Thursday, January 16, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiĐánh giá của Đô đốc Harris về Biển Đông và Triều Tiên...

Đánh giá của Đô đốc Harris về Biển Đông và Triều Tiên lộ toan tính Mỹ-Trung

Tinh thần bất khuất của Triều Tiên trước cường quyền quốc tế là điều đáng ngưỡng mộ, các nước nhỏ nên giúp Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với Mỹ…

Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và các quan chức cấp cao Nhà Trắng báo cáo 100 Thượng nghị sĩ về tình hình bán đảo Triều Tiên và đối sách của Washington, ảnh: Alerta Politica

Tờ USNI News của Hải quân Mỹ ngày 26/4 đưa tin, Đô đốc Harry Harris – Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ cùng ngày cho biết:

Lực lượng của đơn vị này sẽ tiếp tục tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông tới đây, nhưng ông lưu ý, Mỹ cần sự giúp đỡ của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.

Mỹ rút phương án tấn công quân sự Triều Tiên trong cuộc họp bất thường

South China Morning Post, Hồng Kông ngày 27/4 đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói với 100 Thượng nghị sĩ được mời đến Nhà Trắng chiều thứ Tư (tức sáng thứ Năm theo giờ Hà Nội):

Mỹ sẽ tạo áp lực về kinh tế – ngoại giao để buộc Triều Tiên bỏ vũ khí hạt nhân và tạm rút phương án tấn công quân sự.

Tổng thống Donald Trump đã chào đón 100 Thượng nghị sĩ từ 2 đảng Cộng hòa, Dân chủ lần đầu tiên tới nhóm họp tại Nhà Trắng, thay vì Điện Capitol như thông lệ.

Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Giám đốc Tình báo quốc gia Dan Coats, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joe Dunford và các tướng lĩnh, quan chức cấp cao trong chính quyền đã tham dự và báo cáo trước Thượng viện.

Sau nhiều tuần đe dọa Bình Nhưỡng rằng Mỹ đã hết kiên nhẫn chiến lược, có thể tấn công phủ đầu Triều Tiên, lãnh đạo các bộ ngành trong chính phủ của ông Donald Trump đã không còn nhắc đến lựa chọn quân sự.

Họ cho biết cách tiếp cận của Nhà Trắng là tiếp tục gây áp lực lên Bình Nhưỡng bằng trừng phạt kinh tế, ngoại giao cùng với các đồng minh, đối tác ép Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Vài giờ trước đó, quân đội Mỹ ở Hàn Quốc đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.

Đô đốc Harry Harris cho biết, hệ thống này sẽ đi vào hoạt động trong những ngày tới và sẽ bảo vệ Hàn Quốc tốt hơn trong trường hợp Triều Tiên tấn công.

Theo Đô đốc Harris, Lầu Năm Góc cũng nên cân nhắc xem có nên đặt tên lửa ở Hawaii hay không, trong trường hợp Triều Tiên nâng cao tầm bắn tên lửa của họ.

Nước Mỹ đã có hệ thống đánh chặn tên lửa ở California và Alaska, được cho là có thể ngăn chặn bất kỳ quả tên lửa đạn đạo nào trên Thái Bình Dương, nhưng theo tướng Harris, hệ thống này cần được tăng cường.

Các quan chức Lầu Năm Góc đã nhấn mạnh, Tổng thống Donald Trump không dễ dàng lựa chọn giải pháp can thiệp quân sự vào Triều Tiên.

Tướng Harris cũng nhận lỗi trước Thượng viện vì ông “thất bại” trong giao thiệp đầy đủ với truyền thông trong vụ thông tin tàu sân bay USS Carl Vinson.

Trước đó ông nói hôm 8/4 là USS Carl Vinson sẽ tiến về bán đảo Triều Tiên từ Singapore thay vì đi Australia như kế hoạch, để đề phòng Bình Nhưỡng thử hạt nhân hôm 15/4.

Nhưng cuối cùng báo chí phát hiện nó rời Biển Đông và ra Ấn Độ Dương hôm 15/4.

Mỹ sẽ làm ngơ cho Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông khi Nhà Trắng cần Trung Nam Hải răn đe Bình Nhưỡng?

