Cơ hội cho hòa bình, hòa giải và phát triển trên bán đảo Triều Tiên vẫn luôn luôn có. Cơ hội ấy có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc rất lớn vào..các ông lớn
Bài báo “lạ” của Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ
Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải ngày 8/5 có bài viết đăng trên tờ Nước Mỹ ngày nay (USA Today) với tiêu đề: “Trung Quốc đã làm hết sức trong vấn đề Bắc Triều Tiên”. [1]
Ông Khải viết: “Trung Quốc lo ngại sâu sắc về tình trạng căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, trong đó đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của chúng tôi.
Trung Quốc có hơn 750 km biên giới chung với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Địa điểm Triều Tiên thử hạt nhân chỉ cách các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc vài chục km.
Bất kỳ tai nạn nào, dù là tai nạn hạt nhân hay tai nạn quân sự, cũng đều có hậu quả thảm khốc đối với tất cả chúng tôi.
Trung Quốc đã làm hết sức mình trong nhiều năm qua để giúp ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Chúng tôi đã bỏ phiếu ủng hộ tất cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xử phạt Triều Tiên vì các vụ thử hạt nhân, đồng thời thực hiện một cách trung thực nghị quyết.
Gần đây nhất, chúng tôi dừng nhập khẩu than từ Triều Tiên cho đến hết năm nay. Và chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường thực thi pháp luật dọc theo biên giới của chúng tôi với Triều Tiên.
Áp lực kinh tế và quân sự với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đang tiếp tục gia tăng.
Tuy nhiên gây áp lực bao nhiêu mới đủ mà không gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trên bán đảo, hoặc dồn Bình Nhưỡng vào bước đường cùng?
Một Iraq, một Libya hay Syria ở Đông Bắc Á sẽ là cơn ác mộng đối với tất cả các bên. Chỉ trừng phạt sẽ không đi đến đâu. Gây áp lực phải đi đôi với các cuộc đàm phán trực tiếp (giữa Mỹ) với Triều Tiên.
Tuy nhiên, Trung Quốc không giữ chìa khóa trong vấn đề này.
Trong khi đó Mỹ lo ngại về tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng thì biện minh rằng, họ cần có nó để chống lại sự đe dọa của Mỹ đối với sự tồn vong của mình.
Nghi ngờ giữa hai bên đã thâm căn cố đế.
Cả hai bên Mỹ – Triều đều đang rơi vào vòng xoáy tiến thoái lưỡng nan, giống như câu hỏi không đáp án: con gà có trước, hay quả trứng có trước?
Để phá vỡ bế tắc này, Trung Quốc đã đề xuất rằng, Triều Tiên nên dừng các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa của mình, trong khi đó Mỹ cũng phải ngừng lại các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.
Mỹ – Triều cần nói chuyện trực tiếp với nhau, theo yêu cầu của Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Điều này không phải là một phần thưởng cho bất kỳ ai, cũng không phải vấn đề sẽ được giải quyết chỉ sau một đêm, nhưng đây sẽ là một bước tiến tốt hướng tới việc xây dựng lòng tin và xoa dịu cuộc khủng hoảng.
Trong đó nếu mọi việc được quản lý tốt, có thể sẽ mang lại những tiến bộ đồng thời trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo lẫn việc đạt được một cơ chế hòa bình trên bán đảo.
Mục tiêu của Trung Quốc là rõ ràng và nhất quán: bán đảo Triều Tiên không vũ khí hạt nhân, hòa bình và ổn định với cách đạt được những mục tiêu này bằng các biện pháp hòa bình.
Những mục tiêu này phục vụ cho lợi ích của tất cả các bên, trong đó có Hoa Kỳ.”. [1]
Đại sứ làm lộ “động tác giả” của Bắc Kinh với người Mỹ
Cá nhân người viết cho rằng, bài báo này của Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải là một lời “trần tình” sau khi giới nghiên cứu Mỹ bộc lộ, Trump có thể sẽ xem lại vấn đề kinh tế nếu Bắc Kinh không gây sức ép đủ mạnh lên Bình Nhưỡng. [2]
Đồng thời động thái này cũng cho thấy sự ủng hộ của Bắc Kinh với các cuộc đàm phán trực tiếp, tiếp xúc song phương diễn ra bí mật trong 2 ngày, giữa Mỹ và Triều Tiên ở Na Uy từ hôm 8/5.
Phát biểu của ông Thôi Thiên Khải cũng như giải thích của ông Tập Cận Bình với ông Donald Trump khi gặp nhau ở Mar-a-Lago chỉ là cách Bắc Kinh từ chối khéo yêu cầu của Washington.
Trung Quốc không thể ép Triều Tiên vào đường cùng như mong muốn của Mỹ.
Bởi Bình Nhưỡng chấp thuận áp đặt của Washington về phi hạt nhân hóa bán đảo trước, đàm phán sau đi ngược lại lợi ích an ninh của Trung Quốc.
Đó là lý do tại sao, cho dù tuyên bố tạm dừng nhập khẩu than của Triều Tiên đến hết năm 2017 để làm vui lòng tân chủ nhân Nhà Trắng, làm quà cho Donald Trump khi ông Tập Cận Bình thăm Mỹ, nhưng thương mại song phương Trung – Triều quý 1/2017 vẫn tăng 37,4% so với cùng kỳ 2016.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên tăng 54,5%, trong khi nhập khẩu từ Triều Tiên tăng 18,4%, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc được công bố hôm 12/4. [3]
Hơn nữa, việc Trung Quốc bắt chẹt các doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn tại nước này vì Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD chứng tỏ:
Bắc Kinh quan tâm đến việc hạn chế khả năng quân sự của Mỹ ở châu Á, hơn là giảm rủi ro từ các hành động của Bình Nhưỡng, theo phân tích của Hạ nghị sĩ Mike Gallagher trên CNN ngày 9/5. [4]
Hạ nghị sĩ Mike Gallagher, ảnh: trang tài khoản Twitter của cá nhân ông Gallagher. |
Hôm qua 9/5, khi Hàn Quốc vừa bầu ra Tổng thống mới, Trung Quốc đã bắn thử một tên lửa đạn đạo ra vịnh Bột Hải, gần bán đảo Triều Tiên.
Động thái trên được cho là nhằm kiểm tra khả năng “sẵn sàng chiến đấu” của các lực lượng vũ trang trong các tình huống an ninh quốc gia bị đe dọa, Lầu Bát Nhất hôm qua cho biết. [5]
Như vậy có thể thấy rằng, những gì Trung Quốc làm thời gian qua chỉ là “động tác giả” nhằm lấy lòng Donald Trump, và sẽ không có chuyện Trung Quốc ép Triều Tiên theo mong muốn của Mỹ.
Đồng thời, “động tác giả” ấy còn đổi được sự nhắm mắt làm ngơ của Mỹ, ít nhất là trong ngắn hạn, với các hoạt động của Trung Quốc quân sự hóa, từng bước kiểm soát bất hợp pháp Biển Đông, cũng như hạ nhiệt các tranh chấp thương mại.
Vấn đề Mỹ – Triều thì Washington và Bình Nhưỡng tự giải quyết với nhau, Bắc Kinh chẳng dại dây vào.
Chỉ khi nào lợi ích của Trung Quốc bị ảnh hưởng, Trung Quốc mới can thiệp.
Nó không ảnh hưởng đến bản chất “đồng minh hiệp ước”, hay nói đúng hơn là toan tính chiến lược của Bắc Kinh trong quan hệ với Bình Nhưỡng.
Trong cuộc họp báo chiều qua 9/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã xác nhận rằng:
Triều Tiên sẽ cử đoàn đại biểu sang Trung Quốc dự hội nghị quốc tế về “Một vành đai, một con đường”, sáng kiến của ông Tập Cận Bình. [6]
Cuộc họp kín ở Na Uy với toan tính 3 bên
The Japan Times ngày 9/5 dẫn nguồn tin hãng thông tấn Kyodo News, Nhật Bản cho biết:
Bà Choe Son-hui, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ – Bộ Ngoại giao Triều Tiên (trưởng nữ của Thủ tướng Choe Yong-rim) đã tiếp xúc với các cựu quan chức Mỹ tại Na Uy hôm 8/5.
Bà Choe Son-hui, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ – Bộ Ngoại giao Triều Tiên, ảnh: Yonhap. |
Nhà Trắng đã nói với Trung Nam Hải rằng, Tổng thống Donald Trump sẵn sàng chào đón Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un đến Hoa Kỳ, nếu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Ý tưởng này được đưa ra trong một tập hợp các đề xuất của Mỹ khi thảo luận với các quan chức Trung Quốc gần đây, về cách tốt nhất đối phó với vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Chính quyền Mỹ đưa ra 4 cam kết với Triều Tiên:
Không lật đổ chính quyền Tiều Tiên, không tìm cách “thay máu” chính quyền Triều Tiên, không tăng tốc thúc đẩy thống nhất bán đảo Triều Tiên, và không kiếm cớ vượt vĩ tuyến 38 ngăn hai miền bán đảo.
Ngược lại, Hoa Kỳ còn đảm bảo an ninh cho chế độ ông Kim Jong-un, chỉ cần Bình Nhưỡng “giã từ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo”.
Bắc Kinh được cho là đã chuyển thông điệp này của Mỹ đến Bình Nhưỡng.
Về phần mình, Triều Tiên kêu gọi Hoa Kỳ rút lực lượng vũ trang của mình khỏi Hàn Quốc, ký kết hiệp định hòa bình vĩnh viễn thay thế cho hiệp định đình chiến.
Còn về phía Trung Quốc, với tính toán khả năng Bình Nhưỡng chấp nhận đề nghị của Mỹ rất thấp, Bắc Kinh đã trình bày đề xuất của riêng mình:
Trung Quốc cung cấp viện trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên để đổi lấy việc Bình Nhưỡng “giã từ vũ khí”, Triều Tiên và Hoa Kỳ tiến tới ký hiệp ước hòa bình. [7]
Bình Nhưỡng quyết tâm làm chủ vận mệnh, làm sao phá vỡ vòng luẩn quẩn “con gà – quả trứng”?
Những diễn biến mới nhất liên quan đến bán đảo Triều Tiên cho thấy cuộc khủng hoảng đang hạ nhiệt.
Các toan tính gây sức ép của hai siêu cường Trung – Mỹ lên Bình Nhưỡng thất bại bởi Triều Tiên đã đánh giá đúng tình hình thông qua 2 lần bắn tên lửa “xịt”.
Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn có toan tính riêng khi tìm cách bắt tay, thỏa hiệp với Washington thông qua các “động tác giả”.
Chính sự đánh giá ấy đã giúp Bình Nhưỡng thoát khỏi kết cục của Iraq, Libya hay Syria hiện nay, ít nhất là trong trung hạn bởi sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ.
Đồng thời Triều Tiên cũng không để Trung Quốc giật dây, cho dù phụ thuộc rất lớn vào nước láng giềng này về kinh tế, thương mại.
Việc bà Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ, Bộ Ngoại giao Triều Tiên tiếp xúc với các nhà đàm phán Mỹ ở Na Uy hôm 8 và 9/5 cho thấy, Bình Nhưỡng thực sự mong muốn bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng trên tư thế bình đẳng và chủ động.
Vấn đề, hay nói đúng hơn là rào cản lớn nhất hiện nay nằm ở lòng tin chiến lược từ hai phía còn thiếu hụt.
Trong khi cả hai bên lại thừa mứa những nghi ngờ và thù địch đã tích lũy mấy chục năm qua do cách ứng xử, cách tuyên truyền của mỗi bên về nhau.
Cả xã hội Triều Tiên vẫn coi Mỹ là kẻ thù số một, không đội trời chung. Có thể thấy rõ điều này khi đọc các bài xã luận của KCNA ngày 6/5 vừa qua. [8]
Cũng có thể thấy rất rõ sự hoài nghi và ngờ vực về khả năng đối thoại Mỹ – Triều, cũng như tư duy áp đặt hệ giá trị Mỹ cho các nước khác từ chính các Thượng nghị sĩ có ảnh hưởng lớn trên chính trường Hoa Kỳ như John McCain [9], Ben Cardin [10] hay Hạ nghị sĩ Mike Gallagher [4].
Nhưng rõ ràng đang có những tư duy chiến lược mới về quan hệ đối ngoại, chính sách đối ngoại của nước Mỹ dưới thời Donald Trump qua phát biểu của chính ông và cộng sự, Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Về phía nhà lãnh đạo Kim Jong-un, mặc dù không nói công khai như người Mỹ, nhưng việc ông luôn duy trì kênh liên lạc, đối thoại trực tiếp với Mỹ trong những lúc bán đảo căng thẳng nhất cũng cho thấy, hòa bình và phát triển vẫn luôn là mục tiêu ông mong muốn.
Chỉ có điều, cách theo đuổi của mỗi bên đến mục tiêu này còn khác nhau, và thiếu hụt một lòng tin chiến lược.
Sau cuộc khủng hoảng vừa qua trên bán đảo, nên chăng hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều hãy vượt qua chính mình, mạnh dạn đập bỏ các “xiềng xích tư duy”, giải phóng chính mình khỏi vòng tròn vô định “con gà hay quả trứng có trước”, thì rất có thể cuộc khủng hoảng Triều Tiên sẽ được hóa giải triệt để.
Cơ hội cho hòa bình, hòa giải và phát triển trên bán đảo Triều Tiên vẫn luôn luôn có. Cơ hội ấy có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc rất lớn vào quyết định và lựa chọn của lãnh đạo hai nước.
Trung Quốc đã công khai bày tỏ mong muốn Mỹ – Triều bình thường hóa quan hệ qua bài viết của ông Thôi Thiên Khải, hai bên cũng đã tiếp xúc trực tiếp với nhau;
Tân Tổng thống Hàn Quốc có xu hướng đối thoại và hòa giải thay vì đối đầu với miền Bắc là những điều kiện cần cho tương lai bán đảo. Việc còn lại là chờ xem ông Kim Jong-un, ông Donald Trump có thể gặp nhau nói chuyện hay không.
Về lý thuyết, Richard Nixon từng bắt tay được với Mao Trạch Đông năm 1972, thì không có lý do gì Donald Trump không làm được điều tương tự với Kim Jong-un.
Nếu điều đó xảy ra, thì cái khác ở đây là Triều Tiên đã chiến đấu thành công cho một cuộc đàm phán, hòa giải, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ trong tư thế công bằng, bình đẳng giữa các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, góp phần thực hiện Hiến chương của tổ chức này từ năm 1945.