Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 17/05

Bản tin Biển Đông ngày 17/05

Bản tin Biển Đông ngày 17/05/2017.

Những quan điểm khác nhau trong giới lãnh đạo Philippines về vấn đề Biển Đông

Trước diễn biến phức tạp ở Biển Đông, giới lãnh đạo Philippines lại thể hiện những quan điểm khác nhau liên quan đến việc giải quyết tranh chấp ở khu vực.

Theo tin từ hãng ABS-CBN, phát biểu với báo giới hôm 16/5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã mở đường cho việc khảo sát chung ở Biển Đông với Trung Quốc và Việt Nam, miễn là hoạt động này “công bằng” với Philippines. Ông Duterte phát biểu “Nếu chúng ta có thể đạt được điều gì đó mà không có chút rắc rối nào, vậy tại sao không?”

Phát biểu này được đưa ra sau khi Đặc phái viên của ông Duterte là Jose de Venecia Jr.kêu gọi thúc đẩy dự án thăm dò dầu khí tại Trường Sa giữa 3 nước Philippines, Trung Quốc và Việt Nam tại Hội nghị “Một vành đai, một con đường” tổ chức tại Bắc Kinh ngày 14/5.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Alan Cayetano lại tỏ ra thận trọng hơn đối với các đề xuất về khai thác chung dầu khí ở Biển Đông. Theo tin từ Rappler, khi được hỏi về quan điểm đối với phát biểu của ông Venecia, Ngoại trưởng Cayetano tuyên bố “Không có nghĩa đây là định hướng của chính phủ chúng tôi vì chúng tôi còn bị ràng buộc với Hiến pháp và nội luật. Vì vậy, có những ý tưởng tốt và thực tế nhưng chưa chắc đã hợp pháp”. Ngoại trưởng Cayetano cũng khẳng định phát biểu của ông Venecia chỉ là quan điểm cá nhân và ông này chưa hề tham khảo trước ý kiến của Bộ Ngoại giao về vấn đề này.

Hải quân Singapore ký kết hợp tác với hải quân Thái Lan và Philippines

Ngày 16/5, tờ Strait Times đưa tin cho biết tại Hội thảo và Triển lãm Quốc phòng Hàng hải quốc tế Châu Á (Imdex) ngày 14/5, Hải quân Singapore đã ký hai thỏa thuận song phương lần lượt với Hải quân hoàng gia Thái Lan và Hải quân Philippines. Theo đó, Singapore và Thái Lan sẽ hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hậu cần liên quan đến các chuyến thăm của tàu hải quân hai bên. Trong khi đó, theo Bản ghi nhớ giữa Hải quân Singapore và Philippines, hai bên sẽ trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động vận tải đường thủy trắng (tàu dân sự) giữa hai bên.

Phát biểu tại Hội thảo An ninh Hàng hải Quốc tế (IMSC) ngày 16/5, Bộ trưởng cao cấp Bộ Quốc phòng và Ngoại giao Singapore Maliki Osman cho rằng việc ký kết hai thỏa thuận nói trên đã phản ánh hợp tác thực chất giữa các hải quân. Ông Maliki cho rằng các nước cần cùng nhau làm việc và tuân thủ luật quốc tế và các quy tắc ứng xử để tránh đối đầu và các va chạm không mong muốn trên biển. Theo đó, các bên cần xây dựng lòng tin bằng cách tham gia đối thoại và duy trì các kênh thông tin mở, trong đó có Đối thoại Shangri-La, các diễn đàn như Hội thảo Hải quân Tây Thái Bình Dương, v.v.

Trung Quốc hết lời ca tụng lập trường của Tổng thống Philippines về vấn đề Biển Đông

Hãng ABS-CBN đưa tin, ngày 16/5, tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc “đánh giá cao” lập trường của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được đưa ra trong cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn hợp tác quốc tế Một Con đường, một Vành đai vì đã “tích cực đối thoại và hợp tác” trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông cũng như “cùng chung tay” duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông nói riêng và toàn khu vực nói chung. Bên cạnh đó, bà Hoa cho hay Trung Quốc và Philippines sẽ có cuộc trao đổi đầu tiên để thảo luận cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông tại Quý Dương, Trung Quốc vào ngày 19/5.

Trung Quốc rục rịch tiến hành nghiên cứu đáy biển ở Tây Bắc Thái Bình Dương

Tân Hoa xã đưa tin, ngày 16/5, tàu ngầm Giao Long của Trung Quốc đã xuất phát từ Thâm Quyến, Trung Quốc để tiến hành lặn sâu đáy biển tại khu vực phía Tây Bắc Thái Bình Dương. Tàu mẹ Hướng Dương Hồng 09 đã bắt đầu chuyến hành trình tới các rãnh Yap và Mariana, cùng tàu Giao Long và 96 nhà khoa học nước ngoài để bắt đầu giai đoạn thứ ba trong đợt thám hiểm đại dương lần thứ 38. Tân Hoa xã cho hay, trong nhiệm vụ lần này, tàu Giao Long sẽ tiến hành 09 cuộc lặn sâu dưới đáy biển tại hai rãnh nói trên. Theo nguồn tin Tân Hoa xã, tàu Giao Long sẽ được kiểm định và nâng cấp sau khi thực hiện nhiệm vụ này và Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục đưa thêm một tàu mẹ mới vào hoạt động trong năm 2019. Như vậy, nhiều khả năng Trung Quốc đang mưu đồ thực hiện những bước đi ngày càng tinh vi và bài bản hơn nhằm tăng cường sự hiện diện trên biển, qua đó giành quyền kiểm soát rộng hơn ở khu vực.

Singapore đẩy mạnh mua sắm thêm tàu ngầm

Ngày 17/5, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, ngày 16/5, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết Singapore sẽ mua thêm hai tàu ngầm dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trước năm 2024 cùng với hai chiếc sẵn sàng đi vào hoạt động vào năm 2021 và 2022, thay thế các tàu ngầm cũ không còn được sử dụng. Theo nguồn tin từ Channel News Asia, ông Ng tiết lộ các tàu mới là tàu ngầm loại 218SG của tập đoàn ThyssenKrupp của Đức, dự kiến sẽ được bổ sung vào Hạm đội Hải quân Singapore kể từ 2024. Ông cũng cho biết, hải quân các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cần mở rộng Bộ Quy tắc ứng xử đối với các tàu ngầm nhằm làm giảm nguy cơ xảy ra tai nạn giữa 250 tàu ngầm dự kiến sẽ hoạt động ở Châu Á năm 2030. Tại một hội nghị về an ninh biển tại Singapore ngày 16/5, Chuẩn đô đốc Lai Chung Han của Singapore khẳng định việc mở rộng Bộ Quy tắc đối với các va chạm bất ngờ trên biển đối với tàu ngầm sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động ngầm của các tàu này. Tuy nhiên, ông Zhai Baoran, đội trưởng Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc lại mỉa mai rằng ý tưởng này khó khả thi bởi lẽ “các tàu ngầm vốn được thiết kế với mục đích hoạt động bí mật” nên “việc chia sẻ thông tin giữa các quốc gia sẽ là điều không tưởng”.

 Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhận định, việc hải quân các nước trong khu vực tăng cường mua sắm hay sản xuất tàu ngầm là nhằm đối phó với nguy cơ Trung Quốc âm mưu mở rộng đội tàu và tình hình tranh chấp lãnh thổ kéo dài từ Biển Hoa Đông đến Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Trung Quốc lộ hoạt động triển khai bệ phóng tên lửa trên Biển Đông

Ngày 17/5, hãng CNBC đưa tin, theo nguồn tin từ tài khoản WeChat của tạp chí Defence Times, Trung Quốc vừa mới lắp đặt các hệ thống bệ phóng tên lửa chống người nhái Norinco CS/AR-1 55mm có khả năng thăm dò, nhận diện và chống các thợ lặn chiến đấu của bên đối địch trên Đá Chữ Thập thuộc Trường Sa, nơi Trung Quốc tiến hành bồi đắp trái phép và tùy tiện xây dựng sân bay. Defence Times cho hay động thái này là nhằm tấn công “các thợ lặn chiến đấu của Việt Nam” nhưng cũng được xem là một trong số bằng chứng mới nhất về hoạt động củng cố quân sự phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, nguồn tin không tiết lộ rõ thời điểm hệ thống phòng thủ được lắp đặt. 

RELATED ARTICLES

Tin mới