Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaÝ kiến chuyên gia: TQ vi phạm luật pháp quốc tế, đe...

Ý kiến chuyên gia: TQ vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định trên Biển Đông

Từ đầu tháng 3 đến nay, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động phi pháp trên Biển Đông nhằm củng cố yêu sách “chủ quyền” trên biển. Hành động này của Trung Quốc không chỉ vấp phải sự lên án mạnh mẽ của các nước trên thế giới, mà còn bị giới chuyên gia, học giả chỉ trích thậm tệ.

Theo giới học giả, hành động của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp của Trung tâm chính sách châu Á – Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn RAND (Research And Development), cho rằng dư luận trong thời gian gần đây nhìn chung đều nhận định Trung Quốc đã có nhiều hành động “bắt nạt” các nước láng giềng liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia. Theo ông Grossman, các hành động của Trung Quốc có thể làm gia tăng bất ổn an ninh trong khu vực, thậm chí có thể khiến căng thẳng leo thang.

Tiến sĩ James Rogers, Giám đốc Chương trình “Global Britain” thuộc Viện Henry & Jackson (London, Anh), nhấn mạnh việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là “đường 9 đoạn” là phi lý và vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là khi Trung Quốc cũng là một bên phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam mới đây tại khu vực quần đảo Hoàng Sa là rất nguy hiểm và “không thể chấp nhận được”. Ông James Rogers khẳng định những tuyên bố chủ quyền phi pháp và hành động quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông đang hủy hoại luật pháp quốc tế, gây mất ổn định an ninh khu vực. Các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế và các nước có vai trò lớn trong việc bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp cần lên án những hành động như vậy.

Chuyên gia Bill Hayton, Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) nhận định, đây là những “bước phát triển” hết sức nguy hiểm của Trung Quốc đối với an ninh khu vực; cho rằng, Trung Quốc đang đảo ngược luật pháp quốc tế có chủ đích, khi nước này ngang ngược tuyên bố cái mà Bắc Kinh gọi là “tên tiêu chuẩn” các đảo và bãi đá, thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông, khẳng định không có quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền với các thực thể chìm dưới biển trừ khi chúng nằm trong phạm vi vùng 12 hải lý. Theo ông Bill Hayton, Trung Quốc đã thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS1982) vốn quy định rõ ràng về những gì mà các quốc gia có thể và không thể tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, dường như Trung Quốc đang chống lại UNCLOS khi tuyên bố chủ quyền ở những nơi xa xôi như vậy. Chuyên gia Bill Hayton cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hành động phi pháp và khiêu khích ở Biển Đông trong thời gian tới. Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện các toan tính trên Biển Đông để thực hiện dã tâm kiểm soát vùng biển này.

Tiến sĩ Bonnie S. Glaser tới từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) tại Washington cho rằng, động thái mới đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang muốn leo thang các yêu sách chủ quyền bất hợp pháp cũng như củng cố khả năng kiểm soát các hoạt động trong “đường 9 đoạn”.

Ông Hiebert, cố vấn cấp cao của chương trình Đông Nam Á tại CSIS nhấn mạnh hành động của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi suy nghĩ của nhiều bên – những bên đã phủ nhận tính hợp pháp của những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh (ở Biển Đông. Theo ông Hiebert, việc Trung Quốc ngang ngược công bố thành lập cái gọi là “quận đảo” Tây Sa và Nam Sa, cũng như tự ý đưa ra cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông sẽ khiến các nước nghi ngờ thêm tham vọng từ lâu của Bắc Kinh. Đồng thời, ông cho rằng những động thái lần này của Trung Quốc đã nằm trong kế hoạch đã chuẩn bị từ trước và nay họ chỉ tiếp tục thúc đẩy hành động khi hầu hết chính phủ các nước đang vướng bận các khó khăn khác. Việt Nam, với vai trò là chủ tịch ASEAN năm nay, có thể nỗ lực nêu lên các động thái của Trung Quốc trong ASEAN.

