Sunday, December 22, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMỹ không có lựa chọn nào ngoài chấp nhận tham vọng hạt...

Mỹ không có lựa chọn nào ngoài chấp nhận tham vọng hạt nhân của Triều Tiên

Vụ phóng tên lửa thất bại mới đây nhất của Triều Tiên khiến tình hình ổn định trong khu vực rạn vỡ. Theo Atlantic, Mỹ không có nhiều lựa chọn để tránh “đổ thêm dầu vào lửa”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong lễ khai trương một tòa nhà ở Bình Nhưỡng ngày 15/4. Ảnh: Reuters

Khi trả lời phỏng vấn tờ Financial Times vào 2/4 về khả năng hợp tác với Trung Quốc để giảm tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “Nếu Trung Quốc không muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên thì chúng tôi sẽ làm. Tôi chỉ nói với anh đến đây thôi.”

Chưa đầy 2 tuần sau đó, căng thẳng tại Đông Bắc Á đột ngột gia tăng. Trong lúc nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ hướng về bán đảo Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un tổ chức lễ diễu binh nhân ngày Thái Dương (15/4) kéo dài hàng giờ.

Bình Nhưỡng cũng bất ngờ thực hiện phóng tên lửa đạn đạo vào sáng sớm ngày 16/4, tuy nhiên tên lửa đã phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng.

Đối diện với những mối đe dọa có thực, tạp chí Atlantic (Mỹ) nhận định Trump không nên “đổ thêm dầu vào lửa” bằng những lời lẽ đanh thép và có phần “lên gân” nữa, bởi tình hình đang ở trên bờ vực thảm họa.

Tại lễ diễu binh, trong trang phục gợi nhắc đến hình ảnh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, ông Kim Jong Un đứng trước đoàn diễu hành vũ khí và đe dọa sẽ “tấn công phủ đầu” lên Nhật Bản, hay thậm chí là Mỹ.

Theo Atlantic, Mỹ không biết rõ tiềm lực hạt nhân của Triều Tiên, nhưng khả năng cao là kho vũ khí này có thể sát thương hàng triệu người. Việc tấn công trả đũa cũng không thể cứu vãn được viễn cảnh tăm tối đó. Ngay cả Trump đến lúc này có lẽ cũng đã nhận ra rằng, có nhiều vấn đề không thể chỉ “giải quyết” là xong.

Đối với Triều Tiên, việc sở hữu kho vũ khí hạt nhân chính là quân át chủ bài thương lượng cũng như đe dọa duy nhất. Nắm trong tay tên lửa hạt nhân, Bình Nhưỡng có cơ sở để ngang hàng những nước lớn trên bàn đàm phán; và quan trọng hơn là đẩy lùi nguy cơ tấn công từ các cường quốc bên ngoài.

Cựu Tổng thống Bill Clinton từng cân nhắc việc đánh bom các căn cứ hạt nhân của Triều Tiên, nhưng lựa chọn không thực hiện bởi có quá nhiều rủi ro.

Với tình hình hiện nay thì lựa chọn này là điều không tưởng: Các căn cứ hạt nhân nằm rải rác khắp lãnh thổ Triều Tiên khiến việc “đánh nhanh diệt gọn” hết sức khó khăn, trong khi phản ứng của Bình Nhưỡng khi bị dồn vào thế bí sẽ rất khủng khiếp do Seoul chỉ cách biên giới Hàn Triều vỏn vẹn hơn 56km.

Atlantic cho rằng, có thể một vụ tấn công mạng sẽ khiến chương trình hạt nhân của Triều Tiên bị gián đoạn, nhưng không đủ để xóa sổ tham vọng hạt nhân. Còn Trung Quốc vẫn chưa có động thái cụ thể nào để răn đe mạnh mẽ Triều Tiên.

Do đó, dường như lựa chọn khả thi nhất lúc này là tạm thời chấp nhận sự hiện diện của Triều Tiên với tư cách là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong tình hình nhạy cảm và nguy hiểm như hiện nay, quan hệ hợp tác Mỹ – Trung trở nên tối quan trọng nếu Mỹ muốn kịp thời ngăn chặn Triều Tiên bán vũ khí hạt nhân ra nước ngoài.

RELATED ARTICLES

Tin mới