Giáo sư Đại học Harvard chỉ ra lý do sai lầm lớn nhất cho tới nay của Trump nắm ở cách ông xử lý các vấn đề ở châu Á.
Ngăn chặn sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc là lý do Mỹ hiện diện tích cực tại châu Á. Ảnh: FP
Giáo sư Stephen M. Walt ngành Quan hệ Quốc tế của Đại học Harvard nhận định trên tạp chí Foreign Policy rằng, sai lầm lớn nhất trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Donald Trump chính là cách tiếp cận thiếu khôn ngoan đối với châu Á.
Châu Á là nơi Trump cần hành động
Theo GS Walt, châu Âu cũng quan trọng đối với Mỹ. Nhưng hiện tại, châu lục này chủ yếu gặp phải những vấn đề nội bộ và Mỹ không thể can thiệp nhiều để giải quyết chúng.
Trung Đông, thực tế đang rất hỗn loạn. Tuy nhiên, theo GS Walt, Mỹ không cần giải quyết gì ở Trung Đông, đúng ra là không biết phải giải quyết như thế nào và Mỹ cũng không nên tốn thời gian, tiền bạc và mạng sống của các binh sỹ để giải quyết các vấn đề của khu vực này.
Có thể Trump đã bị vướng vào “lò lửa” Trung Đông ở một mức độ nào đó, đặc biệt là khi ông cố gắng cứng rắn với Iran, nhưng các sai lầm của Trump ở đây chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng gì (mong là như vậy).
Ngược lại, châu Á chính là nơi Trump cần hành động. Tầm quan trọng về kinh tế của châu lục này ngày càng gia tăng một cách vững chắc, và xu hướng đó gần như chắc chắn sẽ tiếp tục.
Quan trọng không kém, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh dài hạn và ngang hàng duy nhất có thể có đối với Mỹ.
Ông Walt cho rằng, nếu sự ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục tăng và đến một ngày “hất cẳng” Mỹ ra khỏi châu Á, thì Trung Quốc lúc đó có khả năng tự do thể hiện quyền lực trên khắp thế giới – như cách mà Mỹ hiện đang làm.
Với dân số lớn hơn dân số Mỹ rất nhiều, cộng thêm nền kinh tế khổng lồ ngày càng mở rộng, một Trung Quốc mạnh và không bị kiềm chế cuối cùng có thể sẽ lôi kéo được các đồng minh phương Tây, và vì thế kết thúc sự “thặng dư an ninh” mà Mỹ đã có được trong hơn một thế kỷ qua.
Ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á là lý do chính cho sự hiện diện tích cực của Mỹ ở khu vực này.
Mối quan hệ liên minh phức tạp ở châu Á
Để ngăn được Trung Quốc, Mỹ cần sự ủng hộ của những đồng minh tại châu Á. Chính quyền của cựu tổng thống Barack Obama đã hiện thực hóa điều này bằng sáng kiến gọi là “xoay trục”, hay “tái cân bằng”. Sáng kiến này được các đối tác châu Á rất hoan nghênh.
“Tái cân bằng” là một nỗ lực đa chiều, bao gồm từ việc triển khai quân sự tới các cam kết bằng lời với các đối tác châu Á, hay sự quyết tâm của Mỹ tại các khu vực tranh chấp như Biển Đông.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là một nỗ lực “tái cân bằng”. Walt nhận định rằng TPP không những mang lại lợi ích cho Mỹ mà còn củng cố mối quan hệ chính trị với những đối tác quan trọng ở châu Á.
Tuy nhiên, GS Walt cũng chỉ ra rằng, việc quản lý những mối quan hệ liên minh phức tạp này không hề dễ dàng, dù nhiều nước châu Á và Đông Nam Á cũng lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc và rất mong muốn có sự ủng hộ của Mỹ.
Các mối quan hệ liên minh này khó quản lý bởi khoảng cách giữa các quốc gia châu Á cũng khá lớn và họ ít trông chờ vào sự giúp đỡ của nhau.
Thêm vào đó, bản thân các đồng minh của Mỹ tại châu Á cũng có mối quan hệ kinh tế đáng kể với Trung Quốc. Các quan hệ kinh tế này mang lại lợi ích cho họ, và tất nhiên tạo thêm cho Bắc Kinh các “đòn bẩy”.
Một ví dụ là khi Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại đất nước họ, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách ra lệnh cấm đoán, hạn chế một số công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Trung Quốc và đe dọa sẽ có các biện pháp kinh tế khác.
