Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTriều Tiên không sợ Mỹ, chẳng ngại TQ "bỏ rơi", vì sau...

Triều Tiên không sợ Mỹ, chẳng ngại TQ “bỏ rơi”, vì sau lưng vẫn còn Nga

Một mối hợp tác mới giữa Nga và Triều Tiên vừa được hé lộ.

Các binh sĩ Triều Tiên trong lễ duyệt binh ở thủ đô Bình Nhưỡng ngày 15/4 vừa qua (Ảnh: Reuters)

Tờ Nikkei (Nhật Bản) ngày 20/4 cho hay, tuyến hàng hải lưu thông hỗn hợp định kỳ cho tàu chở khách và tàu chở hàng, nối giữa thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông Nga với đặc khu kinh tế Rason của Triều Tiên, sẽ được khai thông vào tháng 5 tới.

Tham gia lưu thông trên tuyến đường này có tàu Mangyongbong-92 của Triều Tiên, vốn bị Nhật Bản áp đặt lệnh cấm cập cảng nước này từ năm 2006, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một vụ phóng thử tên lửa.

Đại diện phía Nga phụ trách tuyến hàng hải mới tiết lộ với Nikkei, tàu Mangyongbong-92 sẽ đi lại 6 chuyến mỗi tháng giữa hai thành phố của Nga và Triều Tiên.

Chuyến đi đầu tiên dự kiến khởi hành từ cảng Rajin ở thành phố Rason vào ngày 8/5 và đến Vladivostok sáng mùng 9, khi thành phố này tổ chức lễ kỷ niệm 72 năm thắng lợi trong Thế chiến II. Các cư dân Triều Tiên cùng du khách Trung Quốc theo tàu Mangyongbong sẽ cùng tham dự sự kiện, sau đó trở về Rason ngày 10/5.

Theo Nikkei, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày một leo thang dường như không ảnh hưởng gì đến ý định thúc đẩy hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng của Moscow.

Tờ này phân tích, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ tấn công phủ đầu Triều Tiên bằng quân sự là một trong các lựa chọn được cân nhắc, và việc Bình Nhưỡng phản hồi rằng sẵn sàng đáp trả Mỹ bằng bất kỳ hình thức chiến tranh nào đã khiến tình trạng đối đầu leo thang.

Trong khi đó, chính phủ Nga – trong tình hình rạn nứt với Mỹ gia tăng sau vụ Mỹ bắn tên lửa vào Syria ngày 6/4 – tăng cường quan hệ với Bình Nhưỡng bất chấp vấn đề hạt nhân trở nên phức tạp.

Moscow đang triển khai các dự án hợp tác kinh tế với Triều Tiên như tiếp nhận lao động và di dân, động thái khiến Nga bị cho là có thể trở thành “kẽ hở” trong nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm gây sức ép lên Triều Tiên.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu hôm 17/4, nói rằng Moscow “không chấp nhận các động thái thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, nhưng “điều đó không có nghĩa rằng việc dùng vũ lực vi phạm luật pháp quốc tế là được cho phép”.

“Tôi thực sự hy vọng sẽ không có hành động đơn phương nào giống như những gì mà chúng ta đã thấy mới đây tại Syria,” ông cảnh báo Mỹ.

Đến nay, Nga thậm chí được cho là “láng giềng tốt” với Triều Tiên hơn cả Trung Quốc, quốc gia đang trở nên cứng rắn với Bình Nhưỡng hơn và được ông Trump đánh giá cao sau vụ “đuổi” tàu chở than của Triều Tiên về.

Nikkei cho rằng, Điện Kremlin không chỉ có ý định củng cố vị thế đối lập với Washington, mà dự án tiếp nhận lao động Triều Tiên cũng là “nhất cử lưỡng tiện” để giúp tăng tốc quá trình phát triển vùng Viễn Đông.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 18/4 đã tổ chức hội đàm tại Tokyo, xác nhận phương châm thực thi song song các giải pháp “cứng và mềm” để xử lý vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Mỹ-Nhật muốn dùng viễn cảnh tấn công quân sự Triều Tiên để tạo đòn bẩy ngoại giao, sau đó dựa trên nguyên tắc tìm kiếm đối thoại hòa bình, thông qua các biện pháp cấm vận hiệu quả đến từ Trung Quốc để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.

Ông Trump tuyên bố nếu Bắc Kinh không hành động hiệu quả, Mỹ hoàn toàn có thể đơn phương hành động. Nhưng vào lúc này, Nga lại trở thành một nhân tố khiến Mỹ “khó xử”.

Hồi tháng 2 năm ngoái, chính Nga cũng từng “gây rắc rối” cho phương Tây, làm trì hoãn việc thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng bảo an, khi đòi thêm thời gian để “nghiên cứu dự thảo nghị quyết”.

RELATED ARTICLES

Tin mới