Friday, April 26, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 18/04

Bản tin Biển Đông ngày 18/04

Bản tin Biển Đông ngày 18/04/2017.

Kế hoạch của Nga tại Biển Đông

Ngày 17/4, trang Oil Price đăng bài viết “Kế hoạch của Putin tại Biển Đông” của Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc ISN Security Watch.

Việc Nga gần đây đang đẩy mạnh quan hệ hợp tác quân sự với cả Trung Quốc và Việt Nam, hai bên trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông, cho thấy hành động thực sự của Nga ở Biển Đông không hẳn là trung lập như trong các phát biểu chính thức của nước này về vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh này, tác giả bài viết đã nỗ lực làm rõ những mức độ khác nhau về lợi ích trong chính sách đối ngoại của Nga ở Biển Đông.

Bài viết nhận định, dù không có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông nhưng Nga vẫn có những mục tiêu, lợi ích chiến lược và hành động nhất định có tác động trực tiếp đến tình hình ở khu vực này. Chính sách của Nga trong vấn đề Biển Đông tồn tại cùng lúc hai cấp độ: (i) “cân bằng chống bá quyền có tính hệ thống quốc tế” – vấn đề Biển Đông đối với Nga là một phần trong “sân chơi toàn cầu” – và (ii) “phòng bị nước đôi ở khu vực (phi hệ thống quốc tế)” – chính sách của Nga ở Biển Đông cũng hướng đến đa dạng hóa các liên kết ở khu vực và ngăn chặn những bất ổn tiềm tàng có thể ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Nga ở khu vực, qua đó Nga có thể tạo ra hình thái “sức mạnh và lợi ích” cân bằng hơn cho tình hình Biển Đông. Mục đích của chiến lược “hai cấp độ” này thể hiện quan điểm của Nga trong chính sách cũng như hành động tương ứng đối với tranh chấp Biển Đông mang tính “linh hoạt”, thay vì “ổn định”, Hướng tiếp cận này đang góp phần thúc đẩy lợi ích của Nga trong cán cân quyền lực ở khu vực Châu Á đồng thời tác động đến tranh chấp Biển Đông theo hướng khuyến khích các cuộc đàm phán đa phương.

Sri Lanka và Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định ở Biển Đông

Ngày 17/4, trang Daily Mirror đưa tin, ngày 12/4, Nhật Bản và Sri Lanka đã đưa ra tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Thủ tướng Sri Lannka Ranil Wickremesinghe tới Nhật Bản. Hai bên nhất trí khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì ổn định tại các vùng biển, đặc biệt là Biển Đông. Cụ thể, tuyên bố chung đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, kiểm soát vùng trời, tự kiềm chế, phi quân sự hóa, giải quyết hòa bình tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển.

Đài Loan công bố “kế hoạch tổng thể” nhằm tăng cường phòng thủ “đảo” Ba Bình

Trang Focus Taiwan đưa tin, ngày 17/4, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan Chen Chung-chi khẳng định Đài Loan đang xây dựng “một kế hoạch toàn diện” nhằm thúc đẩy khả năng phòng vệ của Đài Loan đối với “đảo Ba Bình” trên Biển Đông, tuy nhiên không tiết lộ thông tin nào về việc triển khai nhân lực và vũ khí. Trong khi đó, ông cho biết, các quan chức quân sự cấp cao đã gửi đề nghị 17 điểm tới Cục Cảnh sát biển Đài Loan (CGA), trong đó có đề cập đến việc triển khai các vũ khí công nghệ cao từ Viện Khoa học Công nghệ quốc gia Chungshan như hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển, các máy bay không người lái cỡ nhỏ và trung cũng như hệ thống phòng thủ tự động cự ly gần XTR-102. Liên quan đến kế hoạch phòng vệ này, ông Chen khẳng định “mục đích của Đài Loan là nhằm đảm bảo khả năng thực thi chính sách Biển Đông của chính quyền, đó là các bên tranh chấp cần gạt bất đồng sang một bên và cùng khai thác các tài nguyên để bảo vệ  hòa bình và an ninh của khu vực”

Trung Quốc vẫn tiếp tục gây ra “sự đã rồi” ở Biển Đông thông qua kế hoạch xây dựng “Thành phố Tam Sa”

Ngày 17/4, trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI)  thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) đăng bài viết “Gây ra sự đã rồi trên biển: Kế hoạch xây dựng thành phố Tam Sa của Trung Quốc” của Shinji Yamaguchi, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng quốc (NIDS), Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Ông Yamaguchi khẳng định, với tính chấp “phi quân sự” nhằm tránh gây ra sự chú ý đối với công luận quốc tế, cái gọi là “Thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở đảo Phú Lâm – trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam – được cho là đã phản ánh âm mưu của Bắc Kinh nhằm củng cố sự kiểm soát về mặt chính trị đối với các đảo, đá tranh chấp ở Biển Đông. Tác giả cho hay, để hoàn thiện các mục tiêu mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt ra trong chuyến thăm đảo Hải Nam tháng 4/2013, chính quyền “Thành phố Tam Sa” đang quyết liệt triển khai ba hoạt động chính: (i) phối hợp các hoạt động chấp pháp, (ii) mở rộng các mạng lưới theo dõi và thu thập thông tin và (iii) tạo điều kiện cho người dân sinh sống trên các đảo. Theo ông Yamaguchi, việc phân tích hành vi của Trung Quốc ở Hoàng Sa có ý nghĩa quan trọng bởi quần đảo này có vai trò “định hướng” cho các hoạt động ở Trường Sa, theo đó, ông cảnh báo Trung Quốc cũng sẽ lên một kế hoạch toàn diện cho Trường Sa trở thành một “thực thể chính trị, kinh tế, xã hội và quân sự chính thức” và “chính quyền địa phương sẽ trở thành một chủ thể quan trọng”. Bên cạnh đó, tác giả cũng bày tỏ quan ngại rằng những diễn biến ở Biển Đông có thể “có mối tương quan với tình hình ở Biển Hoa Đông”, đặc biệt là khả năng Trung Quốc có thể lên kế hoạch đẩy mạnh sự cưỡng ép “phi quân sự” thông qua một “cơ quan hành chính” đối với vùng biển tranh chấp này.

RELATED ARTICLES

Tin mới