Truyền thông chính thống và cả chính phủ Trung Quốc không hề đề cập tuyên bố của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence liên quan đến biển Đông.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence thăm tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đang đóng tại Nhật (Ảnh: Reuters)
Hãng AP (Mỹ) cho hay, phát biểu trên tàu sân bay USS Ronald Reagan hôm 18/4 trong chuyến thăm Nhật Bản, ông Pence nói Mỹ sẽ bảo vệ quyền tự do hàng hải trên biển Đông, tuyến đường biển trọng yếu của thế giới, nơi Trung Quốc đã chiếm đóng và xây dựng trái phép nhiều đảo nhân tạo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trong thông điệp được AP gọi là “dành riêng cho Trung Quốc”, Phó tổng thống Mỹ cam kết nước này “sẽ bảo đảm hoạt động lưu thông hợp pháp không gặp trở ngại”.
Ông Pence tái khẳng định kế hoạch triển khai 60% lực lượng của Hải quân Mỹ đến châu Á-Thái Bình Dương từ nay đến năm 2020.
“Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương. Nhật Bản cũng sẽ gánh vác trách nhiệm lớn hơn trong liên minh những năm tiếp theo,” ông Pence nói.
Cam kết của Phó tổng thống Pence được xem là sự xác định lập trường và chính sách trong tương lai của chính quyền Donald Trump về vấn đề biển Đông. Hồi giữa tháng 2, Mỹ đã lần đầu triển khai nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson để thực hiện nhiệm vụ tuần tra biển Đông.
Cùng ngày, ông Mike Pence tuyên bố Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật phù hợp để áp dụng cho trường hợp đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung-Nhật cùng tuyên bố chủ quyền, cho phép Mỹ điều động quân lực bảo vệ Nhật Bản khi lãnh thổ của đồng minh bị tấn công quân sự.
Trong khi đó, báo giới Trung Quốc khi đưa tin về các phát biểu của ông Pence chủ yếu tập trung vào vấn đề Triều Tiên, như ông cảnh báo Bình Nhưỡng không thử thách quyết tâm của Mỹ, và Washington sẽ đáp trả “một cách áp đảo và hữu hiệu” mọi ý định sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trước đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đánh giá cao các tuyên bố gần đây của Mỹ liên quan đến Triều Tiên, nói rằng “các quan chức Mỹ đã có nhiều phát biểu tích cực và mang tính xây dựng, như sử dụng mọi biện pháp hòa bình có thể để giải quyết vấn đề hạt nhân bán đảo”.
“Điều này thể hiện một hướng đi chung mà chúng tôi tin là đúng đắn và cần được tuân theo,” ông Lục nói, đồng thời cho biết Bắc Kinh “quan ngại sâu sắc” về những hoạt động hạt nhân, tên lửa gần đây của Triều Tiên.
Chính phủ Trung Quốc không phản ứng gì trước phát ngôn liên quan đến biển Đông của Pence.
Ở một diễn biến khác, tờ Philstar (Philippines) ngày 19/4 đưa tin, ngoại trưởng các nước G7 đã nhấn mạnh lập trường phản đối quân sự hóa trên biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Italy, Nhật Bản và Vương quốc Anh duy trì cam kết gìn giữ trật tự hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982.
“Chúng tôi coi phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, trên cơ sở UNCLOS, là nền tảng hữu dụng để nỗ lực giải quyết hòa bình vấn đề biển Đông,” thông cáo chung của các ngoại trưởng nói.
Phán quyết của PCA nói rằng yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” mà Trung Quốc áp đặt trên biển Đông là không có giá trị pháp lý, và nước này đã vi phạm các cam kết trong UNCLOS khi xây đựng các đảo nhân tạo.