Đối với EU, cuộc bầu cử tổng thống ở nước Pháp có tác động quan trọng và mạnh mẽ hơn nhiều so với cuộc bầu cử quốc hội trước đó ở Hà Lan, cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tới đây ở Anh và cả cuộc bầu cử quốc hội ở nước Đức vào mùa thu này.
5 ứng cử viên nhiều tiềm năng nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017. Nguồn: AFP
Sau việc nước Anh quyết định ra khỏi EU (Brexit), sau thắng cử của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống hồi cuối năm ngoái ở Mỹ, sau cú thoát hiểm của chính phủ Hà Lan ở cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi và sau những diễn biến ở nước Pháp trong thời gian vừa qua hướng tới cuộc bầu cử tổng thống, những lo ngại sâu sắc và tâm trạng bất an trong EU là hoàn toàn có cơ sở. Dù chuyện xảy ra ở Mỹ hay Anh, Hà Lan hay Pháp thì cũng đều buộc EU phải ngẫm nghĩ và nhìn lại chính mình.
Ở tất cả các nơi này đều thấy bộc lộ sự phân rẽ rõ nét trên chính trường và phân hoá sâu sắc trong nội bộ xã hội, đều thấy có tâm lý và trào lưu không thuận cho EU, từ bất bình đến chống đối, đều thấy có những chủ trương đi ngược với định hướng phát triển, thậm chí cả với tôn chỉ mục đích của EU. Cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa sẽ phục hồi vai trò tối thượng của nhà nước quốc gia biệt lập trên châu lục chứ không phục vụ cho mục tiêu nhất thể hoá châu lục mà EU theo đuổi. Khép kín thị trường, bảo hộ mậu dịch, bài xích người nước ngoài, đặc biệt người theo đạo Hồi không chỉ khác biệt cơ bản mà còn đối nghịch hoàn toàn với mục đích hợp tác và liên kết khu vực của EU.
Thực trạng ấy ở các nước này cho thấy những thành tựu phát triển mà EU đã đạt được cho tới nay đã không được bền vững và cơ bản đến mức đủ để không còn có thể bị đảo ngược. Trào lưu ly khai và chống đối EU chỉ có thể trỗi dậy được mạnh mẽ đến như thế ở châu Âu khi EU đã “ngủ quên” trước những biến động, thay đổi và thách thức mới, khi không giúp các nước giải quyết những vấn đề mới nảy sinh ở đó mà thậm chí còn trở thành một phần trong những vấn đề ấy ngay trong nước. Nước Anh đã quyết Brexit. Chính phủ Hà Lan cản được phe cực hữu dân tuý lên nắm quyền thật nhưng không phải nhờ tăng được uy tín và ảnh hưởng mà còn bị sa sút uy tín và ảnh hưởng.
Ở nước Pháp, dù ứng cử viên tổng thống nào đắc cử đi nữa thì sự phân hoá về chính trị và xã hội ở nước này vẫn rất sâu sắc và nghiêm trọng, lại còn trở nên sâu sắc và nghiêm trọng hơn bởi chính cuộc bầu cử. Mỹ thì lúc thân khi sơ, Anh thì đã ly khai, Pháp lại suy yếu và lắm vấn đề khó khăn riêng như thế – EU hiện đâu có khác gì hoạ vô đơn chí. Sự cộng hưởng tác động của mọi sai lầm và bất cập ở bên trong cùng với tác động từ môi trường không thuận như thế ở bên ngoài không chỉ thách thức mà còn đe doạ thực sự tương lai của EU, buộc EU rồi đây phải tự cải tổ và thay đổi.