Bản tin Biển Đông ngày 17/04/2017.
Chuyên gia Trung Quốc tỏ ra lạc quan với các giàn dầu khí của Công ty Dầu khí Ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) trên Biển Đông
Ngày 16/4, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, liên quan đến thông tin ngày 12/4 về việc Công ty Dầu khí Ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đang mời thầu các nhà đầu tư nước ngoài 22 lô dầu khí ở khu vực phía Bắc Biển Đông, với diện tích 47. 270 km2. Một số chuyên gia của Trung Quốc đã tuyên bố rằng các lô dầu khí này có thể sẽ có sức “hấp dẫn” lớn đối với các công ty nước ngoài do “nhu cầu dầu khí trong nước lớn, còn sản lượng toàn cầu lại dư thừa”. Trong số 22 lô dầu khí này, 16 lô nằm ở vùng phía Đông cửa sông Châu Giang, 2 lô nằm ở phía Taqay và 4 lô nằm ở Vịnh Bắc Bộ. Ông Han Xiaoping, một chuyên gia về năng lượng cho hay Trung Quốc khẳng định, bất chấp những căng thẳng ở Biển Đông, các công ty nước ngoài “không có gì phải lo ngại về sự ổn định của các lô dầu khí này”. Ông này nói thêm, “các lô dầu khí được chào thầu đều ít nhạy cảm hơn các khu vực khác ở Biển Đông, chủ yếu nằm trên Cửa sông Châu Giang, sát với bờ biển của Trung Quốc”. Trong khi đó, ông Lin Boquiang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc, Đại học Hạ Môn vẫn lo ngại rằng “các công ty nước ngoài đầu tư vào những khu vực này có thể sẽ hết sức cẩn trọng bởi nhiều tranh chấp vẫn tồn tại ở những khu vực này”. Ông Lin lưu ý rằng “có thể kết quả thu được từ lô dầu này sẽ khả dĩ hơn những năm trước” nhưng “việc có hay không tiến hành ngay công tác thăm dò sẽ phụ thuộc vào giá dầu thị trường thế giới do chi phí khai thác dầu khí ở một số khu vực trên Biển Đông tương đối cao”. Mới đây, ngày 13/4, CNOOC đã ký hợp đồng chia sản phẩm với Công ty Husky Energy của Canada đối với lô 16/25 nằm trên cửa sông Châu Giang.
Tàu Hải quân Mỹ USS Stethem đang hoạt động ở Biển Đông
Ngày 16/4, trang RT đưa tin, theo thông cáo được Hải quân Mỹ công bố ngày 14/4, tàu khu trục mang tên lửa hành trình loại Arleigh Burke USS Stethem (DDG 63) đang “triển khai các hoạt động thường lệ” ở Biển Đông. Thông cáo trên cũng lưu ý rằng tàu USS Stethem đã được tàu Endeavour A11 HMNZS tiếp nhiên liệu trên biển. Theo Chỉ huy cấp cao William Palmer IV, qua việc tiếp nhiên liệu, tàu USS Stethem đã có thể sẵn sàng triển khai nhiệm vụ. Ông khẳng định “việc tiến hành các loại hoạt động như thế này với các đồng minh sẽ góp phần tạo nên tính hiệu quả và duy trì khả năng hiện diện thường xuyên trong toàn bộ khu vực hoạt động của Hạm đội 7”. Bên cạnh đó, Thông cáo cũng cho biết tàu USS Stethem đã thường xuyên duy trì liên lạc với các tàu hải quân của Trung Quốc trong suốt thời gian hoạt động, khẳng định các bên đã sử dụng Bộ Quy tắc Tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) để “đảm bảo sự di chuyển an toàn”. Tàu USS Stethem, có căn cứ đặt tại Yokosuka, Nhật Bản, hiện đang hoạt động tại Tây Thái Bình Dương kể từ khi rời cảng nội địa vào năm ngoái. Bên cạnh các hoạt động ở Biển Đông, tàu này còn hoạt động cùng Nhóm Tàu tác chiến Carl Vinson và Hải quân Hàn Quốc ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên trong các cuộc tập trận Foal Eagle 2017 cũng như đã có nhiều chuyến thăm tới Hàn Quốc. RT nhận định, việc triển khai tàu USS Stethem tới Biển Đông lần này có thể được coi là một động thái được thực hiện “trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang giữa Washington và Trung Quốc về các yêu sách của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp”.
Cựu Ngoại trưởng Philippines kêu gọi chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte cẩn trọng về các phát biểu liên quan đến Biển Đông
Ngày 17/4, tờ The Philippine Star đưa tin, mới đây, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã lên tiếng kêu gọi Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte cần tránh những phát biểu có thể khiến dư luận hiểu rằng Malacanang “không hoàn toàn muốn thực thi nghĩa vụ bảo vệ những gì thực sự thuộc về quốc gia”. Ông Del Rosario cho rằng những phát biểu “nóng vội” có thể sẽ “đặt Philippines vào tình thế khó xử, khó có thể linh hoạt, đặc biệt là khi cần phải thương thuyết”, như Thẩm phán Tòa Tối cao Philippines trước đây đã từng cảnh báo.