Theo USNI News, Đô đốc Harry Harris nói với các Thượng nghị sĩ rằng, tình huống phức tạp ở châu Á – Thái Bình Dương đã buộc Hoa Kỳ phải dựa vào Trung Quốc để hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Còn trên Biển Đông, ông cam kết sẽ thúc đẩy các hoạt động tự do hàng hải trong thời gian tới và hối thúc các nước khác cùng tiến hành hoạt động này.

Đô đốc Harris đánh giá:

“Mặc dù Trung Quốc là một nước thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, nhưng nước này phớt lờ Phán quyết Trọng tài – một ràng buộc pháp lý hòa bình.

Trong thực tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục chiến lược nhằm mục tiêu kiểm soát, độc chiếm Biển Đông. Hoạt động của Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông là có thật.

Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ sớm tiến hành một số hoạt động tự do hàng hải. Tôi cũng cho là chúng ta cần phải khuyến khích các nước ven Biển Đông chống lại (hành vi độc chiếm của) Trung Quốc.

Chúng ta cần ngăn chặn họ trong khả năng có thể, đặc biệt là liên hệ chặt chẽ với các nước chúng ta đang hợp tác”.

Mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy quân sự hóa, tiến tới độc chiếm Biển Đông, nhưng theo tướng Harris, Mỹ muốn đối phó với Triều Tiên thì không thể không hợp tác với Trung Quốc. Ông nói:

“Trong tuần này, Bắc Triều Tiên đã đe dọa tấn công hạt nhân cả Australia. Đó là lời nhắc nhở mạnh mẽ cho toàn bộ cộng đồng quốc tế rằng, tên lửa Triều Tiên chĩa ra mọi hướng.

Với mỗi lần bắn thử, ông Kim Jong-un đang di chuyển gần hơn đến mục tiêu của mình về khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu nước Mỹ.

Bảo vệ quê hương chúng ta là ưu tiên hàng đầu của tôi. Vì vậy tôi phải thừa nhận rằng, các tuyên bố về hạt nhân của Kim Jong-un là đúng. 

Tôi biết nguyện vọng của ông ta chắc chắn là như vậy.

Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục kêu gọi Trung Quốc gây ảnh hưởng đáng kể về kinh tế để ngăn chặn Bình Nhưỡng các thử nghiệm vũ khí chưa từng có.

Những hành động gần đây của Bắc Kinh là đáng khích lệ và hoan nghênh, nhưng sự thật vẫn là Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính về việc Triều Tiên đang ở đâu hôm nay, hơn là bản thân Bắc Triều Tiên.

Chúng tôi muốn ông Kim Jong-un nhận thức ra vấn đề, chứ không phải tiêu diệt ông ta”. 

Cá nhân người viết cho rằng, đánh giá của tướng Harry Harris về hoạt động của Trung Quốc nhằm quân sự hóa Biển Đông là rất thẳng thắn và đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên đằng sau những phát biểu này dường như còn có một sự thật khác: Mỹ cũng chẳng làm gì ngăn được Trung Quốc, thúc đẩy các nước cùng “tuần tra” chỉ là giải pháp thí tốt, đẩy các nước nhỏ ra đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông?

Bởi các hoạt động tuần tra ấy nó chẳng làm “xây xát” mảy may các đảo nhân tạo và công trình quân sự bất hợp pháp Trung Quốc đang dựng lên sừng sững ở nơi đây.

Giàu như Mỹ cũng chỉ tuần tra được vài ngày, cho đến vài tháng là cùng. Quốc gia nào có đủ tiềm năng, thực lực để đưa tàu hiện diện thường trực trên vùng biển tranh chấp như cách làm của Trung Quốc?

Mỹ cũng chẳng làm khác được?

Cùng đưa tin về cuộc họp đặc biệt hôm qua tại Nhà Trắng, tờ Financial Express của Ấn Độ ngày 27/4 dẫn lời Tư lệnh Harry Harris phát biểu trước các Thượng nghị sĩ:

“Hơn nữa, Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng một quân đội có khả năng hiện đại vượt xa mục đích phòng thủ họ đề ra, hoặc nhu cầu sử dụng tiềm tàng trong khu vực.

Hoạt động hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đang tập trung vào mục tiêu đánh bại Mỹ ở châu Á và chống lại lợi thế bất đối xứng của Mỹ.

Chiến lược ngắn hạn của Trung Quốc đang tập trung vào việc phát triển sức mạnh chiến đấu dựa trên lợi thế địa lý.

Họ có thể hạn chế tự do hàng hải và hàng không trong khi củng cố yêu sách “chủ quyền” của mình trên các cấu trúc tranh chấp và không gian trong khu vực.

Hoạt động của Trung Quốc trên biển, trên không và trong không gian mạng đã tạo ra những lo ngại về ý đồ chiến lược thực sự của họ.

Trên Biển Đông, Trung Quốc đã xây dựng nhà chứa máy bay ở Trường Sa, có thể chứa 72 máy bay chiến đấu tương đương biên chế của 3 trung đoàn.

Có khoảng 10 nhà chứa máy bay lớn hơn được xây dựng để chứa các máy bay ném bom chiến lược, hoặc thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt.

Tất cả các nhà chứa máy bay sẽ được hoàn tất trong năm nay”.

Như vậy, những phát biểu mới nhất của Đô đốc Harry Harris về Biển Đông cho thấy Hoa Kỳ nắm rất rõ về tham vọng và thực lực của Trung Quốc trên Biển Đông.

Nhưng nếu Mỹ chỉ dừng lại ở hoạt động tuần tra tự do hàng hải như đã từng làm, thì có lẽ cũng chỉ là động tác “gãi ghẻ”, hay tệ hơn nữa là nhằm mục đích che mắt thế gian về một sự thỏa hiệp giữa Donald Trump với Tập Cận Bình trong vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Mỹ chính thức thừa nhận họ không dám liều lĩnh tấn công Triều Tiên, việc còn lại là trông chờ vào Trung Quốc gây sức ép lên Bình Nhưỡng.

Điều này phải chăng dự báo trước một kịch bản tương lai không mong muốn có thể xảy ra trên Biển Đông, đó là vùng biển chiến lược này được Mỹ mắt nhắm mắt mở thừa nhận như sân sau của Trung Quốc, giống như vai trò biển Caribe với Hoa Kỳ?

Tờ The Australian ngày 27/4 dẫn lời cựu Thủ tướng Australia Paul Keating cho biết, ông đã nhiều lần cảnh báo các Đô đốc Hải quân Mỹ rằng, tàu của họ sẽ bị bắn chìm nếu nổ ra xung đột lớn với Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo ông, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông là dấu hiệu cho thấy quốc gia này đang tiến hành cái Paul Keating gọi là “giải phóng không gian chiến lược như cách con hổ đánh dấu lãnh địa của nó”.

Vị cựu Thủ tướng này đánh giá, Trung Quốc sẽ không chấp nhận nằm trong hệ thống do Mỹ cai trị, và khó tránh được xu thế các nước châu Á sẽ phải nỗ lực tìm cách tiếp cận các vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp.

Tờ South China Morning Post hôm 24/4 cũng lưu ý đến một thực tế đáng báo động khác:

Bằng cách duy trì sự hiện diện liên tục của tàu cảnh sát biển tại cụm bãi cạn Luconia ngoài khơi bờ biển Malaysia, Bắc Kinh cho thấy họ có kế hoạch tiếp tục hiện thực hóa đường lưỡi bò.

Hoạt động này của Trung Quốc không thu hút nhiều chú ý từ giới truyền thông. Bắc Kinh chỉ tạm rút tàu khỏi Luconia vào cuối năm 2015 khi nguyên thủ hai nước gặp nhau, rồi chúng nhanh chóng quay trở lại sau đó.

Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman tháng trước nói rằng, Kuala Lumpur không thừa nhận đường lưỡi bò Trung Quốc, vốn đã bị Phán quyết Trọng tài gián tiếp bác bỏ năm ngoái.

Tuy nhiên Malaysia cũng chẳng thể làm gì hơn.

Tiến sĩ Ian Storey từ Singapore bình luận: sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở cụm bãi cạn Luconia là cách nhắc nhở Kuala Lumpur rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục hiện thực hóa đường lưỡi bò.

James Chin, một nhà nghiên cứu từ Đại học Tasmania cho rằng:

“Thực tế là sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Đông Nam Á hiện nay, không ai biết làm thế nào để đối phó.

Chỉ có Mỹ đủ sức cân bằng lực lượng với Trung Quốc, nhưng Trump cho thấy ông không sẵn sàng làm điều này”.

Và rõ ràng giờ đây Donald Trump quan tâm tới bán đảo Triều Tiên nhiều hơn là Biển Đông.

Cá nhân người viết cho rằng, nêu ra những hiện thực này là việc hết sức cần thiết và quan trọng, ngõ hầu cung cấp các thông tin cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách tìm kiếm giải pháp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, cũng như hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế trong khu vực.

Rõ ràng đây là một bài toán rất khó khi các siêu cường nhân danh “không gian, lãnh địa của một con hổ cần phải có” để sẵn sàng bẻ cong luật pháp quốc tế nhằm hiện thực hóa ý đồ, tham vọng của họ.

Ngoài việc tăng cường nội lực, củng cố phòng thủ, về chính sách đối ngoại, các bên liên quan ở Biển Đông cũng không thể không tính đến các chuyển động mới của địa chính trị khu vực, đặc biệt là quan hệ Trung – Mỹ thời Donald Trump – Tập Cận Bình.

Nói điều này có thể rất nhiều người không đồng tình, nhưng theo cá nhân người viết, rõ ràng ở châu Á – Thái Bình Dương hiện nay, chỉ có Triều Tiên là đủ sức mạnh quân sự “cân” lại các siêu cường, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Vì thế, việc Triều Tiên tìm đến ASEAN trong cuộc khủng hoảng trên bán đảo, biết đâu lại là một cơ hội để các nước nhỏ đoàn kết lại.

Mỗi quốc gia đều có quyền tự quyết dân tộc, và lựa chọn hướng đi cho mình là quyền tự quyết của quốc gia, dân tộc ấy.

Triều Tiên có thể “lạ” với phần còn lại của thế giới đang liên kết ngày càng chằng chịt, nhưng Triều Tiên là một thành viên của Liên Hợp Quốc như mọi thành viên khác. 

Các nước nhỏ cần lên tiếng ủng hộ những quyền tự quyết của dân tộc Triều Tiên được Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định;

Cũng như thừa nhận Bình Nhưỡng có lý khi lập luận rằng: không thành viên nào của Liên Hợp Quốc có quyền giữ vũ khí hạt nhân trong khi bắt nước khác phải bỏ.

Nếu không như vậy, mà hùa theo các nước lớn “dập” bằng được tiếng nói phản kháng cường quyền quốc tế từ Bình Nhưỡng, thì khi đến lượt Biển Đông được Trung – Mỹ lôi ra chia chác, chẳng còn ai bảo vệ được lợi ích chính đáng và hợp pháp của mình.

Sự công bằng, dân chủ trong mái nhà chung Liên Hợp Quốc luôn luôn là một cuộc đấu tranh chứ nó không tự nhiên trên trời rơi xuống.

Mọi sự công bằng, dân chủ có được do ban phát từ “tam cường, ngũ bá” trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chỉ là sự giả tạo để phục vụ lợi ích của mỗi nước này, hoặc lợi ích chung của các vị ngồi “mâm trên”.

Tinh thần bất khuất của Triều Tiên trước cường quyền quốc tế là điều đáng ngưỡng mộ, các nước nhỏ nên giúp Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với Mỹ trên tư thế công bằng.

Phi hạt nhân hóa không chỉ nên thực hiện trên bán đảo Triều Tiên, mà nên được loại bỏ khỏi quả Địa Cầu này – mái nhà chung của cả nhân loại.

Sẽ thật vô lý khi ai đó chỉ trích Triều Tiên theo đuổi kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân chỉ nhằm có được tư thế bình đẳng trong đàm phán hòa bình với Mỹ, trong khi bản thân họ vẫn đang giương tên lửa về phía nước khác, vẫn lập chốt thu tô giữa tuyến đường hàng hải huyết mạch trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới