Bắc Kinh có thể gây sức ép kinh tế rất lớn lên Bình Nhưỡng, tuy nhiên đó là điều Trung Quốc lưỡng lự vì trừng phạt Triều Tiên có hại hơn nhiều so với không làm gì.
Đan Đông là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế chủ yếu giữa hai nước. Ảnh: Reuters
Sự gần gũi về mặt địa lý và nhiều lợi ích quốc gia khác đã khiến Trung Quốc tích cực ủng hộ cả về chính trị và kinh tế cho chính quyền Bình Nhưỡng, từ khi 2 miền Triều Tiên bị chia cắt. Triều Tiên chiếm gần một nửa viện trợ ra quốc tế của Trung Quốc.
Từ đầu thập niên 90, Trung Quốc đã cung cấp khoảng 90% nhiên liệu, 80% hàng tiêu dùng và 45% thực phẩm cho Triều Tiên, theo cố vấn của WB – Nicholas Eberstadt.
Năm 2010, trong số 64 triệu USD ngũ cốc nhập khẩu của nước láng giềng, Trung Quốc chiếm tới 94%. Còn lại là lương thực viện trợ của Mỹ, Canada cùng một số mua lại từ Ukraine và Thái Lan.
Hàng Trung Quốc nhập khẩu của Triều Tiên chủ yếu là quặng khoáng sản, than đá, vải dệt, cá và hải sản khác, sắt, thép, gỗ… Còn đồ xuất khẩu là dầu mỏ, thịt, máy móc, đồ nhựa, tơ và phương tiện.
Các công ty Trung Quốc cũng hưởng đặc quyền rất lớn tại Triều Tiên, đặc biệt là những điều khoản thương mại và vận hành cảng biển. Theo thống kê, Trung Quốc hiện có khoảng 200 công ty đang đầu tư tại Triều Tiên, chủ yếu thuộc lĩnh vực khai khoáng.
Quan hệ kinh tế giữa hai nước này được thể hiện rất rõ tại tỉnh biên giới Đan Đông (Trung Quốc). Để thuận tiện cho hoạt động trao đổi hàng hóa, Trung Quốc đã xây một cây cầu trị giá nhiều triệu USD bắc qua sông Yalu, giúp kết nối với một khu kinh tế đặc biệt ở Triều Tiên.
Sự gần gũi về địa lý đã biến Đan Đông thành trung tâm thương mại lớn nhất giữa hai nước. Khi Triều Tiên chịu cấm vận về ngân hàng và thiếu ngoại tệ, họ đã gửi rất nhiều xe tải qua đây, mang theo khoáng sản để đổi lấy hàng hóa của Trung Quốc. Vì vậy, cây cầu này luôn rất tấp nập.
Khoảng 70% hoạt động thương mại giữa hai nước diễn ra tại Đan Đông, Economist cho biết. Việc trao đổi buôn bán tại đây và kiều hối do người Triều Tiên làm việc ở Trung Quốc gửi về được cho là nguồn ngoại tệ lớn với Triều Tiên.
Trung Quốc còn đem mô hình siêu thị đến với nước láng giềng. Điển hình là trung tâm mua sắm Kwangbok – được mệnh danh là Walmart của Triều Tiên, mở cửa từ tháng 2/2012. Đây là công trình hợp tác của Công ty thương mại quốc tế Feihaimengxin (Trung Quốc) và Tập đoàn thương mại Taesong (Triều Tiên). Trong đây không chỉ có đồ Trung Quốc mà còn có hàng Mỹ, Âu và Nhật Bản được vận chuyển từ Trung Quốc sang.
Dù vậy, quan hệ giữa hai quốc gia này gần đây đã có nhiều biến chuyển. Nó bắt đầu xấu đi từ khi Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân tháng 10/2006 và Trung Quốc đồng ý Nghị quyết 1718 của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc về áp đặt lệnh trừng phạt lên Triều Tiên.
Những năm qua, Trung Quốc đã tích cực hơn nhiều trong việc ủng hộ các biện pháp kiềm chế hoạt động quân sự của Triều Tiên. Họ còn tham gia trừng phạt nước này.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, chính quyền Bắc Kinh cũng cho mở một tuyến vận tải container, một đường ray cao tốc và một khu thương mại tại biên giới với Triều Tiên năm 2015. Việc này đã khiến thương mại giữa hai nước ngày càng tăng.
Theo thống kê của Cơ quan Xúc tiến Thương mại – Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), trong 15 năm qua, thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã tăng hơn gấp 10, từ 488 triệu USD năm 2000 lên 5,4 tỷ USD năm 2015.
Triều Tiên cũng ngày càng lệ thuộc vào nước láng giềng. Năm 2015, 91% thương mại của họ là với Trung Quốc, tăng mạnh so với 57% năm 2006.
Cũng theo KOTRA, năm 2000, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều là đối tác thương mại lớn của Triều Tiên. Mỗi nước đóng góp khoảng 25% tổng kim ngạch. Tuy nhiên, việc Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản năm 2002 đã khiến thương mại hai nước dần đi xuống. Quan hệ với các nước phương Tây cũng dần nguội lạnh khi Triều Tiên bị áp lệnh trừng phạt vì phát triển vũ khí hạt nhân. Những việc này đã tạo điều kiện cho Trung Quốc lấp đầy khoảng trống bị để lại.
Trên SCMP, các nhà phân tích cho rằng Mỹ đã đúng khi nhận định Trung Quốc hỗ trợ đáng kể kinh tế cho Triều Tiên, và Bắc Kinh có thể gây sức ép kinh tế rất lớn lên Bình Nhưỡng, nếu muốn. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt khắt khe lên nước láng giềng là điều khiến Trung Quốc cực kỳ lưỡng lự. Vì với họ, trừng phạt kinh tế Triều Tiên sẽ có hại hơn nhiều so với việc không làm gì.
Một là nó có thể gây ra hỗn loạn, khiến hàng triệu người Triều Tiên tràn sang Trung Quốc qua sống Yalu để tỵ nạn. Hai là nếu hai miền Triều Tiên thống nhất, cạnh họ sẽ thêm một cường quốc kinh tế mới là đồng minh của Mỹ.
Tháng trước, Trung Quốc thông báo cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên. Do Mỹ cáo buộc đây là nguồn ngoại tệ giúp Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, tàu chở than đá của Triều Tiên vẫn tiếp tục dỡ hàng tại nhiều cảng của Trung Quốc.
Số liệu mới nhất cũng cho thấy thương mại song phương giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã tăng 37,4% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 54,5% và nhập khẩu tăng 18,4%, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Cuối tuần này, các hoạt động kỷ niệm ngày sinh nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành của Triều Tiên đã được tổ chức tại một trung tâm văn hóa ở Đan Đông. Nhiều quan chức cấp cao Triều Tiên và Trung Quốc đã tới tham dự, Reuters cho biết.
“Trung Quốc và Triều Tiên là bằng hữu. Anh có thể nói chúng tôi hiện có nhiều căng thẳng. Nhưng cũng như cá với nước ấy. Đó là mối quan hệ không thể tách rời”, một người tham dự sự kiện kết luận.