Khi một bên có vũ khí hạt nhân còn bên kia thì không, trong lúc hai bên đang ở bên bờ vực, chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra.
CNN ngày 17/4 đưa tin, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim In-ryong đã cảnh báo về khả năng chiến tranh hạt nhân trên bán đảo.
Phát biểu được đưa ra trong một cuộc họp báo ở New York, chỉ vài giờ sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến thăm khu phi quân sự giữa 2 miền Triều Tiên.
Ông Pence cảnh báo Bình Nhưỡng: đừng liều lĩnh thử quyết tâm hoặc sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ, đừng đùa với Donald Trump.
Từ New York, đại diện Triều Tiên đáp trả rằng:
Việc Mỹ gia tăng hoạt động hải quân ngoài khơi bán đảo Triều Tiên và bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào Syria đã tạo ra một tình huống nguy hiểm.
Chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào trên bán đảo, đe dọa hòa bình và an ninh thế giới. [1]
Trung Quốc nóng lòng cử đặc sứ đi Bình Nhưỡng, Triều Tiên đóng cửa từ chối tiếp Vương Nghị
Bloomberg ngày 17/4 đưa tin, Bình Nhưỡng đã không đáp ứng đề nghị của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và trưởng đoàn đàm phán Vũ Đại Vĩ muốn sang thăm Triều Tiên.
Nguồn tin giấu tên cho biết, đề xuất này được Bắc Kinh đưa ra sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Mar-a-Lago.
Trong khi Bắc Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc rất lớn về nguồn cung cấp nhiên liệu và thực phẩm, quan hệ Trung – Triều gần như đóng băng dưới thời ông Tập Cận Bình.
Từ năm 2012 đến nay, ông Bình và ông Kim Jong-un chưa từng gặp mặt.
Ông Vũ Đại Vĩ đã đi Seoul tuần trước để hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc về tình hình khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên.
Sau đó ông Vĩ lên kế hoạch đi Bình Nhưỡng, nhưng Triều Tiên không trả lời yêu cầu này của ông, Yonhap dẫn một nguồn tin ngoại giao giấu tên từ Hàn Quốc cho biết.
Trung Quốc đã dừng nhập khẩu than của Bắc Triều Tiên từ tháng 2 năm nay, sau cái chết của một công dân Triều Tiên được cho là ông Kim Jong-nam ở Malaysia.
Động thái này dẫn đến một cuộc cãi vã công khai hiếm hoi giữa 2 nước, sau khi Bình Nhưỡng cáo buộc Bắc Kinh “bám đuôi” Mỹ.
Tuần trước, Thời báo Hoàn Cầu lập luận rằng, Bắc Kinh nên hỗ trợ các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nữa chống lại Bắc Triều Tiên, bao gồm cả hạn chế xuất khẩu dầu mỏ nếu nước này thử hạt nhân lần thứ 6.
Không có quan chức nào đại diện cho Trung Quốc tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh ông Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng hôm 15/4 vừa qua.
Trong quá khứ, ngoài sự tương tác giữa 2 chính phủ, các quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc và đảng Lao động Triều Tiên đã thường xuyên thăm viếng nhau.
Quan chức cấp cao Trung Quốc cuối cùng đến thăm Bình Nhưỡng là ông Lưu Vân Sơn, một thành viên Thường vụ Bộ chính trị, đã tham dự kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên ngày 10/10/2015. [2]
Trong một động thái khác có liên quan, The Huffington Post ngày 16/4 cho biết, sau vụ thử tên lửa “xịt” hôm Chủ nhật 16/4 của Bình Nhưỡng, Trung Quốc đang có những hành động khẩn cấp chưa từng có.
Dường như Bắc Kinh có vẻ ý thức được tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là rất nghiêm trọng.
Nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh cho biết, rất có thể ông Tập Cận Bình sẽ cử một đặc sứ của mình sang gặp ông Kim Jong-un.
Người này có thể là Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ, hoặc Chánh văn phòng Tổng bí thư Đinh Tiết Tường.
Fang Chang Ping, một giáo sư từ Đại học Nhân Dân, Bắc Kinh nói với The Huffington Post:
“Đây có lẽ là tình huống khó khăn nhất đối với bán đảo Triều Tiên kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Một cuộc đối thoại để tìm hiểu ý đồ thực sự của Bình Nhưỡng là yêu cầu rất cấp thiết.
Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể làm được việc đó vào lúc này”.
Ông nhấn mạnh rằng, sẽ không có gì lạ nếu Trung Nam Hải cử một đặc phái viên đi Bình Nhưỡng lúc này.
Trên biển, hải quân Trung Quốc và Nga cũng đã cử tàu chiến bám đuôi hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Carl Vinson đang hoạt động gần bán đảo.
Dường như Trung Quốc đang nỗ lực để tránh một kịch bản tồi tệ nhất xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. [3]
Thông điệp rõ ràng chống nước lớn đi đêm trên lưng nước nhỏ
BBC News ngày 18/4 đăng bài viết tường thuật tình hình bán đảo Triều Tiên, trong đó có nội dung phỏng vấn trực tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Han Song-ryol từ Bình Nhưỡng.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Han Song-ryol trả lời BBC từ Bình Nhưỡng, ảnh: BBC. |
Ông Han Song-ryol nói rất rõ với phóng viên BBC rằng:
Bắc Triều Tiên đã học được những bài học từ lịch sử cận hiện đại, nhất là những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm thay đổi chế độ chính trị ở Iraq và Libya. Ông nói:
“Nếu cán cân quyền lực không có, khả năng nổ ra chiến tranh là không thể tránh khỏi.
