Monday, November 18, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 24/04

Bản tin Biển Đông ngày 24/04

Bản tin Biển Đông ngày 24/04/2017.

Trung Quốc lớn tiếng phản đối chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tới Đảo Thị Tứ

Ngày 22/4, hãng ABS-CBN đưa tin, ngày 21/4, ngay sau khi thông tin về chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tới Đảo Thị Tứ, đối tượng tranh chấp của nhiều bên ở Biển Đông nhưng hiện đang chịu sự kiểm soát của Philippines, được công bố, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã ngay lập tức lên tiếng nhằm chỉ trích chuyến thăm này của ông Lorenzana. Ông Lục Khảng lớn tiếng phát biểu rằng “Trung Quốc hết sức quan ngại và bất bình trước chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cùng nhiều quan chức quân sự tới Đảo Thị Tứ ngày 21/4/2017”, cho rằng chuyến thăm “đã đi ngược lại đồng thuận giữa hai nước về việc giải quyết thoả đáng vấn đề Biển Đông”. Mặc dù Bộ trưởng Lorenzana đã khẳng định với báo giới rằng “đây chỉ là chuyến thăm bình thường trong lãnh thổ của Philippines”. Bên cạnh đó, ông này cũng lớn tiếng yêu cầu Philippines cần tiếp tục phát huy “đà” phát triển trong quan hệ giữa hai nước trong “quản lý và giải quyết thoả đáng các tranh chấp biển” kể từ chuyến thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới Trung Quốc năm ngoái.

Không dừng lại ở những phát biểu ngang ngược, Trung Quốc còn tìm cách gây trở ngại cho hai máy bay của Philippines trên thực địa mà một trong hai chiếc này đang chở ông Lorenzana trong chuyến thăm tới Đảo Thị Tứ. Các máy bay của Philippines đã bị phía nước này yêu cầu đi ra khỏi khu vực nằm gần Đá Su-bi đang được Trung Quốc kiểm soát. Tuy nhiên, ông Lorenzana cho rằng đây chỉ là hình thức “thủ tục” của phía Trung Quốc và Philippines cũng đã khẳng định rằng máy bay của Philippines chỉ đang bay qua vùng lãnh thổ của Philippines.

Tàu ngầm Trung Quốc Jiaolong thử nghiệm hoạt động tại Biển Đông

Ngày 23/4, Tân Hoa xã đưa tin, tàu Jiaolong, tàu ngầm có người lái của Trung Quốc đã tiến hành lặn thử nghiệm trong 18 phút tại “Thành phố Tam Sa” vào ngày 22/4 nhằm chuẩn bị cho việc lặn sâu xuống Biển Đông. Cụ thể, tàu này đã lặn trong vòng 18 phút trong một cuộc diễn tập ngày 22/4 trước khi trở lại tàu mẹ Xiangyanghong 09 để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong đó có huấn luyện ngầm. Theo nguồn tin, hoạt động này của tàu Jiaolong là một phần của giai đoạn hai trong chương trình thám hiểm khoa học đại dương lần thứ 38 của Trung Quốc dự kiến sẽ kéo dài 4 tháng. Tân Hoa xã cũng cho biết, tàu Jiaolong đã hoàn tất hoạt động dưới nước ở khu vực phía Tây Bắc Ấn Độ Dương đầu năm nay trong giai đoạn đầu tiên của Chương trình này. Dự kiến tàu Jiaolong cũng sẽ tiến hành khảo sát ở Rãnh Yap và Mariana ở khu vực Tây Thái Bình Dương vào giai đoạn thứ ba. Tàu Jiaolong đã hoạt động ở độ sâu 7062 mét tại rãnh Mariana vào tháng 6 năm 2012.

Gần đây, thay vì ráo riết mở rộng các căn cứ quân sự trên các cấu trúc ở Biển Đông như trước, Trung Quốc dường như đang tập trung nhiều hơn cho các hoạt động phục vụ dân sự, nghiên cứu khoa học và hành chính để có được ảnh hưởng nhiều hơn tại khu vực với nguồn kinh phí không nhỏ. Thế nhưng những hoạt động này không phải là không có những ảnh hưởng nhất định, ít nhất là về mặt địa chính trị và môi trường sinh thái biển.

Bãi cạn Scarborough, Trường Sa và Benham

Ngày 23/4, trang Inquirer đăng bài viết “Bãi cạn Scarborough, Trường Sa và Benham” của Thẩm phán trưởng Toà Tối cao Philippines Artemio V. Panganiban đưa ra những phân tích nhằm giải thích vì sao Trung Quốc có thể dễ dàng công nhận quyền của Philippines đối với khu vực Benham Rise trong khi vẫn không chịu từ bỏ bãi cạn Scarborough mà nước này chiếm giữ trái phép như nhiều cấu trúc trên biển khác trên Biển Đông. Ông Panaganiban cho rằng nguyên nhân chính là vì Benham Rise là khu vực nằm ngoài yêu sách chủ quyền dựa trên “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Thêm vào đó, do đây cũng là bãi ngầm ngập sâu từ 50 – 5000m nên khó có thể khai thác các nguồn tài nguyên ở khu vực này. Trong khi đó, Trường Sa và bãi cạn Scarborough lại nằm ở các vùng nông hơn, đồng thời trên thực tế Trung Quốc cũng đã ngang nhiên mở rộng các cấu trúc ở khu vực này không chỉ để khai thác tài nguyên khoáng sản mà còn xây dựng nhiều sân bay, hải cảng và nhiều cấu trúc khác.

Bên cạnh đó, bài viết cũng đề cập đến quan điểm về đàm phán của Luật sư Estelito Mendoza của Philippines, một trong hai phó trưởng đoàn Philippines tham dự Hội nghị Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1973.  Mới đây, ông cũng đã công bố công trình nghiên cứu mới có tên “Không gian đại dương hay là Vùng biển của Philippines”. Mặc dù Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 đã bác bỏ hiệu lực của “đường chín đoạn” và kết luận rằng không cấu trúc nào ở Trường Sa có quy chế đảo nhưng ông Mendoza cho biết Phán quyết không giải quyết việc Trung Quốc đã chiếm hữu các đảo, đá và vấn đề chủ quyền đối với các cấu trúc ở Biển Đông, cụ thể là trong nhóm đảo Kalayaan và bãi cạn Scarborough, cũng không thể trông chờ rằng Trung Quốc có thể từ bỏ việc chiếm đóng hay từ bỏ yêu sách chủ quyền của họ. Trong bối cảnh này, ông Mendoza gợi nhắc đến cuộc đối thoại giữa cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos và cựu Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình trong chuyến thăm cấp Nhà nước 1975 về giải pháp đàm phán trong giải quyết tranh chấp giữa hai bên và khẳng định cách tiếp cận “kiên trì đàm phán” này đang được chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte theo đuổi nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.

Những bản đồ cổ được trưng bày tại Triển lãm “Bản đồ các Vùng biển của Philippines”

Ngày 23/4, trang Inquirer đưa tin, tại triển lãm “Bản đồ các vùng biển của Philippines” hiện đang được mở đến ngày 29/4 tại Bảo tàng Metropolitan của Manila, Philippines, ông Jaime Laya, một nhà sưu tầm bản đồ của Philippines cho biết, nhiều bản đồ về quần đảo Philippines có niên đại từ đầu thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX. Các tư liệu không chỉ dùng để xác định các đường bờ biển và địa hình mà còn phản ánh các tuyến giao thương, các bằng chứng về văn hoá…. Đáng chú ý có hai tấm bản đồ: Las Islas Filipinas (được vẽ những năm 1600) thể hiện hình ảnh bãi cạn Scarborough và một tấm bản đồ khu vực Đông Nam Á của Vincenzo Coronelli mà theo ông Laya, tấm này “đã phân định biên giới biển của Isole Filippine…tạo nên một cách hoàn hảo bãi cạn Scarborough, quần đảo Trường Sa và Benham Rise ngày nay”. Ngoài ra, một tấm bản đồ “cực hiếm” năm 1734 của Fr. Pedro Murillo-Velarde S.J. được ông Laya mô tả là “bản đồ chính xác nhất” thể hiện hình ảnh các con sông, thị trấn và các bãi cạn ở Biển Đông có tên là “Galit”, “Panacot” và “Lumbay”.

Ý kiến chuyên gia: Cảnh sát biển Trung Quốc đang tăng cường thúc đẩy các yêu sách của mình ở Biển Đông

Ngày 24/4, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, một số chuyên gia khẳng định rằng các cuộc tuần tra thường xuyên của Cảnh sát biển Trung Quốc tại bãi cạn Luconia do Malaysia kiểm soát là chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh các hoạt động duy trì sự hiện diện trên biển nhằm thúc đẩy yêu sách của mình ở Biển Đông. Theo thông tin của Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), ba tàu Trung Quốc đã thường xuyên tuần tra trong hai tháng đầu năm nay ở khu vực gần bãi cạn Luconia chỉ cách đảo Borneo của Malaysia 145 km về phía Bắc. AMTI cho rằng, sự hiện diện của Cảnh sát biển Trung Quốc ở khu vực này “cho thấy rõ quyết tâm thiết lập quyền quản lý hành chính đối với toàn bộ “đường chín đoạn”. Các chuyên gia cũng cho rằng các tàu Cảnh sát biển hoạt động ở Biển Đông cần có một bộ quy tắc ứng xử trong bối cảnh nguy cơ va chạm trên các vùng biển tranh chấp đang ngày một gia tăng.

Chuyên gia nghiên cứu chính sách thuộc Trung tâm RAND Corporation Lyle Morris cho hay, trong nhiều năm qua, Trung QUốc đã liên tục sử dụng lực lượng Cảnh sát biển của mình để thiết lập sự hiện diện và khẳng định chủ quyền đối với các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Ông Morris khẳng định “Cảnh sát biển Trung Quốc không chỉ áp dụng chiến thuật được xem như “đã đi ngược lại nguyên tắc thi hành thủ tục về an toàn và hoạt động đi biển, như đâm va và sử dụng vòi rồng để tấn công các tàu quân sự” mà hiện nay còn “triển khai nhiều tàu thuyền cỡ lớn với vũ khí lớn hơn”. Ông nhận định “Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh, dùng lực lượng cảnh sát biển để tấn công và cưỡng ép các tàu của các bên tranh chấp ra khỏi các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông”. Trong bối cảnh này, mới tháng trước, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman đã phải khẳng định lại một lần nữa rằng Malaysia không công nhận yêu sách “đường chín đoạn” – yêu sách phi lý của Trung Quốc bị bác bỏ hoàn toàn bởi Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016. Tuy nhiên, ông David Han, một chuyên gia phân tích tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho rằng khó có khả năng Malaysia sẽ đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh về vấn đề này do kinh tế Malaysia vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc. 

RELATED ARTICLES

Tin mới