Friday, December 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCựu Bộ trưởng Nhật Bản: Tokyo không loại trừ khả năng tấn...

Cựu Bộ trưởng Nhật Bản: Tokyo không loại trừ khả năng tấn công quân sự và đánh phủ đầu Triều Tiên

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nhận định, bán đảo Triều Tiên hiện đang đối mặt với cục diện căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên.

Quân đội Triều Tiên diễn tập quân sự. Ảnh: KCNA/Reuters

Mới đây, phát biểu tại một hội nghị nghiên cứu chính sách Triều Tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Washington, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nhận định, bán đảo Triều Tiên hiện đang đối mặt với cục diện căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên. 

Bởi khả năng tấn công của tên lửa Triều Tiên đang được nâng cao trong khi chính quyền Bình Nhưỡng khó có thể từ bỏ việc phát triển tên lửa.

Theo ông Nakatani, đối mặt với mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên, Nhật Bản không loại trừ bất cứ sự lựa chọn nào, bao gồm việc tiến hành tấn công quân sự và tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng.

“Tên lửa tầm xa [của Triều Tiên] tạo thành mối đe dọa thực sự đối với Nhật Bản và Mỹ, cho nên hiện nay chúng ta cần phải đặt lên mặt bàn tất cả các phương án, bao gồm việc tấn công quân sự và đánh phủ đầu”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật phát biểu.

Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) cho hay, tuyên bố “không loại trừ bất cứ sự lựa chọn nào, bao gồm phát động tấn công quân sự và đánh phủ đầu” cũng là thái độ của Tổng thống Trump với Triều Tiên.

Bản thân Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson đều khẳng định rõ ràng rằng, để ngăn chặn việc Bình Nhưỡng ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, Washington không loại trừ khả năng dùng quân sự để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Một cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khác là ông Itsunori Onodera cũng cho rằng, mối đe dọa của Triều Tiên đối với Nhật Bản ngày càng lớn, cho nên Tokyo cần chuẩn bị sẵn sàng.

“Chúng ta không biết Triều Tiên sẽ phóng tên lửa vào lúc nào, ở đâu. Họ đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ năm. Từ kinh nghiệm của các nước khác cho thấy, vụ thử hạt nhân lần thứ năm chứng tỏ vũ khí hạt nhân của họ đã sắp hoàn thành. Đây sẽ chính là mối đe dọa lớn nhất đối với Nhật Bản”, ông Onodera nói.

Trước đó vào năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành một số vụ thử hạt nhân và nhiều vụ phóng thử tên lửa. Đặc biệt theo Tokyo, như vụ phóng thử tên lửa vào sáng 6/3 của Triều Tiên thì ba quả trong bốn quả tên lửa được bắn đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản.

Theo đó, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, mối đe dọa của Triều Tiên đã bước vào “giai đoạn mới”.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Nhật Bản đang sở hữu không đủ khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công từ Bình Nhưỡng, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật cho biết thêm.

Theo Hoàn cầu, để đối phó với mối đe dọa từ Bình Nhưỡng, hôm 30/3, hai cựu Bộ trưởng trên và các thành viên thuộc đảng Dân chủ tự do (LDP) đã trình một bản kiến nghị lên Thủ tướng Abe, yêu cầu chính phủ Nhật Bản thương lượng mua hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD của Mỹ.

Đảng LDP cho rằng, đối diện với mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên, nhất thiết phải nâng cao khả năng phòng thủ tên lửa của Nhật Bản cũng như tăng cường bố trí các hệ thống phòng thủ tên lửa của lực lượng phòng vệ nước này.

Hôm 2/5, nhật báo chính thức của đảng Lao động Triều Tiên – Rodong Sinmun cũng chỉ trích Nhật Bản vì cho rằng nước này cố tình kích động cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời đe dọa hậu quả “thảm khốc nhất” nhằm vào Tokyo nếu chiến tranh nổ ra trong khu vực.

Theo báo Triều Tiên, hai ví dụ cụ thể nhất của việc Tokyo “đổ thêm dầu vào lửa” chính là cuộc tập trận chung giữa lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản với nhóm tàu tác chiến Mỹ gần đây và việc Thủ tướng Shinzo Abe bất ngờ cắt ngắn chuyến công du châu Âu so với lịch trình ban đầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới