.
Tokyo cũng lo ngại trong trường hợp xung đột, Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng của cuộc tấn công hóa học.
Một nạn nhân khác của “Chiến tranh Triều Tiên thứ hai” có thể là nền kinh tế thế giới. Nếu khu vực này bắt đầu chiến sự, các kệ hàng ở Mỹ, vốn chứa đầy hàng hóa từ Đông Á, có lẽ nhanh chóng trở nên trống rỗng.
Và trong trường hợp nếu Trung Quốc cảm thấy lợi ích quốc gia bị đe dọa và hành động hỗ trợ Triều Tiên, thì hậu quả đối với thị trường toàn cầu sẽ thực sự khủng khiếp.
Trước tình hình như vậy, Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn hợp tác với Nga để “đóng góp vào việc nhanh chóng làm dịu tình hình” Triều Tiên. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị nói với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov:
“Mục tiêu chung của hai nước chúng ta là đưa tất cả các bên quay lại bàn đàm phán. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Nga để góp phần làm dịu tình hình trên bán đảo Triều Tiên, và cổ vũ các bên liên quan tái lập đối thoại”.
Ông Vương Nghị muốn nói đến các cuộc đàm phán sáu bên (giữa Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc và Mỹ) đã bị bế tắc từ nhiều năm qua. Ông nhấn mạnh rằng “ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh và hỗn loạn ở Triều Tiên là phù hợp với lợi ích chung” của Bắc Kinh và Moskva.
Vụ thử tên lửa vào sáng sớm ngày 16/4 là một hành động phô trương nữa nhưng có thể chỉ nhằm vớt vát thể diện. Trước đó, giới chức Triều Tiên đã úp mở tuyên bố với hàng trăm phóng viên nước ngoài ở Bình Nhưỡng rằng chuẩn bị có “một sự kiện lớn” sắp diễn ra. Rất có thể, việc cho tên lửa nổ sớm cũng nằm trong tầm kiểm soát của Triều Tiên.