Khi một bên có vũ khí hạt nhân còn bên kia thì không, trong lúc hai bên đang ở bên bờ vực, chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra.
Đây là bài học từ thực tế các nước trong khu vực Trung Đông, bao gồm Libya và Syria, nơi người dân nơi đây đang phải chịu bất hạnh rất lớn”.
Phóng viên BBC hỏi ông Han Song-ryol:
Thay vì phát triển vũ khí hạt nhân, tại sao Triều Tiên không cải thiện đời sống dân chúng có phải tốt hơn không? Tại sao không bắt đầu bằng việc xóa bỏ những trại cải tạo?
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên trả lời:
“Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ người nào chỉ trích con đường chúng tôi tin tưởng và lựa chọn, chúng tôi đã thực hiện.
Quần chúng nhân dân là trung tâm của đất nước, an ninh và nhân quyền của họ được đảm bảo.
Với cái gọi là trại cải tạo hay tù chính trị mà bạn vừa đề cập, nó chỉ là thứ kẻ thù của chúng tôi nhào nặn ra và được những kẻ hùa theo họ để phỉ báng đất nước chúng tôi”.
Phóng viên BBC bình luận:
“Quân sự hóa và bị cô lập, nhưng Bắc Triều Tiên có quyền đi theo con đường riêng của mình, và ông Han Song-ryol dường như tin rằng, không ai có thể ngăn chặn họ.
Cho đến nay, ông ấy đã được chứng minh là mình đúng”. [4]
Còn BBC tiếng Trung Quốc ngày 17/4 nhận định, đề nghị của Bắc Kinh cử ông Vũ Đại Vĩ hoặc Ngoại trưởng Vương Nghị thăm Triều Tiên đã mất tăm như đá ném biển khơi.
Bình Nhưỡng đã từ chối khéo yêu cầu của Bắc Kinh bằng cách im lặng, khiến thế giới hoài nghi ảnh hưởng tực sự của Trung Quốc đối với ông Kim Jong-un. [5]
“Bắc Triều Tiên không điên” và nhiệm vụ khó khăn Hoa Kỳ giao cho Trung Quốc
“Bắc Triều Tiên không điên” là bình luận của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry thời Tổng thống Bill Clinton nói với CNN, được Business Insider ngày 18/4 dẫn lại. Ông nói:
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry, ảnh: english.hani.co.kr. |
“Bắc Triều Tiên xấu, nhưng họ không điên.
Tôi không tin rằng chế độ Bắc Triều Tiên muốn tự sát. Vì vậy, tôi không tin họ sẽ khởi động một cuộc tấn công hạt nhân vô cớ với bất cứ ai.
Nếu Hoa Kỳ tấn công trước, đó sẽ là một hành động gây ra chiến tranh hạt nhân thảm khốc”.
Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Triều Tiên tuy “cuồng tín” nhưng vẫn có sự tỉnh táo chiến lược. Họ không tìm kiếm mục đích tử vì đạo. [6]
Trong khi theo Fox News ngày 17/4, Nhà Trắng đang tìm cách “làm mát” căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khi Thư ký báo chí Sean Spicer cùng ngày nói rằng, ông dự đoán Hoa Kỳ sẽ không có “giới hạn đỏ” trên bán đảo.
Theo ông Spicer, việc vạch giới hạn đỏ (cho Bình Nhưỡng) đã thực sự không hiệu quả trong quá khứ.
Tuy nhiên ông tiếp tục từ chối giải thích rõ các lựa chọn chính quyền Donald Trump đang xem xét để đối phó với Bắc Triều Tiên. [7]
Thay vào đó, Spicer cho biết, Nhà Trắng sẽ tiếp tục nhường việc ép Triều Tiên bỏ vũ khí hạt nhân cho Trung Nam Hải.
VOA News dẫn lời ông cho biết:
“Tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ tiếp tục làm việc riêng với Trung Quốc để họ giúp tìm ra một con đường phía trước”.
Sau hội đàm Donald Trump – Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago, Nhà Trắng đang cho Trung Nam Hải thời gian để sử dụng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của mình đối với Bình Nhưỡng. [8]
Như vậy có thể thấy, “nhiệm vụ” mà Hoa Kỳ giao cho Trung Quốc trong vấn đề bán đảo Triều Tiên hết sức khó khăn, nặng nề.
Nó buộc Trung Nam Hải phải tính đến các đòn bẩy chính trị, ngoại giao và kinh tế chưa từng dùng tới với nước láng giềng Đông Bắc Á.
Về phần mình, Washington sẽ làm nhiệm vụ phối hợp bằng 3 cụm tàu sân bay lởn vởn ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Cả Hoa Kỳ lẫn Triều Tiên đều kiềm chế chiến lược, không nổ súng trước để khơi mào cho chiến tranh, hủy diệt. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào quyết sách của Trung Quốc cũng như phản ứng từ Bình Nhưỡng.
Và tất nhiên nếu Trung Quốc thực hiện thành công nhiệm vụ này, Hoa Kỳ sẽ có những “phần thưởng chiến lược” tương xứng, không chỉ về kinh tế thương mại, mà còn cả “mở rộng địa bàn”, đó là điều các nước trong khu vực cần lưu ý.