Việc quan chức cấp cao trong chính quyền đương nhiệm lên tiếng về khả năng đưa Triều Tiên vào danh sách tài trợ khủng bố chứng tỏ quyết tâm của Hoa Kỳ tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo này.
Hôm 19/4 trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, Hoa Kỳ đang xem xét đưa Triều Tiên vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố với mục đích làm tăng áp lực đối với Bình Nhưỡng.
Ông Tillerson nhấn mạnh: “Chúng tôi đang xem xét đặt Triều Tiên trong trạng thái như một nhà nước tài trợ của chủ nghĩa khủng bố, cũng như một số biện pháp khác để có thể gây áp lực lên chính quyền nước này”. Ngoại trưởng Mỹ cũng lưu ý, Washington có ý định buộc Bình Nhưỡng phải hợp tác với Hoa Kỳ. “Vì vậy, chúng tôi đang xem xét tất cả các khả năng có thể – ông Tillerson kết luận.
Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump đề cập đến khả năng đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.
Triều Tiên đã từng bị Mỹ đưa vào danh sách các nước tài trợ khủng bố vào năm 1987 sau một vụ nổ máy bay chở khách của Hàn Quốc trên đường từ Abu Dhabi đến Bangkok. Qua điều tra, các nhà chức trách kết luận rằng vụ tấn công làm chết 115 người này là do các nhân viên tình báo Triều Tiên đặt một quả bom hẹn giờ lên máy bay chở khách.
Năm 2008, chính quyền Mỹ đã loại bỏ CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách để khuyến khích nước này tham gia các cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, mà sau này Bình Nhưỡng đã đơn phương chấm dứt.
Nếu tiếp tục bị Mỹ liệt vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố thì nước này sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt như: lệnh phong tỏa tài chính, cấm giao dịch buôn bán và các biện pháp trừng phạt khác. Hiện tại, các quốc gia nằm trong danh sách tài trợ khủng bố của Mỹ gồm Iran, Sudan và Syria.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/4, Nga đã cản trở một tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên mặc dù Trung Quốc ủng hộ tuyên bố do Mỹ đưa ra này.
Dự thảo tuyên bố trên dùng những ngôn từ mạnh mẽ yêu cầu Triều Tiên chấm dứt các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa. Song phía Nga muốn dùng lại một đoạn trong tuyên bố hồi tháng 3, đó là nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đạt được giải pháp thông qua đối thoại.
Trước đó hồi tháng 3, HĐBA LHQ đã nhất trí ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc trước “hành vi ngày càng gây bất ổn” của Bình Nhưỡng. Trong dự thảo tuyên bố mới, các thành viên HĐBA LHQ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước “hành vi cực kỳ gây bất ổn” của Triều Tiên và một lần nữa đe dọa có thêm “những biện pháp mạnh khác”.