Thursday, April 25, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 04/05

Bản tin Biển Đông ngày 04/05

Bản tin Biển Đông ngày 04/05/2017.

Về việc Lầu Năm góc chưa cho phép Mỹ tiến hành tuần tra nhằm thách thức các yêu sách biển phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 3/5, trang Maritime Execute đăng bài viết “Lầu Năm góc tạm ngừng các cuộc tuần tra nhằm thách thức yêu sách biển của Trung Quốc”. Nhóm tác giả cho rằng việc Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa hề tiến hành bất cứ hoạt động tự do hàng hải nào ở gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc và Bộ Quốc phòng Mỹ đã ba lần bác bỏ đề nghị của Hải quân về việc mở rộng tuần tra ở khu vực xuất phát từ hai lý do: (i) do Hội đồng An ninh quốc gia không có cá nhân đương nhiệm cấp thứ trưởng, dẫn đến sự trì hoãn trong việc xây dựng một chính sách đối ngoại nhất quán và (ii) quan trọng hơn, có thể Chính phủ mới của Mỹ muốn tránh đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông vì Mỹ đang cần Bắc Kinh, để gia tăng thêm áp lực với Bắc Triều Tiên nhằm ngăn chặn kế hoạch thử nghiệm tên lửa đạn đạo ở Bán đảo Triều Tiên mà không phải sử dụng biện pháp vũ lực.

Trung Quốc hứa sẽ hợp tác với các nước ASEAN triển khai đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)

Ngày 3/5, Thông tấn xã Philippines đưa tin, tại buổi họp báo thường kỳ ngày 2/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác thực chất trên biển nhằm đạt Bộ Quy tắc ứng xử (COC) “dựa trên đồng thuận trong thời gian gần nhất”. Ông cho biết, nhân dịp ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập, Trung Quốc sẽ ủng hộ tinh thần đồng thuận quan trọng trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, duy trì đoàn kết trong hợp tác khu vực và thúc đẩy vai trò lớn hơn của khối trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, ông Cảnh Sảng còn đặc biệt nhấn mạnh những nỗ lực của Philippines cũng như Tổng thống Rodrigo Duterte và Trung Quốc trong thời gian qua đã đạt được “những kết quả toàn diện” trong quan hệ song phương, ca ngợi ông đã có được “lựa chọn đúng đắn dựa trên những lợi ích căn bản của hai bên và nhân dân hai nước”, thậm chí còn tán dương chuyến thăm mới đây của Tổng thống Duterte tới các tàu hải quân của Trung Quốc cập cảng Thành phố Davao, Philippines là biểu hiện của “lòng tin chính trị đang lên cao” giữa Philippines và Trung Quốc.

Sự thật về Tuyên bố gây sốc của Chủ tịch ASEAN

Ngày 4/5, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Sự thật về Tuyên bố gây sốc của Chủ tịch ASEAN” của Prashanth Parameswaran.

Với Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 được đưa ra ngày 29/4 vừa qua, thậm chí còn đi thăm tàu chiến Trung Quốc cập cảng Philippines sau khi Tuyên bố được đưa ra, ông Parameswaran cho rằng Tổng thống Duterte đã tạo ra cú sốc lớn đối với ASEAN, riêng về vấn đề Biển Đông, dù không đến mức quá bất ngờ hay kịch tính như các báo đã đưa vì kể từ khi nhận chức, ông đã nhiều lần khẳng định rằng sẽ không quá tập trung vào vấn đề Biển Đông nói chung và Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông nói riêng. Tuy nhiên, những hành động như vậy của ông Duterte vẫn sẽ để lại một số hệ quả nghiêm trọng không chỉ riêng với Philippines mà còn với các nước trong và ngoài khu vực, trong đó có Mỹ. Do những nội dung quan trọng nhất mà giới quan sát mong đợi đã không được đưa vào trong Tuyên bố Chủ tịch về “cách hành xử tiêu cực của Trung Quốc ở khu vực, bao gồm, quân sự hóa, làm leo thang căng thẳng, bồi đắp đảo” – “những hành động làm tổn hại lợi ích của Philippines”, hành động của ông Duterte đã gửi một thông điệp nguy hiểm đến Trung Quốc rằng “Bắc Kinh không phải trả giá đắt về lâu dài cho sự hiếu chiến của họ ở Biển Đông” đồng thời sẽ khiến nước này tin rằng họ có thể tạm chấp nhận trả giá trong một số trường hợp ngắn hạn và sau đó “bù lỗ” bằng cách dùng đòn “quyến rũ” những nước mà Trung Quốc đã từng “bắt nạt” trước đó. Không những vậy, lập trường của ASEAN trong vấn đề Biển Đông cũng sẽ bị ảnh hưởng đồng thời gây khó khăn cho những nước ngoài khu vực như Mỹ đóng một vai trò tích cực hơn trong vấn đề Biển Đông, cụ thể là trong việc giảm bớt khoảng cách bất cân xứng khổng lồ về tiềm lực quân sự giữa các nước ASEAN và Trung Quốc cũng như tăng cường các nguyên tắc quốc tế quan trọng.

Tuy nhiên, ông Parameswaran cho rằng không nên làm quá mọi việc vì dư luận vẫn cần phải tiếp tục lưu tâm đến nhiều bế tắc khác đang tồn tại trong vấn đề Biển Đông trước khi Tổng thống Duterte lên cầm quyền và có nhiều khả năng sẽ tiếp tục làm phức tạp tình hình trong nhiều năm tới. Với Philippines, tác giả cho rằng vẫn còn quá sớm để dựa vào Tuyên bố mà đánh giá cách tiếp cận của ông Duterte đối với Trung Quốc, trong khi hai vị Tổng thống tiền nhiệm là Gloria Macapagal Arroyo và Benigno Aquino III cũng đã có những hạn chế từ cách tiếp cận Trung Quốc hoàn toàn khác nhau. Với ASEAN, tác giả cho rằng các quốc gia ASEN đang ngày càng nhận thức được hơn bao giờ hết những thách thức ASEAN phải đối mặt trong vấn đề Biển Đông, về những thành quả đã đạt được cũng như đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp để thích nghi và quản lý những thách thức này. Tuy nhiên, những hạn chế riêng của ASEAN liên quan đến việc luân phiên vị trí Chủ tịch hay một số diễn biến mới ở khu vực và quốc tế đang nổi lên sẽ là những nguyên nhân tiếp tục gây nhiều “thăng trầm” hơn cho bức tranh Biển Đông của ASEAN. Với các quốc gia ngoài khu vực, Tuyên bố mới cần được coi là một cơ hội để các nước này đánh giá lại cách thức can dự vào vấn đề Biển Đông sao cho khả thi nhất. Liên minh ngoại giao không chính thức nhằm bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ (Mỹ, Nhật Bản, Úc) vẫn phải đối mặt với bế tắc  trong việc thực thi Phán quyết vụ kiện Trọng tài Biển Đông trong khi Trung Quốc cương quyết không chấp nhận Phán quyết này. Trong khi đó, chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chỉ đang được định hình.

Tổng thống Philippines và Chủ tịch Trung Quốc điện đàm về vấn đề Biển Đông

Ngày 4/5, Trang Rappler cho biết, theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Philippines, 4 giờ chiều ngày 3/5, Tổng thống Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc đã có cuộc điện đàm kéo dài 26 phút trao đổi về vấn đề Bán đảo Triều Tiên và Biển Đông. Trong khi đó, Tân Hoa xã cho hay ông Tập đã chủ động đề xuất “một kênh đối thoại và tham vấn” về vấn đề Biển Đông trong cuộc điện đàm. Điện Malacanang không bổ sung thêm bất cứ thông tin nào khác về cuộc điện đàm ngoại trừ trao đổi của hai nhà lãnh đạo về chuyến thăm mới nhất của Tổng thống Duterte tới các tàu chiến của Trung Quốc cập cảng Sasa, Thành phố Davao.

RELATED ARTICLES

Tin mới