Dấu mốc 100 ngày tại nhiệm đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ rơi vào ngày 29/4 tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một phút trầm ngâm. Ảnh: NYTimes
Bức tranh toàn cảnh
Về 100 ngày cầm quyền đầu tiên của tổng thống Mỹ Donald Trump, dân Mỹ và cá nhân ông Trump có cách đánh giá khác nhau.
Dân Mỹ chấm điểm khắt khe ông Trump thông qua thăm dò dư luận còn ông Trump tự khen mình trong trả lời phỏng vấn.
Sự khác biệt này không có gì là khó hiểu khi ông Trump vốn nổi tiếng là người ái kỷ và coi những ai phê trách mình như kẻ thù còn dân Mỹ sàng lọc kỹ càng thành quả và thất bại cầm quyền của ông Trump.
Họ giúp ông Trump lập kỷ lục là tổng thống có mức độ tín nhiệm thấp nhất sau 100 ngày cầm quyền đầu tiên trong số tất cả các tổng thống ở Mỹ kể từ năm 1945 trở lại đây – thời điểm ở Mỹ bắt đầu có hình thức thăm dò dư luận về 100 ngày cầm quyền đầu tiên của tổng thống.
Dân chúng đánh giá khắt khe, nhưng cũng rất khách quan chứ không hề quá đáng bởi trên thực tế ông Trump gần như chưa đạt được thành quả cầm quyền đáng kể nào.
Người này ban hành rất nhiều sắc lệnh hành pháp nhưng chưa thông qua được bộ luật nào, làm gì cũng thất bại hoặc dở dang, cũng trục trặc hoặc rồi đánh trống bỏ dùi và đặc biệt là cứ lật ngược dần hết cam kết tranh cử này đến cam kết tranh cử khác.
Nước Mỹ về cơ bản gần như chưa thay đổi gì sau 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông Trump. Ông Trump không những chưa làm nổi cái gì mới mẻ mà thậm chí còn tiếp nối chưa xong những chính sách của người tiền nhiệm.
Ông Trump đã khuấy động được thế giới bên ngoài bằng một vài hành động quân sự đơn lẻ của nước Mỹ ở Yemen, Syria, Afghanistan và khu vực Đông Bắc Á nhưng để cứu vãn sự sa sút uy danh ở trong nước Mỹ nhiều hơn là để giải quyết những vấn đề nước Mỹ mắc phải lâu nay ở khu vực này, lại càng không phải để phát huy vai trò của nước Mỹ cho nước Mỹ trong việc giải quyết những vấn đề chính trị an ninh thời sự nổi cộm của thế giới.
Người này hiện bị tình thế lôi kéo nên bị sa đà vào đối phó tình thế, chứ chưa có được chiến lược riêng mới khả thi và hoàn chỉnh, đến đâu hay đến đó chứ không bài bản.
Ông Trump có thể coi đó là độc đáo và lợi cho nước Mỹ nhưng trong thực chất thì đó chính lại là bi kịch đối với vai trò và ảnh hưởng của Mỹ trong tư cách là cường quốc thế giới mà Mỹ vốn tự công nhận và luôn muốn thế giới bên ngoài phải công nhận.
Nhiều cam kết tranh cử trọng tâm của ông Trump đã nhanh chóng bị ông Trump bỏ rơi như chuyện lật ngược cuộc cải cách về chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế của người tiền nhiệm (Obamacare) hay hạn chế người theo đạo Hồi nhập cảnh vào Mỹ, cải cách thuế hay chương trình tài chính tái thiết nước Mỹ quy mô cả ngàn tỷ USD, đối phó thâm hụt cán cân thương mại với Trung Quốc hay không can thiệp quân sự ở bên ngoài nước Mỹ.
Khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết” vẫn được ông Trump lớn giọng hô nhưng nước Mỹ không phải luôn ở hàng đầu trong những quyết sách và hành động của ông Trump kể từ khi chính thức nhậm chức.
Nhà lãnh đạo vô tiền khoáng hậu
Những gì ông Trump đã làm được trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên này lại rất rõ trên phương diện khác. Đó là kiểu cách cầm quyền khác hẳn người tiền nhiệm.
Ông Trump ưa cầm quyền bằng sắc lệnh hành pháp hơn là bằng luật, mà lại còn như thế trong bối cảnh Đảng Cộng hòa của ông Trump kiểm soát cả lưỡng viện lập pháp. Đó là cách thức thông tin rất độc đáo của ông Trump.
Người này quá hâm mộ và quá thạo sử dụng 140 ký tự của Twitter và không thể được coi là thân thiện với báo chí, truyền thông. Đó là có thể dễ dàng thay đổi quan điểm và quyết định bất ngờ.
Có thể đó là kết quả của những suy tính rất thực dụng, nhưng cũng có thể bị dẫn dắt bởi ngẫu hứng. Tính khí thất thường và không lường trước được đã trở thành thương hiệu của ông Trump với đầy đủ hai mặt tác động của nó.
Đó là làm cho Đảng Cộng hòa phân hóa nội bộ sâu sắc và trầm trọng thêm. Không làm cho thống nhất và đoàn kết nhất trí trong nội bộ đảng và không gây dựng được mối quan hệ hợp tác xây dựng với quốc hội, ông Trump về lâu dài không thể xoay chuyển được tình trạng hiện tại, không thể có được đủ tiền để thực hiện các cam kết tranh cử.
Ông Trump đang phải trả giá cho việc làm chính trị với tư duy phi chính trị, trị vì cường quốc thế giới theo cách nghĩ kiếm lợi của người đứng đầu một doanh nghiệp thuần tuý.
Nếu không nhanh chóng kết thúc thời kỳ vừa học vừa làm này thì ông Trump sẽ không thể có được nhiệm kỳ cầm quyền thành công, không gây dựng nổi cơ hội tái đắc cử và không biết sẽ dẫn dắt nước Mỹ còn đi đến đâu nữa.