Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang cẩn trọng xây dựng quan hệ gần gũi với các lực lượng hải quân khác đồng thời phô diễn sức mạnh quân sự của họ một cách khéo léo.
Các tàu, bao gồm tàu khu trục tên lửa dẫn đường Trường Xuân, tàu ngầm tên lửa dẫn đường Kinh Châu và tàu hậu cần Sào Hồ đã đón tiếp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khi cập cảng thành phố Davao ba ngày đầu tuần này. Đây là lần đầu tàu hải quân Trung Quốc cập cảng Philippines kể từ năm 2010.
3 tàu này cũng sẽ tới thăm khoảng 20 nước ở châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Đại Dương với sự chỉ huy của Thiếu tướng Hải quân Shen Hao, Phó chỉ huy hạm đội Đông Hải của Trung Quốc.
Phô diễn sức mạnh
Theo chuyên gia hải quân Bắc Kinh Li Jie, mục tiêu chính của đội tàu là xây dựng mối quan hệ với lực lượng hải quân các nước ở châu Á, châu Phi, châu Âu và Australia, nơi các tàu sẽ ghé thăm trong những tháng tới.
Các cảng mà đội tàu sẽ ghé thăm đều nằm ở các quốc gia quan tâm tới việc tham gia sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, trong đó có Pakistan, Malaysia, Indonesia và Philippines.
“Lịch sử cho chúng ta biết rằng chỉ khi được hậu thuẫn bởi một đội tàu hải quân hùng mạnh, các dự án kinh tế ở nước ngoài và các hoạt động thương mại mới có thể bền vững”, Li nói.
“Các cuộc thăm viếng thân thiện của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhằm mục đích nói với các nước thăm viếng rằng Sáng kiến ‘Một vành đai, một con đường’ của Trung Quốc không chỉ là một chiến dịch hòa bình mà còn được hỗ trợ bởi lực lượng hải quân hùng mạnh”, Li nhận xét trên South China Morning Post.
Zhou Chenming, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Knowfar, cho biết hải quân Trung Quốc “đã nhúng ngón chân xuống nước” khi cử đội tàu đến thử phản ứng của các nước.
“Hải quân Trung Quốc đang học cách sử dụng sức mạnh mềm để xây dựng kênh truyền thông với các lực lượng hải quân khác, mặc dù đây mới chỉ là một sự khởi đầu”, ông nói.
Tạo quan hệ, xây dựng hình ảnh
Các cuộc viếng thăm của đội tàu diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng ở Biển Đông và các nước đang quan ngại về việc xây dựng của Trung Quốc trong trong vùng biển khu vực.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chào các binh sĩ trong chuyến thăm tàu Hải quân Trung Quốc tại thành phố Davao, Philippines, ngày 1/5. Ảnh: Reuters. |
Trong chuyến thăm đội tàu Trung Quốc, Tổng thống Philippines Duterte nói với báo chí rằng ông hoan nghênh ý tưởng tiến hành các cuộc tập trận chung với Trung Quốc trong những vùng cướp biển hoạt động gần bờ biển đảo Mindanao.
Tổng thống Philippines cũng yêu cầu Bắc Kinh gửi tàu tuần tra để giúp chống lại các phần tử liên quan tới Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoạt động ở biển Sulu, tây nam Philippines, kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm ngoái.
Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc tiếp cận hơn 60 quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Âu. Trong đó, đại đa số là các nước đang phát triển như Philippines và Pakistan, những nơi đang cần tiền và viện trợ từ Trung Quốc. Bắc Kinh dự kiến thương mại hàng năm với các nước này sẽ tăng từ 1.000 tỷ USD vào năm 2015 lên 2,5 nghìn tỷ USD trong vòng một thập kỷ.
Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” với một vành đai tơ lụa trên bộ (đường màu xanh) và một con đường tơ lụa trên biển (đường màu đỏ) nhằm kết nối kinh tế và hàng hải Trung Quốc với các nước châu Á, châu Phi và châu Âu. Đồ họa: AFP |
Các tàu của Hải quân Trung Quốc bắt đầu cuộc hành trình vào ngày 24/4, một ngày sau lễ kỷ niệm 68 năm thành lập lực lượng hải quân. Đây được cho là chuyến đi vòng quanh thế giới dài nhất.
Trả lời hãng thông tấn nhà nước Xinhua, Đô đốc Miao Hua, chính ủy Hải quân PLA, cho rằng các chuyến thăm sẽ truyền đạt tình hữu nghị, tăng cường trao đổi và hợp tác quân sự, đồng thời thể hiện hình ảnh tốt đẹp của hải quân Trung Quốc.
Chuyên gia hàng hải Ni Lexiong nhận định Trung Quốc muốn cho thế giới biết rằng nước này có cả khả năng kinh tế lẫn quân sự để thúc đẩy sáng kiến thương mại toàn cầu của mình.
“Trung Quốc cần phải cho thế giới biết bây giờ họ đủ mạnh để thực hiện sáng kiến ‘Một vành đai, một con đường’ của mình nhưng cũng không thể quá phô trương lực lượng để dọa nạt các nước nhỏ. Phương thức thích hợp là sử dụng sức mạnh mềm. Đó là vai trò mà đội tàu hải quân PLA đang thực hiện”, Ni nói.