Saturday, January 4, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChiến lược cò gỗ mổ cò thật của TQ

Chiến lược cò gỗ mổ cò thật của TQ

6 ngàn tỉ USD nhu cầu so với 240 tỉ USD Bắc Kinh cam kết, phải chăng mục tiêu hoành tráng mà Trung Quốc đưa ra là minh chứng của chiến lược “cò gỗ mổ cò thật”?

Syed Munir Khasru, Chủ tịch Hội chuyên gia – cố vấn quốc tế thuộc Viện Chính sách – vận động và quản trị (IPAG) có trụ sở tại Bangladesh, ngày 18/5 bình luận trên Nikkei Asian Review:

Trung Quốc cần có những kỹ năng ngoại giao để bán sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, bởi khu vực vẫn nghi ngờ về ý đồ thực sự của Bắc Kinh đằng sau các dự án xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng đi theo sáng kiến này.

“Một vành đai, một con đường” được ông Tập Cận Bình đưa ra năm 2013, nhằm kết nối gần 70 nền kinh tế thông qua mạng lưới đường bộ, đường sắt, cầu cống, đường ống nhiên liệu và các cảng khẩu.

“Sáng kiến” này có quy mô lớn hơn 12 lần Kế hoạch Marshall được Mỹ đưa ra sau Chiến tranh Thế giới II để xây dựng lại Tây Âu, và nó đòi hỏi sự tham gia thực sự của tất cả các nước liên quan.

Mục tiêu chính của Diễn đàn quốc tế Một vành đai, một con đường vừa được tổ chức ở Bắc Kinh là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo toàn cầu về tầm nhìn này của Chủ tịch Trung Quốc.

Hầu hết các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN tham dự hội nghị này, nhưng họ vẫn bị chia rẽ về cách đối phó với sự bành trướng ngày càng lớn của Trung Quốc trên Biển Đông. [1]

Đa Chiều ngày 18/5 đặt vấn đề, kỳ vọng Bắc Kinh (tuyên bố) trong mô hình phát triển của “Một vành đai, một con đường” là:

Thông qua ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế tại các quốc gia đang phát triển tham gia sáng kiến này, để Trung Quốc và các nước này cùng hưởng lợi.

Nhưng dư luận bên ngoài không ngừng đặt câu hỏi nghi ngờ, hầu hết đều xoay quanh việc “Một vành đai, một con đường” như một đoàn tàu chở theo nguyên vật liệu và lao động Trung Quốc sang các nước, lợi ích thực sự của họ rất hạn chế.

Cò gỗ mổ cò thật

Trong bài phân tích của mình trên Nikkei Asian Review, tác giả Syed Munir Khasru cho biết, 2 định chế tài chính lớn nhất phục vụ cho “Một vành đai, một con đường” là Quỹ Con đường tơ lụa và Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) có tổng số vốn khoảng 240 tỉ USD.

Nhưng các chuyên gia ước tính, nhu cầu tài chính cấn thiết trong thực tế để xây dựng tất cả các dự án được quy hoạch thuộc phạm vi “Một vành đai, một con đường” trong vòng 15 năm tới vào khoảng 6 ngàn tỉ USD.

Bởi vậy để thực hiện mục tiêu hoành tráng này, một mình Trung Quốc không kham nổi. Muốn làm việc này, bắt buộc Trung Quốc phải thu hút được các nhà đầu tư tư nhân phương Tây.

Trong khi với các nhà đầu tư, những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc “Một vành đai, một con đường” thường nằm trong các khu vực không ổn định, thời gian dự án kéo dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đó là chưa kể đến một số quốc gia “mục tiêu” của “Một vành đai, một con đường” có các vấn đề về biên giới lãnh thổ cũng như các tranh chấp khác với Trung Quốc.

Một số nước khác là đồng minh của Hoa Kỳ và không muốn trở thành một mắt xích trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Nhiều nền kinh tế châu Âu lo sợ thị trường của họ sẽ tràn ngập hàng Trung Quốc nếu tham gia các dự án thuộc “Một vành đai, một con đường”.

Vì vậy, sự thành công của “Một vành đai, một con đường” theo Syed Munir Khasru, phụ thuộc vào khả năng Trung Quốc phát triển được một cơ chế toàn diện hơn, tương tác và xoa dịu những lo lắng này.

Trung Quốc không thể phớt lờ tiếng nói của các nước phương Tây, trong khi cũng đừng mong đợi các nước tham gia “Một vành đai, một con đường” sẽ làm theo mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Hiện giới quan sát chưa chắc chắn, liệu Trung Quốc đã có phương tiện nào để quản lý những thách thức mạnh mẽ nói trên hay chưa.