Cùng quan điểm trên, các chuyên gia Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định những động thái của Trung Quốc sẽ làm cho tình hình khu vực thêm căng thẳng, bất ổn và gây trở ngại cho việc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa nước này với ASEAN. Và theo họ, cộng đồng thế giới cần lên án mạnh mẽ các hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang cho rằng Bắc Kinh đang tiếp tục làm tổn hại lòng tin với các nước ASEAN và thu hút thêm sự chú ý của quốc tế đối với tranh chấp ở Biển Đông, điều mà Trung Quốc luôn tránh để xảy ra.

Nhà báo cao cấp Veeramalla Anjaiah ở Jakarta cho rằng, trong bối cảnh cả thế giới đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19, Trung Quốc muốn lợi dụng tình hình để tiếp tục các “hành động gây hấn” tại Biển Đông; cáo buộc Trung Quốc đã nhắm mắt trước nỗi thống khổ của nhân loại do dịch bệnh Covid-19 gây ra để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền phi pháp tại Biển Đông; nhấn mạnh Trung Quốc – một trong những quốc gia ký kết và phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) – đang vi phạm trắng trợn luật hàng hải quốc tế khi tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông dựa trên “đường 9 đoạn” gây tranh cãi và “không có giá trị pháp lý” theo UNCLOS. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại La Haye đã nhất trí ra phán quyết bác bỏ thẳng thừng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã có những hành vi “cưỡng ép” và “bắt nạt” đối với các nước Đông Nam Á láng giềng. Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm giữ nhiều đảo nhỏ và bãi san hô tại Biển Đông, xây dựng thành các đảo nhân tạo và cho quân đội chiếm giữ bất hợp pháp các địa điểm này. Bắc Kinh cũng đánh bắt cá bất hợp pháp và đâm chìm một số tàu cá của các quốc gia khác. Nhà báo Veeramalla Anjaiah khẳng định đây là hành động này “vô nhân đạo” và “không thể chấp nhận được”; nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế cần lên án các “hoạt động phi pháp” và “hành vi bắt nạt” của Trung Quốc tại Biển Đông. Mặt khác, cộng đồng quốc tế cần trợ giúp các nước thành viên ASEAN tổ chức tuần tra chung tại Biển Đông cũng như hiện đại hóa lực lượng hải quân. Ngoài ra, ASEAN cần có quan điểm chung và yêu cầu đẩy nhanh các cuộc đàm phán về COC. Văn bản này phải mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, có hiệu lực và dựa trên UNCLOS. Nếu tình hình xấu đi, ASEAN cần tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế về Biển Đông.

Cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines – ông Antonio Carpio đề xuất Philippines nên phối hợp với Malaysia và có thể thêm nhiều nước khác tổ chức tuần tra chung trên biển Đông để ngăn chặn các hành động gây hấn của Trung Quốc. Ông Carpio cho rằng hành động như vậy sẽ gửi đi “một thông điệp rằng Trung Quốc không thể loại bỏ từng nước một” ra khỏi khu vực để độc chiếm Biển Đông. Trong khi đó, chuyên gia Richard Heydarian, cựu cố vấn của chính phủ Philippines cho rằng, một mặt Trung Quốc đang thực hiện chính sách ngoại giao cung cấp trang thiết bị y tế cho những quốc gia khác. Mặt khác, họ tăng cường hoạt động trên Biển Đông. Theo ông Heydarian, có thể xem 2 động thái nêu trên là một phần trong ý đồ của Trung Quốc về việc tận dụng thời cơ chiến lược giữa lúc các nước trong khu vực gồng mình chống đại dịch Covid-19, cũng như giữa lúc Hải quân Mỹ buộc phải tạm hoãn nhiều chiến dịch ở nước ngoài.

