Một thỏa thuận với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể là cách để Tổng thống Mỹ Donald Trump xoa dịu tình hình song nó cũng đi kèm không ít điều kiện khó khăn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP
Mỹ ngày 7/4 phóng 59 tên lửa Tomahawk tấn công căn cứ Syria, động thái được cho là vừa nhằm răn đe chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vừa gửi thông điệp cảnh báo tới Triều Tiên. Đáp lại, Bình Nhưỡng đe dọa đáp trả tàn nhẫn nếu Washington tấn công.
Mỹ trong lúc đó điều cụm tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên, dường như nhằm thị uy sức mạnh. Phản ứng lại, Triều Tiên thông báo sẽ thử hạt nhân lần thứ 6 khi nào thấy phù hợp. Những màn đấu khẩu gay gắt giữa đôi bên khiến ta rơi vào cảm giác rằng bán đảo Triều Tiên đang đứng bên bờ vực chiến tranh, theo BBC.
Trên khắp thế giới, báo chí thi nhau kêu gào về một viễn cảnh đối đầu “nguy hiểm” giữa Mỹ và Triều Tiên, song ở ngay nơi tâm chấn, cuộc sống vẫn hoàn toàn bình thường, yên ả, không hề xuất hiện dấu hiệu của sự hoảng sợ, lo âu. Triều Tiên vẫn hân hoan kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành bằng màn duyệt binh lớn nhất lịch sử. Ở bên kia vĩ tuyến 38, thanh niên Hàn Quốc vẫn thản nhiên ăn Jajangmyeon, món mỳ rưới sốt tương đỗ đen, kỷ niệm cuộc sống độc thân trong Ngày Đen 14/4.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẵn sàng “giải quyết Triều Tiên” song câu hỏi đặt ra là ông chủ Nhà Trắng hiện tại nắm trong tay những quân cờ gì để có thể xử lý tận gốc vấn đề?
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama từng áp dụng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” đối với Triều Tiên, thể hiện qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Bình Nhưỡng hay thuyết phục những bên liên quan, đặc biệt là Trung Quốc, làm điều tương tự.
Hôm 17/4, khi tới thăm khu phi quân sự (DMZ) nằm giữa biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết “thời kỳ kiên nhẫn chiến lược đã qua”. Tuy nhiên, giới phân tích hiện vẫn chưa rõ liệu Mỹ sẽ thực sự chấm dứt “kiên nhẫn chiến lược” hay vẫn tiếp tục theo đuổi nó nhưng dưới một cái tên khác.
Theo cây bút Stephen Evans từ BBC, ông Trump có thể phát lệnh tấn công các căn cứ hạt nhân Triều Tiên, song cơ hội xảy ra khả năng này không cao. Một số tổng thống Mỹ trước đây từng xem xét những phương án tương tự nhưng sau đó, chúng đều bị gạt bỏ vì lo sợ hành động đáp trả từ Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc, đồng minh thân cận của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 1994 cân nhắc triển khai tấn công cơ sở hạt nhân Triều Tiên. Mỹ lúc bấy giờ có thông tin cho hay Triều Tiên chuẩn bị di chuyển các thanh nhiên liệu từ lò phản ứng Yongbyon, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng, tới một trung tâm xử lý (bước đầu tiên trong quá trình sản xuất bom nguyên tử).
Mỹ đã lên kế hoạch tấn công bằng chiến đấu cơ và tên lửa hành trình nhưng cuối cùng, mệnh lệnh không được đưa ra bởi ông William Perry, bộ trưởng quốc phòng dưới thời tổng thống Mỹ Clinton, quan ngại Triều Tiên sẽ trả đũa Hàn Quốc.
Dù vậy, kế hoạch trên vẫn khiến người Triều Tiên cảm thấy ái ngại. Từ đây, một bản thỏa thuận quan trọng ra đời. Mỹ đồng ý cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên. Đổi lại, Triều Tiên phải đóng băng chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, thỏa thuận trên sụp đổ vào năm 2002 do Bình Nhưỡng vi phạm các điều khoản.
Kịch bản Mỹ ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng khó có cơ hội xảy ra bởi khả năng thành công không được đảm bảo. Mặt khác, cũng như phương án tấn công căn cứ hạt nhân Triều Tiên, lựa chọn này tiềm ẩn nguy cơ Bình Nhưỡng đáp trả tàn nhẫn đối với Hàn Quốc, thậm chí cả Mỹ, bình luận viên Evans nhận xét.
Thay vào đó, theo giáo sư John Delury từ Đại học Yonsei, Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Trump nên quay trở lại trung thành thông điệp mà ông từng phát đi trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng: Đối thoại với lãnh đạo Triều Tiên.
“Mỹ nên nhanh chóng đàm phán một hiệp định song phương với Triều Tiên nhằm đóng băng chương trình tên lửa và hạt nhân của lãnh đạo Kim Jong-un”, Delury nói.
Nhưng với kịch bản giáo sư Delury đề xuất, Mỹ nhiều khả năng sẽ phải đầu tư rất nhiều nguồn lực để giúp Triều Tiên cải thiện nền kinh tế. Ngoài ra, Washington cần bằng cách này hay cách khác đảm bảo tránh đi lại vết xe đổ Bình Nhưỡng đơn phương phá vỡ thỏa thuận. Quan trọng hơn cả, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cần sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, ông Delury nhấn mạnh.