Trung Quốc cần phải giải quyết được những mối quan tâm, lo ngại về các vấn đề quan trọng liên quan đến chủ quyền, quản trị và minh bạch để đảm bảo tính hiệu quả (và công bằng) của (các dự án thuộc) sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.

Tham vọng “Một vành đai, một con đường” xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ 65% dân số thế giới phải chứng minh được lợi ích thực sự cho các đối tác chủ yếu ở châu Á, châu Âu và Đông Phi.

Câu hỏi đặt ra là, liệu Trung Quốc có làm được và sẽ làm như thế nào để thực hiện mục tiêu này? Quan trọng hơn nữa là phần còn lại của thế giới liệu đã sẵn sàng nhảy theo điệu nhạc của người Trung Quốc hay chưa?

Cá nhân người viết cho rằng, nhà nghiên cứu Syed Munir Khasru đã khá lạc quan về sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, đồng thời ông cũng rất thiện chí góp ý với các nhà lãnh đạo Trung Quốc những giải pháp thiết thực để biến tầm nhìn của họ thành hiện thực.

Tuy nhiên, lo lắng của các nước mục tiêu sáng kiến “Một vành đai, một con đường” nhắm tới không chỉ dùng kỹ năng ngoại giao như ông Syed Munir Khasru đề xuất mà có thể hóa giải được.

Nguyên thủ 28 nước tham dự hội nghị bàn tròn trong Diễn đàn quốc tế Một vành đai, một con đường. Ảnh: AP.

Chính tác giả Syed Munir Khasru cũng đã thừa nhận sự chênh lệch giữa nhu cầu thực tế về tài chính để phát triển các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia mục tiêu của “Một vành đai, một con đường” với nguồn lực tài chính hiện có của Trung Quốc.

6 ngàn tỉ USD nhu cầu so với 240 tỉ USD Bắc Kinh cam kết, phải chăng những mục tiêu hoành tráng mà Trung Quốc đưa ra là minh chứng của chiến lược “cò gỗ mổ cò thật”?

Lợi ích mang lại cho Trung Quốc trong các dự án này quá rõ ràng:

Xuất khẩu công suất công nghiệp nặng dư thừa, đặc biệt là xi măng và thép, xuất khẩu công nghệ đã lạc hậu và lao động tay chân, vừa kiếm lời vừa phục vụ kế hoạch tái cơ cấu kinh tế Trung Quốc của ông Tập Cận Bình, mà lại vừa được tiếng.

Còn với các nước “đối tác”, nói cho đúng hơn là các nước mục tiêu của “Một vành đai, một con đường” thì lợi ích chưa thấy đâu.

Nhưng nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ, nguy cơ bị mất việc làm ngay trên sân nhà, nguy cơ trở thành con nợ và hàng loạt hệ lụy khác, không thể không tính toán.

Trump rút Mỹ khỏi TPP, Trung Quốc cũng quay về cố thủ nền kinh tế

Nghị sĩ Malaysia Wong Chen (Hoàng Cơ Toàn) thuộc đảng PKR đối lập ngày 19/5 được tờ Free Malaysia Today dẫn lời bình luận:

Trung Quốc xem việc chính quyền Mỹ thời Barack Obama theo đuổi Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) như một kế hoạch chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Do đó quyết định Trung Quốc đầu tư vào Malaysia một cách rầm rộ chính là một công cụ để Bắc Kinh chống lại chiến lược này của Hoa Kỳ. 

Ông Wong Chen cho rằng, với thực tế TPP đến nay đã chết (khi thiếu sự tham gia của Mỹ), Trung Quốc cũng không còn nhu cầu phải tích cực đầu tư vào Malaysia.

Khoảng 1 năm trước, người Trung Quốc rất để ý và tích cực tham gia vào nhiều dự án bất động sản tại Malaysia. Bây giờ dường như họ đã mất hứng thú.

Vị nghị sĩ này bình luận:

“Chúng ta phải hiểu động lực của Bắc Kinh khi đầu tư vào Malaysia và xây dựng một mối quan hệ tốt với Thủ tướng Najib Razak. Mọi chuyện bắt đầu từ TPP.”.

Sau đó ông giải thích kỹ hơn góc nhìn của mình về tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh:

Những năm gần đây, Trung Quốc đã tìm cách bảo kê gần như toàn bộ Biển Đông theo đường lưỡi bò họ vạch ra năm 1947.

Họ đã lắp dặt các vũ khí trong khu vực tranh chấp sau khi đảo hóa  cấu trúc, để phục vụ mục đích quân sự.

Trong khi TPP có 12 thành viên thì 4 nước thuộc Đông Nam Á: Malaysia, Brunei, Singapore và Việt Nam.

