Sunday, November 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiThách thức chờ đợi ông Emmanuel Macron

Thách thức chờ đợi ông Emmanuel Macron

Giành chiến thắng trong vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp và có cơ hội thắng ở vòng hai, ứng cử viên Emmanuel Macron sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức.

Ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc vận động tranh cử ở Arras (Pháp) ngày 26/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên mạng Chính trị và Chính sách châu Âu (EUROPP) chuyên gia Susan Milner đã có bài viết về những thách thức đối với ứng cử viên Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai.

Bài viết nhận định: “Mặc dù dẫn đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng một và nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trước bà Marine Le Pen theo kết quả thăm dò dư luận, tuy nhiên ông Emmanuel Macron phải đối mặt với nhiều thách thức trước cuộc bầu cử vòng 2 vào ngày 7/5 tới.

Nếu không có biến động lớn trước cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 thì có nhiều khả năng ông Emmanuel Macron sẽ trở thành Tổng thống thứ tám của Pháp. Các kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, ông Macron sẽ giành được sự ủng hộ của khoảng 62% cử tri trong cuộc bầu cử ngày 7/5.

Vận may đã mỉm cười với ông Macron trong chiến dịch tranh cử khi những người ủng hộ các đảng phái chính không có nhiều sự lựa chọn. Việc người dân Pháp bất mãn sâu sắc với chính quyền của Tổng thống François Hollande đã khiến ứng viên của Đảng Xã hội (PS) Benoît Hamon gặp khó trong việc thu hút cử tri, trong khi đó ứng viên cánh hữu François Fillon, Đảng Cộng hòa (LR), đã tự tước cơ hội của bản thân với vụ bê bối tài chính liên quan đến vợ và con.

Hơn nữa, với chương trình tranh cử quá thiên hữu ông Fillon cũng khó có thể tranh thủ thêm cử tri ngoài lực lượng ủng hộ truyền thống. Trong bối cảnh đó ông Macron đã trở thành sựa lựa chọn mặc định đối với các cử tri lo ngại về nguy cơ lực lượng cực hữu lên nắm quyền ở Pháp.

Ông Macron đã thể hiện được trình độ và kỹ năng của bản thân với chiến dịch tranh cử khá hoàn hảo. Một số chuyên gia nhận định, chiến dịch tranh của của ông Macron có sự tương đồng về đường lối và phương pháp với chiến thắng của ông Tony Blair (Anh) năm 1997 và Barack Obama (Mỹ) năm 2008.

Ông Macron đã vượt qua ranh giới truyền thống giữa cánh tả và cánh hữu, tập trung vào cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa bảo hộ và những người ủng hộ toàn cầu hóa. Điều này đã chạm đúng đến vấn đề mà đa số cử tri Pháp lo ngại sau sự kiện Brexit, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ chính sách bảo hộ kinh tế và việc nổi lên của các lực lượng cực hữu ở châu Âu.

Mặc dù vậy, con đường đến Điện Élysée và tương lai chính trị của ông Macron còn nhiều thách thức lớn. Thứ nhất, cuộc bầu cử tổng thống vòng một đã cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ cử tri Pháp. Trong khi đại diện cho những người ủng hộ quá trình toàn cầu hóa, ông Macron phải đối mặt với bộ phận còn lại phản đối quá trình toàn cầu hóa do cảm thấy bị bỏ lại phía sau bởi các tác động tiêu cực của quá trình này.

Thứ hai, việc hoạch định chính sách sẽ trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu đối với ông Macron. Ông Macron cần phải thuyết phục các cử tri đã và đang bất mãn trước những yếu kém, hạn chế của chính phủ hiện tại trong cuộc tranh luận trên truyền hình ngày 3/5.

Cử tri đang chờ đợi cách thức mà ông Macron đưa lại các thay đổi lớn trong chính sách đối nội, đối ngoại của Pháp liên quan đến vai trò lãnh đạo của nước này trong EU, việc xây dựng một quốc gia cởi mở, hội nhập toàn cầu…

Và thứ ba, ông Macron sẽ phải đối mặt với thách thức chưa từng có với việc tham gia bầu cử tổng thống mà không có bộ máy trợ giúp việc tham gia bầu cử quốc hội sẽ diễn ra sau đó không lâu. Ông Macron đã cam kết sẽ sớm đưa ra danh sách các ứng viên của phong trào “Tiến lên” tham gia cuộc đua vào quốc hội.

Trước đó, ông Macron cũng đã loại trừ khả năng mời các bộ trưởng của chính phủ tiền nhiệm và đàm phán, thỏa hiệp với các đảng phái khác trong việc thành lập chính phủ mới. Động thái của ông Macron có thể sẽ thu hút được các cử tri theo xu hướng trung tả của Đảng Xã hội nhưng khó có khả năng thu hút được các cử tri cánh hữu.

Hiện tại các chuyên gia cũng chưa thể đánh giá chính xác về tác động của “chủ nghĩa Macron” đối với cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp trong tháng 6 tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới