Chỉ một nước lớn phương Tây sẽ tham dự sự kiện ngoại giao quan trọng nhất năm của Trung Quốc, hội nghị bàn về chiến lược “Một vành đai, Một con đường” diễn ra vào tháng tới.
“Một vành đai, Một con đường” là chiến lược đầy tham vọng của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Reuters đưa tin Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 18/4 đã công bố danh sách những nước sẽ tham dự Hội nghị “Một vành đai, Một con đường” diễn ra tại Trung Quốc vào tháng tới. Danh sách này chỉ có một lãnh đạo từ nhóm các nước phát triển G7 là Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni.
“Một vành đai, Một con đường” hay còn gọi là “Con đường tơ lụa mới” là sáng kiến được Trung Quốc đề ra nhằm gắn kết kinh tế châu Á, châu Phi và châu Âu. Chương trình đầy tham vọng này vận động các nước đầu tư hàng tỷ USD cho các dự án hạ tầng bao gồm đường sắt, cảng biển và hệ thống vận chuyển năng lượng.
Các nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh cho hay Trung Quốc đã hy vọng ít nhất một vài lãnh đạo nước lớn phương Tây sẽ tham dự hội nghị, bao gồm Thủ tướng Anh Theresa May, để khiến hội nghị không bị đánh giá là “chỉ xoay quanh Trung Quốc”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond sẽ thay mặt Thủ tướng May với tư cách đại diện Anh. Trong khi đó Đức và Pháp sẽ cử người đại diện thay mặt nguyên thủ vì hội nghị diễn ra đúng vào thời gian bầu cử tại hai nước.
Theo Reuters, Trung Quốc tỏ ra nhạy cảm trước những ý kiến cho rằng sáng kiến mà họ cho là tốt đẹp của mình không được quốc tế đón nhận, đặc biệt là các nước phương Tây.
Ngoài thủ tướng Italy, ông Vương xác nhận sự tham gia của tổng thống Nga và Philippines trong số 28 nhà lãnh đạo dự kiến tham dự.
“Đây là thỏa thuận mang tính hợp tác, tích cực và chúng tôi không muốn chính trị hóa nó”, ông Vương trả lời khi được báo giới hỏi liệu Bắc Kinh có cảm thấy thất vọng trước sự vắng mặt của hầu hết các nước lớn phương Tây.
“Đây là một diễn đàn hợp tác kinh tế, một cơ chế hợp tác quốc tế mà mọi người đều quan tâm, ủng hộ và hy vọng được tham gia”, ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định. Ông đồng thời cho biết đại diện của 110 quốc gia sẽ có mặt tại hội nghị.
Những năm qua, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đã nỗ lực tuyên truyền cho chiến lược “Con đường tơ lụa mới”. Trung Quốc đã đóng góp 40 tỷ USD cho Quỹ Con đường tơ lụa. Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Á châu do Trung Quốc “chống lưng” cũng được thành lập nhằm phục vụ cho chiến lược này.
Trong khi Bắc Kinh mô tả “Con đường tơ lụa mới” là nỗ lực thực tâm nhằm chia sẻ những thành tựu phát triển kinh tế của Trung Quốc và tài trợ cho các khoảng trống hạ tầng, nhiều nước phương Tây quan ngại về sự thiếu cụ thể, thiếu minh bạch của dự án và nghi ngờ về ý đồ chính trị sâu xa hơn của Trung Quốc.