Trong số này, Malaysia là chìa khóa để Trung Quốc tiếp cận eo biển Malacca và Biển Đông, do vị trí chiến lược của quốc gia này.

Trung Quốc rất cần các căn cứ mặt đất hỗ trợ các hoạt động hậu cần cho tuyến đường hàng hải huyết mạch qua Malacca và Biển Đông.

Philippines và Malaysia là những lựa chọn khả thi nhất.

Chiến lược của Trung Quốc là tiếp cận Malaysia qua các phương tiện kinh tế bằng hình thức đầu tư vào các dự án bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nhưng khi Trump trở thành Tổng thống Mỹ và quyết định rút khỏi TPP, tất cả đã thay đổi.

Ông Tập Cận Bình thết yến đãi quốc khách đến dự Diễn đàn quốc tê Một vành đai, một con đường. Ảnh: Sputnik.

Bây giờ Trung Quốc không thấy cần phải quá nhiệt tình trong việc đầu tư tại Malaysia, ngược lại Bắc Kinh đang xây dựng các hàng rào kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn không thoát ra ngoài, để bảo vệ nền kinh tế Trung Quốc.

Còn các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” tại Malaysia tuy vẫn tiếp tục, nhưng Thủ tướng Najib Razak đã nói với các nhà lãnh đạo Trung Quốc bên lề Diễn đàn quốc tế hôm 14, 15/5 vừa qua rằng:

Trung Quốc đầu tư tại Malaysia bắt buộc phải tính đến lợi ích của nhân dân Malaysia.

Từ Indonesia, nhà nghiên cứu Bachtiar Nasir cũng cảnh báo chính phủ nước này: làm gì thì làm, đừng bán quốc gia này cho người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc. Không cẩn thận là sẽ đánh mất chủ quyền kinh tế.

Singapore thấy rõ toan tính chiến lược của Trung Quốc đằng sau “Một vành đai, một con đường”

Sự vắng mặt của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Diễn đàn quốc tế Một vành đai, một con đường ở Bắc Kinh do ông Tập Cận Bình tổ chức đã khiến dư luận chú ý và đặt ra nhiều câu hỏi.

Singapore là nước giàu có nhất Đông Nam Á với vị trí chiến lược án ngữ eo biển Malacca, cửa ngõ từ Ấn Độ Dương vào Biển Đông.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore, trong khi quốc đảo Sư tử vẫn là nhà đầu tư lớn thứ 2 ở Trung Quốc, ngay cả khi tổng số vốn đầu tư đã giảm từ 6,97 tỉ USD năm 2015 xuống còn 6,18 tỉ USD năm 2016.

Theo Bloomberg ngày 18/5, Thủ tướng Lý Hiển Long vắng mặt không phải vì ông không muốn đến, mà vì đến thì phải có lời mời chính thức.

Bắc Kinh đã không mời ông.

Lu Jianren, thành viên Viện Nghiên cứu Trung Quốc – ASEAN tại Đại học Quảng Tây, Trung Quốc bình luận:

“Singapore đã ít chủ động làm việc với Trung Quốc, trong khi nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực cho thấy sự nhiệt tình hơn, mong muốn Bắc Kinh tham gia đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á.”.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tin rằng, việc Thủ tướng Lý Hiển Long là người ủng hộ nhiệt thành cho TPP cũng như hợp tác chặt chẽ với Mỹ về an ninh, vận động ủng hộ Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 về vụ kiện Biển Đông là nguyên nhân chính khiến ông không được ông Tập Cận Bình mời.

Tiến sĩ Tiết Lực từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ngày 18/5 được tờ South China Morning Post dẫn lời bình luận:

Việc Trung Nam Hải quyết định không mời ông Lý Hiển Long đã phản ánh niềm tin ngày càng tăng tại Trung Quốc rằng, quốc đảo Sư tử chỉ tìm cách kiếm lợi ích kinh tế từ Trung Quốc, trong khi lại dựa vào sự bảo vệ của người Mỹ.

“Trung Quốc đang dần nhận ra điều này, và do đó không thực sự phải quan tâm xem Thủ tướng Singapore có tham dự Diễn đàn này hay không.

Chính quyền Singapore hiện nay khác với thế hệ của Lý Quang Diệu.

Họ đã quen ứng xử với Trung Quốc theo quan điểm của phương Tây, tức là theo tư cách một người thầy của Trung Quốc chứ không phải một tín đồ của Trung Quốc.”, ông Lực nói.

Cá nhân người viết xin không bàn thêm về việc có hay không chuyện ông Tập Cận Bình không mời ông Lý Hiển Long tham dự Diễn đàn quốc tế Một vành đai, một con đường, và tại sao lại không mời, mặc dù quốc đảo này nằm ở vị trí quan trọng chiến lược, cửa ngõ vào Biển Đông.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ảnh: Times.

