Bản tin Biển Đông ngày 25/04/2017.
Cựu Tổng thống Philippines hoan nghênh chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tới Đảo Thị Tứ
Hãng ABS-CBN đưa tin, trong một buổi phỏng vấn với chương trình ANC’s Headstart ngày 25/4, cựu Tổng thống Philippines Fidel V. Ramos đã hoan nghênh chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana và lực lượng vũ trang của Philippines tới Đảo Thị Tứ ở Biển Đông là “một động thái mạnh mẽ”. Ông Ramos cũng cho rằng chính quyền Philippines cần khẳng định với phía Trung Quốc rằng “khu vực này thuộc chủ quyền của Philippines và Philippines chỉ đang tiến hành hoạt động kiểm tra các cơ sở của mình như thường lệ.
Truyền thông Trung Quốc lớn tiếng yêu cầu Philippines cần có chính sách ngoại giao cân bằng
Ngày 24/4, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài viết “Manila cần cân nhắc kỹ chính sách ngoại giao cân bằng” của nhà báo Xu Liping, với những nội dung gần như là nhất quán với phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng gần đây. Qua bài viết, ông Xu Liping lớn tiếng cho rằng chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tới Đảo Thị Tứ trên Biển Đông đã “gây căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines”, mặt khác lại tuỳ tiện nhận định rằng chuyến thăm “đã bị thúc đẩy bởi nhiều yếu tố trong và ngoài nước”, cụ thể là “đối phó với chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng ở Philippines” và chuẩn bị “trước áp lực từ “một số nước có lập trường cứng rắn với Trung Quốc” tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 sẽ diễn ra vào ngày 26/4”. Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã tuyên bố rõ mục đích của chuyến thăm là nhằm khẳng định chủ quyền đối với khu vực nhưng tác giả bài viết vẫn ngầm đưa ra lời cảnh báo “Philippines sẽ chẳng có lợi ích gì khi để những căng thẳng trên Đảo Thị Tứ ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc” và yêu cầu Philippines “cần hợp tác với Trung Quốc để giải quyết bất đồng thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông”. Xu Liping cũng mạnh miệng “đề xuất” rằng chính quyền hiện nay của Philippines cần tìm cách cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc, tránh lặp lại “thái độ một chiều” của chính quyền tiền nhiệm Benigno Aquino III bởi “nó cho thấy những tổn hại đã gây ra cho lợi ích của Philippines”.
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 và vấn đề Biển Đông
Ngày 25/4, tờ The Economic Times đăng bài viết “Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 và vấn đề Biển Đông” của Baladas Ghoshal, Tổng Thư ký Hiệp hội Nghiên cứu Ấn Độ Dương. Ông Ghoshal nhận định, ASEAN đang tiếp tục phải đối phó với vấn đề Biển Đông đầy nhức nhối trong bối cảnh khối này chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 30 vào cuối tháng 4 nói riêng và chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập nói chung. Mới đây nhất, vấn đề Biển Đông vẫn được nhấn mạnh trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị hẹp các Ngoại trưởng ASEAN hồi tháng 2 tại đảo Boracay, Philippines, tỏ rõ sự lo ngại của các ngoại trưởng về “những diễn biến gần đây và tình hình leo thang các hoạt động ở khu vực có thể làm gia tăng thêm căng thẳng và làm xói mòn lòng tin ở khu vực”, kêu gọi các bên cần “duy trì đà đối thoại nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực”. Về vấn đề này, tác giả cho rằng dù là biện pháp thiết thực nhất để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông song dường như Trung Quốc khó có thể chấp nhận một khuôn khổ đối thoại “không phù hợp với quan điểm của họ – về cái gọi là “lợi ích cốt lõi” bao trùm lên toàn bộ Biển Đông” bởi nước này luôn cương quyết với lập trường cứng rắn về vấn đề Biển Đông, thay đổi hiện trạng ở khu vực bằng cách xây dựng trái phép các đảo nhân tạp, thiết lập các cơ sở quân sự nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông và biến hiện trạng trở thành “sự đã rồi”. Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh đã nhiều lần tìm mọi cách “phủ đầu” các cuộc thảo luận cũng như đối thoại về các yêu sách của các bên tranh chấp ở Biển Đông trong khối ASEAN bằng cách dựng nên một “sáng kiến ngoại giao mới”, có thể là nhằm lôi kéo các nước ở Biển Đông thiết lập một cơ chế hợp tác mới đặt tại Boao trên đảo Hải Nam nhằm thảo luận các vấn đề an ninh phi truyền thống liên quan đến Biển Đông. Tác giả nhận định, một cơ chế do Trung Quốc dẫn dắt như vậy khó có thể được xem là một cơ chế đối thoại “công bằng, khách quan” về tình hình Biển Đông. Ngoài việc không công nhận Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông, những hành động nhằm bành trướng sức mạnh của Trung Quốc cũng đã vi phạm các thông lệ và thực tiễn của luật pháp quốc tế. Trong khi đó, chính quyền mới của Mỹ dường như chỉ tập trung vào sự cần thiết của việc duy trì tự do hàng hải trong chính sách của nước này ở Biển Đông trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, trước lập trường ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc, sự hợp tác chiến lược giữa các quốc gia trong khu vực, dưới các hình thức song phương hoặc đa phương, ngày càng trở thành một biện pháp phòng vệ quan trọng. ASE
Liên quan đến việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, tác giả cho rằng, một mặt luôn tỏ ra ủng hộ những nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng văn kiện này, mặt khác Trung Quốc lại luôn coi vấn đề Biển Đông là vấn đề song phương và không muốn ASEAN tham gia vào vấn đề với tư cách là một khối và tìm cách chia rẽ khối trong vấn đề này. Do đó, ông Ghoshal lo ngại rằng, nhìn vào cách Bắc Kinh đang ráo riết củng cố yêu sách ở Biển Đông, khó có khả năng có thể đạt được bất cứ tiến triển quan trọng nào về Bộ Quy tắc ứng xử vào giữa năm nay. Mặc dù vậy, tác giả vẫn kêu gọi các bên cần đoàn kết, thống nhất để có được tiếng nói chung để đối phó với mọi áp lực từ phía Trung Quốc.