Bị đắp chiếu trong nhiều năm qua dù từng được kỳ vọng sẽ trở thành dự án thúc đẩy và tăng cường sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, cây cầu nối giữa Đan Đông và Sinuiju giờ đây lại chính là minh chứng cho mối quan hệ có phần nguội lạnh giữa hai quốc gia vốn là những người đồng minh thân cận.
Từ Đan Đông, người ta chỉ cần bơi thuyền một quãng ngắn cỡ chừng 400m trên dòng Yalu để có thể sang bờ bên kia biên giới, nơi những người lính Triều Tiên đứng gác trong tháp canh màu ngọc.
“Có những người lính Bắc Hàn thậm chí còn trốn trong cỏ. Họ sẽ bắt giữ nếu bạn tới quá gần”, một người dân địa phương ở Đan Đông nói.
Đan Đông thoạt nhìn không khác là bao so với các thành phố hạng hai khác của Trung Quốc với những tòa nhà chung cư 30 tầng, đường phố rợp bóng cây với những chiếc BMW và Range Rover lên lỏi trên phố.
Nhưng khung cảnh khang trang này lại đối lập hoàn toàn so với những gì đang diễn ra ở phía bên kia dòng Yalu với những tòa nhà hai tầng đổ nát và và chìm trong bóng tối mỗi khi đêm xuống ở thành phố 250.000 dân Sinuiju của Triều Tiên.
Theo ước tính, khoảng 75% kim ngạch song phương giữa hai nước buộc phải đi qua thành phố Đan Đông của Trung Quốc và hiện tại có tới 20.000 nhân công của Triều Tiên đang làm việc tại thành phố này. Nhưng cây cầu cũ được xây dựng vào năm 1943 lại không thể kham nổi dòng chảy hàng hóa lớn như vậy.
Trong khi nếu cây cầu mới được xây dựng, quãng đường, thời gian và chi phí vận chuyện hàng hóa giữa các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc tới các bến cảng Triều Tiên sẽ giảm xuống đáng kể.
Vì vậy, với việc rót gần 350 triệu USD để xây dựng một cây cầu mới, Trung Quốc kỳ vọng có thể kết nối dòng đầu tư đáng kể tới các khu vực thương mại tự do mà cả hai nước cùng quản lý.
Theo lý thuyết, niềm hy vọng dài 3km này lẽ ra đã phải hoàn thành từ cách đây hơn 2 năm. Những sau rất nhiều lần trì hoãn, tất cả những gì mà người dân Đan Đông và Sinuiju có thể nhìn thấy chỉ là một đoạn đường đất bụi bặm ở đầu cầu bên phía Triều Tiên với những cánh đồng rộng lớn bao quanh.
Đó có thể là một minh chứng cho thấy mối quan hệ đã có phần nguội lạnh giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng trong những năm trở lại đây.
Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh xử tử chú ruột của mình Jang Song-thaek, một trong những nhân vật đứng đằng sau những dự án hợp tác kinh tế với Đan Đông trong đó có cây cầu này.
Rõ ràng việc cây cầu vẫn đang dở dang dù muốn dù không vẫn là một đòn đánh nặng nề vào nền kinh tế của hai nước.
Bên cạnh việc xây dựng cây cầu bắc qua dòng Áp Lục, Bắc Kinh cũng bỏ ra ít nhất 3 tỷ USD để xây dựng một khu vực được gọi là Quận Mới với những căn hộ khang trang, những trung tâm thương mại xa xỉ ở khu vực gần bờ sông Yalu.
Nhưng giờ đây, những khu mua sắm đắt đỏ gần như chẳng thấy một bóng người, còn những căn hộ hai phòng ngủ trước đây từng được kỳ vọng sẽ trở thành cơn sốt bất động sản thì hiện tại đang khát người mua đến cùng cực dù treo giá chỉ bằng một nửa so với khu trung tâm Đan Đông.
Trong khi đó, cuộc sống của hàng vạn lao động của Triều Tiên đang làm việc trong các nhà máy may, cơ sở chế biến, các cửa hàng lớn nhỏ ở Đan Đông giờ đây lại càng trở nên ngặt nghèo, đặc biệt là sau các vụ đào tẩu. Điện thoại di động bị cấm hoàn toàn, các nữ tiếp viên chỉ có thể rời khỏi nhà hàng trong điều kiện phải có hai đồng nghiệp đi kèm.