Thép đóng tàu khác với thép xây dựng, chất lượng thép của Trung Quốc vẫn không được đánh giá cao như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định bị han gỉ, hỏng hóc.
Rất nhiều chuyện mập mờ
Trước việc, 17 chiếc tàu vỏ thép mà ngư dân Bình Định, đặt đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (tỉnh Nam Định) và Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng) bị hư hỏng nặng khi các bộ phận bằng thép bị gỉ sét, ông Võ Thiên Lăng – Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nói thẳng đây là việc không bất ngờ, khi được làm bằng thép Trung Quốc thay vì Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trao đổi cụ thể với Đất Việt, ông Lăng cho rằng, việc thay đổi thép rất ảnh hưởng, có 2 dòng thép, thép dành cho xây dựng và thép dành cho đóng tàu. Tiêu chuẩn thép đóng tàu là cần có đủ hàm lượng các chất cần thiết để tránh ăn mòn kim loại, loại bỏ hiện tượng gỉ sét, nếu không chỉ 1 năm là han gỉ, vì mỗi loại thép đóng tàu đều có tiêu chuẩn rất cơ bản,.
Còn nếu dùng thép xây dựng, không chịu được sóng mạnh là hư hỏng, không chịu được độ mặn của nước biển là han gỉ.
Trong hợp đồng thỏa thuận phải đóng bằng thép Hàn Quốc, thì phải đưa dòng thép này vào con tàu, hàm lượng của thép đóng tàu Hàn Quốc tốt hơn thép xây dựng của Trung Quốc, kể cả thép đóng tàu Trung Quốc cũng không tốt bằng.
Tôi phản đối giải thích dòng thép Trung Quốc, nói thép Trung Quốc có chất lượng tương tự Hàn Quốc, Nhật Bản đó là biện hộ, theo tôi cứ đưa sự việc trên ra tòa. Sau đó, chỉ cần mang các con tàu đi kiểm nghiệm là biết ngay thép này không phải thép đóng tàu hay không?”.
Bên cạnh đó, theo ông Lăng, nguyên liệu của đóng tàu mà công ty dùng thép Trung Quốc là không đúng theo yêu cầu của nhà thiết kế, mẫu thiết kế, như vậy là ăn gian. Theo quy định trong Nghị định 67 là máy móc mới chính hãng, ở đây toàn máy dùng một thời gian đã hỏng hóc, liệu có phải máy mới?.
Hơn nữa, Nghị định 67 nêu rõ hỗ trợ 100% thiết kế mẫu tàu cho ngư dân, nhưng Công ty Đại Nguyên Dương thu 130 triệu đồng thiết kế/tàu, còn Công ty Nam Triệu thu 240 triệu đồng thiết kế/tàu. Đảng, Chính phủ đã thuê các cơ quan thiết kế, theo mẫu cụ thể, các công ty đóng tàu đóng theo mẫu đó, thu phí của dân là sai.
Chính vì thế, đòi hỏi phải có một tổ đi kiểm tra các loại tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 này từ khâu thiết kế đóng mới đến khi kiểm định. Phải thuê một tổ chức bao gồm các chuyên gia về tàu cá, kiểm tra từng phôi thép, cho nên khâu theo dõi thi công rất quan trọng.
Hoàn trả lại tiền, đóng lại tàu bằng thép Hàn, Nhật cho ngư dân
Để xử lý những chuyện vi phạm trên, ông Lăng nhấn mạnh:
“Thứ nhất, kiểm tra từng bộ phận trên tàu xem thiệt hại, hư hỏng ra sao, dựa trên đánh giá, cái gì hư do ngư dân thì ngư dân chịu, cái gì hư do nhà máy đóng tàu thì nhà máy phải chịu, phải làm chặt chẽ.
Cần nhanh chóng sửa chữa toàn bộ những hư hỏng về thân tàu, máy tàu, ngư cụ, thiết bị của ngư dân theo đúng hợp đồng đã ký kết.
Thứ hai, tiền thiết kế đã lấy của dân thì phải hoàn trả hết.
Thứ ba, dân hợp đồng đóng thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản mà nhà máy đóng thép Trung Quốc thì khắc phục là phải làm cho đúng hợp đồng.
Theo tôi, ở đây vẫn là mục tiêu kiếm tiền của các công ty đóng tàu, không có tiêu chí nào giúp dân, lợi dụng kiếm ăn trên sức lao động của dân, cần phải xử lý nghiêm, tránh tình trạng thói quen giữ mãi, phải đưa ra pháp luật.
Nếu tỉnh không làm được thì gửi ra Bộ NNPT-NT, để Tổng cục thủy sản đi kiểm tra lại toàn bộ, theo tôi biết tất cả các tàu đang được thi công, thép đang được sử dụng đều là thép Trung Quốc, vì giá rẻ, còn thép đóng tàu giá đắt hơn.
Đây là vấn đề phức tạp, nhưng phải đi vào chương trình giúp dân, làm thế nào họ có phương tiện tốt hơn, giúp dân hoạt động được ở vùng đặc quyền kinh tế”.
Cơ quan giám sát thi công phải chịu trách nhiệm cao nhất?
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên, ông Phan Huy Hoàng – Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, Phó Giám đốc Sở NNPT-NT Tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, thép Trung Quốc vốn dĩ lúc nào chất lượng cũng kém.
Nhưng cái quan trọng là thiết kế đã được phê duyệt dùng thép gì, công ty đóng tàu phải làm đúng như vậy, đây là việc của cơ quan giám sát, kiểm tra việc thi công của công ty cho ngư dân. Thế nhưng, họ làm không chặt chẽ nên ở đây xảy ra sự việc trên là họ cũng phải chịu trách nhiệm, lỗi của họ là lớn nhất.
“Ở Quảng Ngãi tàu của ngư dân cũng hỏng nhưng chỉ hỏng lặt vặt chứ không hư hỏng quá nhiều như Bình Định, ở đây thì coi như tàu bỏ đi, không thể khai thác đánh bắt cá được nữa.
Còn có nhiều câu chuyện, tàu được ngư dân yêu cầu dùng thép 8 ly thì lấy thép 6 ly làm, thép 10 ly thì lấy thép 8 ly làm, đó là những việc làm thiếu lương tâm, mà cơ quan giám sát chắc chắn phải biết rõ. Chúng ta cứ nói năng lực cơ sở đóng tàu mà quên đi trách nhiệm của người giám sát.
Đóng tàu vỏ thép là đóng cho nhiều tỉnh, hơn 100 chiếc, đâu phải riêng Bình Định, nhưng có phải ở đâu cũng hỏng như Bình Định, nên đừng đổ cho ngư dân quen dùng tàu gỗ, họ có kinh nghiệm bao nhiêu năm sống với nghề đánh bắt cá.
Lãnh đạo Bình Định hãy vào cuộc, chỉ rõ khâu nào quan trọng trong việc kiểm tra chất lượng, làm chưa tốt thì xử lý, như vậy thì mới chấm dứt được thực trạng trên”, ông Hoàng phân tích.