Những đồng minh Mỹ, nổi bật nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc, lại không có mối quan hệ hòa hợp với nhau do các khúc mắc lịch sử. Những điều này làm Mỹ phải đối mặt nhiều điểm phức tạp trong xử lý các liên minh của mình.
Vì lý do này, Mỹ cần những người thông minh, tinh tường, có kiến thức và trên hết là có kỷ luật để củng cố và nuôi dưỡng những mối quan hệ đồng minh. Nhưng Trump đã làm gì?
Trump đã làm gì ở châu Á trong 100 ngày đầu tiên?
Trump khởi đầu thời kỳ nắm quyền bằng việc “xé tan” TPP – một việc làm, theo GS Walt, sẽ gây ra những hậu quả lâu dài.
Trump cũng từng thách thức chính sách “một Trung Quốc” khi gọi điện cho lãnh đạo Đài Loan khi còn là Tổng thống đắc cử, nhưng sau khi nhậm chức đã phải tái cam kết tôn trọng chính sách này.
Trump điện đàm không suôn sẻ với Thủ tướng Malcom Turnbull của Australia, một nước đồng minh lâu năm của Mỹ.
Trump nói bán đảo Triều Tiên “từng là một phần của Trung Quốc” và làm Seaoul nổi giận.
Chính quyền Trump nói đội tàu sân bay USS Carl Vinson thẳng tiến tới vùng biển bán đảo Triều Tiên giữ những căng thẳng trên bán đảo, nhưng sự thật hóa ra không hoàn toàn như vậy, làm Hàn Quốc cảm thấy “bị lừa dối”, …
Walt cho rằng có hai vấn đề lớn ở đây. Thứ nhất, việc xử lý các vấn đề ở châu Á của Trump ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức đã là cách xử lý thiếu hiểu biết và năng lực, gây ra nghi ngại đối với đồng minh.
Các đồng minh châu Á có thể không nghi ngờ mức độ cam kết của Mỹ, nhưng họ rõ ràng có lý do để ngờ vực khả năng đánh giá của những người đứng đầu chính quyền Mỹ.
Thứ hai, việc xử lý các mối quan hệ đồng minh ở châu Á là một thách thức vì những nước này vừa sợ bị bỏ rơi vừa sợ bị vướng vào các rắc rối.
Không ai ở châu Á muốn một cuộc đối đầu nghiêm trọng chứ đừng nói tới chiến tranh. Các cường quốc ở châu Á thường có xu hướng phản ứng một cách tiêu cực với những người mà họ tin rằng đang làm khu vực “tăng nhiệt”.
Cách tiếp cận vấn đề Biển Đông của Trung Quốc đã làm các quốc gia châu Á xích lại gần Mỹ, nhưng việc Mỹ phản ứng một cách cực đoan với Triều Tiên sẽ làm các đối tác e dè và bắt đầu xa cách.
Trump cần gì để giải quyết các vấn đề ở châu Á?
Mỹ phải cần có kiến thức, kỷ luật và sự nhạy bén để dung hòa ranh giới mong manh giữa hành động quá nhiều và hành động quá ít ở châu Á. Nhưng theo Walt, đội ngũ của Trump đã không thể hiện được bất cứ phẩm chất nào nêu trên trong 100 ngày đầu tiên ông Donald Trump làm Tổng thống.
Dù sao thì vẫn còn một chút tin tức tốt lành. Phó Tổng thống Mike Pence mới đây thông báo rằng Trump sẽ tham dự không chỉ một mà là ba hội nghị thượng đỉnh ở châu Á vào tháng 11 tới đây.
Đó là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), đều được tổ chức ở Philippines; và Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Việt Nam.
Học giả người Mỹ cho rằng những chuyến công du châu Á này sẽ mang tới cho Trump cơ hội thể hiện sự đánh giá cao về tầm quan trọng của châu Á, và ít nhất là Tổng thống sẽ có thêm hiểu biết về các vấn đề phức tạp liên quan.
Tất nhiên, vẫn còn điều nguy hiểm, đó là có thể Trump lúc đó vẫn chưa có một đội ngũ vững chắc để có thể soạn các bài phát biểu, đưa ra các luận điểm phát biểu, điều phối các cuộc gặp gỡ, tránh các sai lầm “kiểu Trump” hay giữ cho ông tránh xa Twitter.
GS Walt cho rằng tháng 11 sẽ là lúc công chúng có một cái nhìn khá đầy đủ về khả năng học hỏi, thích nghi của Tổng thống Trump.
“Nếu tôi là cố vấn an ninh quốc gia H.R.Mc Master, tôi sẽ bắt đầu làm ‘gia sư’ cho Tổng thống ngay từ bây giờ!” – Walt viết.