Đáng chú ý, có một số học giả quốc tế bị Trung Quốc mua chuộc, thao túng đã đưa ra những nhận định phiến diện, bao biện cho hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong đó, Giáo sư Mark J. Valencia – một trong những tên đầu sỏ đưa ra các tuyên bố vô lý, bao biện cho Trung Quốc. Báo South China Morning Post (27/4) có bài viết của Mark J. Valencia có nhan đề: “Giữa lúc thế giới tập trung chống dịch COVID-19, phải chăng Trung Quốc đang khai thác sự mất tập trung ở biển Đông? Suy nghĩ này chỉ dành cho những ai tin vào sự tuyên truyền của Mỹ”. Cũng như những lần trước, bài viết là tiếng nói hiếm hoi bao biện cho những hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong bài viết của mình, ông Valencia tập trung thuyết phục người đọc tin rằng: Dù Trung Quốc không ngừng các hoạt động tại biển Đông nhưng các nước có yêu sách chủ quyền khác, kể cả nước không có yêu sách như Mỹ, cũng có những hành động đầy tính “khiêu khích” đối với Trung Quốc. Bên cạnh đó, dù không nói trực tiếp nhưng bài viết Valencia ám chỉ, bênh vực các hoạt động gần đây do chính quyền Trung Quốc thực hiện, điển hình như: Đưa các trạm nghiên cứu khoa học vào hoạt động, lập hai quận đảo trực thuộc “thành phố Tam Sa”, cập nhật “danh xưng tiêu chuẩn” (tên chính thức) của khoảng 80 thực thể trên biển, đâm tàu cá Việt Nam hay chĩa súng radar vào tàu hải quân Philippines…

Theo giới phân tích, sự ngụy biện của Valencia là rất rõ ràng. Thứ nhất, Valencia cố tình lờ đi một sự thật, vốn đã được Tòa Trọng tài 2016 kết luận: Không có cơ sở pháp lý dành cho cái gọi là “quyền lịch sử” và yêu sách đường lưỡi bò. Vì vậy, dựa vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và luật pháp quốc gia của các nước liên quan, tất cả hành vi trên của TQ đều phạm pháp. Thứ hai, Valencia dùng phép ngụy biện “đánh đồng”. Vị học giả này lập luận: Trung Quốc bị chỉ trích “vẫn tiếp tục hoạt động ở Biển Đông”, trong khi các nước khác, bao gồm các quốc gia ở biển Đông và cả Mỹ cũng như vậy. Trong khi đó, Valencia “cố tình quên” so sánh bản chất các động thái của Trung Quốc và các nước. Theo đó, một bên là các nước ASEAN và Mỹ, vốn thực hiện các quyền lợi chính đáng (đánh bắt hải sản, tuần tra tự do hàng hải, tập trận) theo luật pháp quốc tế. Trái lại, Trung Quốc thực hiện các hành động mang tính bắt nạt, đe dọa, dùng vũ lực, thể chế hóa phi pháp các thực thể biển Đông, vi phạm các cam kết của UNCLOS và luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đã ký. Ngoài chuyện “đánh đồng” hành vi sai trái của Trung Quốc với hành xử đúng pháp luật của các nước khác. Bên cạnh đó, Mark J. Valencia còn bóp méo sự thật về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, Valencia đã cố tình lờ đi các chứng cứ về vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam được đăng tải rộng rãi trên các website uy tín của quốc tế. Mark J. Valencia cũng đã đổ lỗi cho Mỹ liên quan cách hành xử vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, khi ngang ngược cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ thúc giục Trung Quốc “tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực quốc tế để chống đại dịch, đồng thời chấm dứt việc lợi dụng sự mất tập trung của các nước. Tuy nhiên, lời kêu gọi đó là đạo đức giả. Trong cái nhìn từ phía Bắc Kinh, quân đội Mỹ luôn giám sát, do thám và đe dọa Trung Quốc ngoài vũ trụ, phòng không lẫn trên biển”.

Trước hành động phi pháp của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (19/4) nêu rõ: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.

RELATED ARTICLES

Tin mới