Tuy nhiên, việc Thủ tướng Lý Hiển Long không xuất hiện tại diễn đàn này, ngoài sự tự trọng cần thiết, còn phản ánh một thực tế khác.

Đó là các nhà lãnh đạo Singapore đã thấy quá rõ ý đồ chiến lược của Trung Quốc đằng sau công cụ tưởng như thuần túy về kinh tế – thương mại – đầu tư: “Một vành đai, một con đường”.

Xét riêng dưới góc độ kinh tế cũng có thể thấy sự không cần thiết phải tham gia vào những diễn đàn thế này từ phía Singapore, bởi quốc đảo này đang là nhà đầu tư lớn thứ 2 vào Trung Quốc.

Chính Singapore đã giúp Trung Quốc phát triển kinh tế từ đầu những năm 1990, xây dựng cho Trung Quốc một khu công nghiệp tại Tô Châu năm 1994, gần đây nhất là một dự án đầu tư tại Trùng Khánh.

Nói như vậy để thấy rằng, Singapore không phải nước khát vốn giá rẻ Trung Quốc, và về mặt logic thì quốc đảo này không phải mục tiêu tiềm năng của “Một vành đai, một con đường”.

Cơ sở hạ tầng của Singapore có lẽ là tốt nhất Đông Nam Á.

Quan trọng hơn nữa là Singapore thừa khả năng đánh giá ý đồ chiến lược, năng lực nhà thầu, chất lượng công nghệ Trung Quốc trong các dự án thuộc “Một vành đai, một con đường”, và đơn giản họ thấy rằng không nên mất thời gian vào ý tưởng này.

Còn về góc độ an ninh, cá nhân người viết hoàn toàn tán thành quan điểm của Thủ tướng Lý Hiển Long đã phát biểu từ năm 2009:

“Một nước nhỏ phải có bạn bè càng nhiều càng tốt, trong khi vẫn duy trì được sự tự do, được là chính mình với tư cách một nước có chủ quyền và độc lập.”.

Đánh giá, nhận định và giải pháp của ông trong đối ngoại, nhất là cân bằng trong quan hệ giữa Singapore với 2 siêu cường Trung – Mỹ là rất chính xác, mẫn tiệp với thời cuộc.

Trong quan hệ với Trung Quốc, Thủ tướng Lý Hiển Long không bao giờ né tránh sự khác biệt, nhưng cũng không để nó làm hỏng quan hệ song phương.

Tháng Ba năm nay ông phát biểu trên BBC về điều này:

“Tôi sẽ không nói rằng chúng tôi (Singapore – Trung Quốc) có vấn đề gì lớn, mà chúng tôi đã có một số vấn đề và một số sự cố.”.

Phát biểu này đưa ra trong bối cảnh 9 xe bọc thép của Singapore bị (Trung Quốc) giữ lại khi quá cảnh Hồng Kông, trên đường từ Đài Loan trở về.

Những câu chuyện trên giống như những mảnh ghép của một bức tranh toàn cảnh về ý đồ thực sự của Trung Quốc đằng sau làn sóng tuyên truyền về “Một vành đai, một con đường”.

Nó không chỉ cho thấy một nguyên lý bất di bất dịch, trong quan hệ quốc tế lòng tin chỉ có thể được xây dựng dựa trên sự chân thành, minh bạch, sòng phẳng, hiệu quả và công bằng có thể đo đếm kiểm chứng được trong hợp tác.

Lòng tin không tồn tại trên chót lưỡi đầu môi.

Mặt khác nó cũng cho thấy, không phải cứ dùng những màn tuyên truyền hoành tráng là Trung Quốc có thể lôi kéo các nước tham gia sáng kiến này. 

Hơn ai hết, nhiều nước liên quan đều thấy được rủi ro tiềm ẩn, còn lựa chọn thế nào, tham gia và hợp tác đến đâu sẽ còn phải tính toán rất kỹ.

Về kinh tế, con số 240 tỉ USD Trung Quốc cam kết so với 6 ngàn tỉ USD nhu cầu có thể không thấm vào đâu, và không phải Bắc Kinh không biết.

Nhưng lợi ích thực sự của “Một vành đai, một con đường” đó là giúp ông Tập Cận Bình tái cơ cấu nền kinh tế trong nước, xuất khẩu những gì đã cũ và lạc hậu sau khi giúp Trung Quốc phát triển trong 30 năm qua ra các nước đang khát vốn.

Đồng thời nó cũng là một công cụ địa chính trị chiến lược để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ra khu vực, xây dựng hình ảnh cá nhân cho ông Tập Cận Bình về đối ngoại trong mắt dân chúng nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới