Ông Mạnh đã phát hiện công ty đóng tàu sử dụng thép Trung Quốc, nhưng bị dọa nạt, chửi mắng và không cho chụp ảnh.
Tàu cá vỏ thép nằm “nối đuôi” tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định)
Ngư dân bị đe dọa khi phát hiện vỏ thép Trung Quốc
Trước việc, 17 chiếc tàu vỏ thép mà ngư dân Bình Định, đặt đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (tỉnh Nam Định) và Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng) bị hư hỏng nặng, không thể sử dụng, ngày 14/5, Đất Việt đã liên hệ với ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (SN 1961) ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ.
Chia sẻ với Đất Việt, ông Mạnh cho biết: “Gia đình tôi có làm hợp đồng với đơn vị đóng tàu là Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng chiếc tàu cá vỏ thép với tổng kinh phí 15,2 tỷ đồng hành nghề lưới vây. Trong thời gian đóng tàu, tôi đã về tận nhà máy tham gia giám sát.
Chính tôi là người phát hiện ra công ty này không dùng thép Hàn Quốc, Nhật Bản mà là thép Trung Quốc, vì thấy có chữ China màu vàng trên thép. Khi đó tôi có nói thẳng với công nhân thì bị chửi mắng lại với những lời lẽ thô tục, không cho chụp hình, hăm dọa đánh đập.
Họ bảo rằng ngư dân chúng tôi chỉ được góp ý sửa chữa những phần trên boong tàu, phần khoang tàu nhà máy cứ căn cứ vào bản thiết kế mà làm. Trong khi, mình thì chỉ biết nói bằng kinh nghiệm thực tế, còn họ căn cứ vào giấy tờ thì mình phải chịu thôi chứ biết làm sao”.
Thậm chí, theo kinh nghiệm hơn 40 năm bám biển, ông Mạnh nhận thấy con tàu được thiết kế không phù hợp, ông góp ý nhưng không được ai ghi nhận.
Còn với lý do công ty đưa ra không biết cách bảo dưỡng, vận hành, thì bản thân ông Mạnh chỉ thấy rằng, ngư dân sống và gắn liền với biển cả mấy chục năm, việc bảo quản là chuyện bình thường, nhưng chất lượng thấp thì bảo quản thế nào? Như thép Nhật Bản, Hàn Quốc chất lượng tốt rồi không cần phải bảo quản vẫn bền, còn đã chất lượng kém thì cũng không bảo quản được.
“Theo tôi biết thì chỉ có một phần thép Trung Quốc còn toàn bộ là thép phế thải, nên mới nhanh hỏng như vậy”, ông Mạnh khẳng định.
Hạ thủy từ Nam Định về đến Bình Định đã hỏng, sửa 3 lần, đắt nhất gần 1 tỷ
Ở góc độ khác, nhận xét về con tàu khi nhận từ công ty đóng tàu, ông Mạnh cho hay: “Chiếc tàu cá vỏ thép của tôi mang số hiệu BĐ 99567 TS (811 CV), trông đẹp mắt, nhưng khi hạ thủy từ Nam Định và chạy về đến vùng biển quê nhà vào ngày 22/8/2016, đã có bộ phận lái rung và chân vịt bị hỏng.
Rồi khi mở chuyến biển đầu tiên, ra đến khơi lưới bủa đến đâu đều bị cuốn hết vào chân vịt đến đó, không đánh bắt được”.
Thế nhưng, vay vốn từ các ngân hàng để đóng tàu mà trả nợ không đúng kỳ hạn, sẽ dẫn đến toàn bộ dư nợ sẽ bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn, đồng nghĩa với việc sẽ không được Nhà nước hỗ trợ lãi suất.
Do vậy, không cam lòng cho tàu nằm bờ, ông Mạnh quyết định cải hoán lại con tàu và chuyển đổi qua nghề lưới chụp để làm ăn. Lần sửa chữa mất nhiều tiền nhất là gần 1 tỷ đồng và mất thêm gần 5 tháng, mãi đến cuối tháng 1/2017 tàu của ông Mạnh mới đánh bắt chuyến biển nghề lưới chụp đầu tiên tại vùng biển đảo Phú Quý (Bình Thuận).
Tầm tháng 4, Trung tâm đăng kiểm tàu cá vào kiểm tra và cho rằng tàu của ông Mạnh, đã xuống cấp trầm trọng dù chỉ mới đóng chưa đầy 1 năm, đề nghị đưa tàu lên đà sửa chữa, chứ ra biển với con tàu kém chất lượng thế này nguy hiểm. Được biết, nếu đưa tàu lên đà sửa chữa tại Cam Ranh (Khánh Hòa) thì phải mất thêm 496 triệu đồng, đang nợ ngân hàng ngập đầu, mấy chuyến biển liền bị lỗ nên ông Mạnh chưa sửa.
“Ngay từ đầu tôi đã nhận thấy từ nửa thân tàu trở về đuôi tàu kết cấu không phù hợp với nghề lưới vây, bủa lưới xuống là bị cuốn vào chân vịt.
Cho nên, chuyến biển thứ 3 tàu đánh bắt có cá, chưa kịp mừng thì trên đường chạy vào bờ, không biết các khoang tàu được đóng kiểu gì mà nước không thoát ra ngoài được, nước ứ đọng ngập các hầm muối cá làm hỏng hết sản phẩm đánh bắt được, lại thêm 1 chuyến biển lỗ”, ông Mạnh bức xúc.
Theo ngư dân này, thì bình thường ngư dân đi biển dùng tàu gỗ hay mua máy chạy tầm 500-600 triệu đồng, rẻ thì 300-400 triệu đồng, mà còn đi được 9-10 năm mới hỏng, máy nào thấp nhất cũng được 1-2 năm. Để thấy máy các công ty đang dùng, vừa mới đưa vào sử dụng đã hỏng, không phải máy mới, máy tốt.
Tỉnh phải kiên quyết, thuê công ty giám định độc lập
Trong một diễn biến liên quan, theo ông Mạnh, đại diện chính quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đã ra quyết định thành lập một tổ công tác thanh tra lại toàn bộ chất lượng của các con tàu, toàn bộ trang thiết bị được lắp ráp trên tàu.
Chất lượng tàu không đảm bảo thì phải giải quyết cho ngư dân, đủ thì thôi, các trang thiết bị không đúng thì thay đổi đúng như theo hợp đồng. Trong thời gian bà con khắc phục, sửa chữa không đi đánh cá được, thì phải bồi thường toàn bộ tiền cho ngư dân, tiền thiết kế 5 con tàu lấy 130 triệu đồng thì các công ty cũng phải hoàn trả lại cho bà con ngư dân.
Riêng về phía công ty thì họ mới chỉ cam kết khắc phục, sửa chữa lại trong phạm vi còn bảo hành, bão dưỡng, còn ngoài ra chưa có cam kết gì thêm.
“Chúng tôi chỉ mong muốn, tỉnh thuê một công ty giám định độc lập, tổ thẩm định xuống thanh tra lại tàu từ lúc thiết kế đến thi công, chất lượng vỏ, trang thiết bị máy móc, vì về lâu dài ngư dân mới là người sẽ chịu hậu quả”, ông Mạnh nói thêm.