Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTại sao TQ “hạ giọng” trong vấn đề Biển Đông?

Tại sao TQ “hạ giọng” trong vấn đề Biển Đông?

Kể từ khi Tòa Trọng tài ra Phán quyết vụ kiện, Trung Quốc thể hiện “mềm mỏng” và “hạ giọng” trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, đây chỉ là sự lắng dịu tạm thời, bước đi chiến thuật, không phải là bước chuyển trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc vì mưu đồ“độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc là không bao giờ thay đổi.

Tàu sân bay trực thăng Izumo của lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF).

Hòa dịu tạm thời

Với Philippines, Trung Quốc hết sức xoa dịu, lôi kéo và chìa “nhành ô lưu” viện trợ kinh tế, thúc đẩy đầu tư thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng để Philippines gác lại Phán quyết, mở ra cơ hội đàm phán thương lượng ở Biển Đông. Khi Philippines chỉ trích Trung Quốc điều tàu khảo sát vào khu vực Benham Rise là vi phạm quyền chủ quyền của Philippines thì Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh xoa dịu: “Tôi muốn nhắc lại rằng Trung Quốc tôn trọng đầy đủ các quyền của Philippines với thềm lục địa ở Benham Rise và Trung Quốc không thách thức các quyền đó”.

Với ASEAN, Trung Quốc chủ động đẩy nhanh việc hoàn tất Khung COC để trấn an các nước Đông Nam Á trước chính sách hung hăng và quyết đoán của nước này ở Biển Đông gây ra căng thẳng ở khu vực trong những năm qua.

Với Nhật Bản, tháng 3/2017, Nhật Bản nói sẽ điều tàu sân bay trực thăng Izumo hành quân ba tháng qua Biển Đông và Ấn Độ Dương. Giới quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh nhưng Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ nói thoáng qua rằng đó chỉ là một “chuyến viếng thăm bình thường”, vì thế Trung Quốc không phản đối và hy vọng “kiểu trao đổi bình thường này giữa các nước liên quan có thể đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực.” Điều này khác thường vì mỗi khi Nhật Bản có động thái can dự vào Biển Đông, Trung Quốc thường phản ứng rất mạnh.

Với Mỹ, tháng 2/2017, Mỹ dưới chính quyền Trump lần đầu tiên điều tàu sân bay USS Carl Vinson vào Biển Đông tiến hành tuần tra theo thường lệ, thực hiện hoạt động tự do hàng hải. Động thái này rõ ràng muốn thách thức yêu sách chủ quyền vô lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường phản ứng giọng hòa giải: “Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể tôn trọng lợi ích chủ quyền và an ninh của các nước ở khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Chúng tôi sẽ tôn trọng tự do qua lại và tự do hàng không qua khu vực miễn là họ tuân thủ luật pháp quốc tế.”

Toan tính đối nội và đối ngoại

Tuy nhiên sự “mềm mỏng” và “hạ giọng” của Trung Quốc được cho là nhằm nhiều mục tiêu khác nhau. Một mặt, Trung Quốc muốn làm mờ Phán quyết của Tòa Trọng tài, trong đó Philippines giành chiến thắng áp đảo và hầu hết yêu sách phi lý gồm “đường lưỡi bò” và “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông bị Tòa Trọng tài bác bỏ. Mặt khác, Trung Quốc cũng muốn hiện thực hóa cách tiếp cận “hai kênh” của Trung Quốc, trong đó Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp song phương, và Trung Quốc với ASEAN có thể quản lý tranh chấp Biển Đông, loại bỏ sự can thiệp của các nước bên ngoài, đặc biệt là Mỹ. Nhân cơ hội này, Trung Quốc cũng muốn lôi kéo các nước Đông Nam Á vào vòng ảnh hưởng của mình trong bối cảnh Trump dường như chú trọng đến các tương tác song phương hơn là đa phương. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn giảm nhiệt để chuẩn bị cho tổ chức Đại hội 19 trong bối cảnh an ninh ở khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên diễn biến khó lường. Hơn nữa, đứng trước một Tổng thống Mỹ “khó chơi” như ông Trump, Trung Quốc cần thời gian để hiểu kỹ “đối phương”, trước khi có các bước đi mới.

Mưu đồ “độc chiếm Biển Đông” không thay đổi

Trong khi đó, Trung Quốc tăng cường cải thiện khuôn khổ pháp lý biển sau Phán quyết. Tòa án Tối cao Trung Quốc ra quyết định phi lý (có hiệu lực từ tháng 8/2016) mở rộng thẩm quyền xét xử đối với công dân Trung Quốc và nước ngoài đánh bắt trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trong đó, vùng biển được gọi là thuộc chủ quyền của Trung Quốc không những gồm vùng đặc quyền kinh tế mà cả thềm lục địa và “mọi khu vực khác thuộc chủ quyền Trung Quốc”. Quyết định của Tòa án Tối cao Trung Quốc không nhắc trực tiếp tới Phán quyết của Tòa trọng tài, song được xem là biện pháp chống lại Phán quyết. Trung Quốc cũng ban hành lệnh cấm đánh bắt cá với khu vực biển rộng lớn ở Biển Đông, áp dụng cho tàu thuyền của tất cả các nước kể cả trong các vùng biển mà theo Phán quyết, yêu sách của Trung Quốc là vô hiệu. Bên cạnh đó, tháng 2/2017, Trung Quốc ban bố dự thảo Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi trong đó có các quy định mới về kiểm soát, giám sát tàu thuyền, thiết bị, hoạt động hàng hải của nước ngoài trong cái gọi là vùng biển thuộc “tài phán” của Trung Quốc.

Như vậy, Trung Quốc “hạ giọng” ở Biển Đông chỉ là tạm thời, phục vụ toan tính chính trị nội bộ và đối ngoại của Trung Quốc. Trong ngắn hạn, Trung Quốc nỗ lực phá bỏ kết quả của phán quyết. Trong dài hạn, Trung Quốc củng cố hiện diện trên thực địa dựa trên các văn bản pháp lý ban hành nội bộ để độc chiếm Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới