Friday, December 27, 2024
Trang chủĐiểm tinTên lửa Triều Tiên đang "thách thức cả thế giới"

Tên lửa Triều Tiên đang “thách thức cả thế giới”

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 21/5 khẳng định, việc Triều Tiên tiếp tục cho phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung đang trở thành “thách thức với cả thế giới”.

Sức ép từ cộng đồng quốc tế đặc biệt là Mỹ vẫn không thể buộc Triều Tiên từ bỏ tham vọng phát triển hạt nhân và tên lửa.

Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho hay, họ đã phát hiện Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung lúc 16h59 (giờ địa phương) gần khu vực Pukchang. Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ chỉ phát hiện được tên lửa này khi nó rơi xuống vùng biển Nhật Bản.

Yonhap dẫn nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa được Triều Tiên phóng thử hôm 21/5 là Pukguksong-2. Trước khi rơi xuống khu vực bờ biển phía đông, tên lửa này đã bay được quãng đường 500 km và đạt độ cao 560 km.

Thủ tướng Abe nhấn mạnh các vụ phóng tên lửa liên tiếp gần đây của Bình Nhưỡng đang “phá vỡ nỗ lực của cộng đồng quốc tế” trong việc tìm ra một giải pháp hòa bình cho tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên.

Còn theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada, tên lửa của Triều Tiên đã rơi cách quần đảo Oki thuộc tỉnh Shimane khoảng 400 km và cách bán đảo Oga của tỉnh Akita 700 km. Bà Inada còn nhấn mạnh tên lửa đạn đạo được Triều Tiên phóng thử nghiệm, đạt độ cao 560 km và đây là “độ cao bất thường”.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho hay, chính phủ nước này đã cho tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về việc tên lửa của Triều Tiên rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản  và Tokyo sẽ “không bao giờ tha thứ nếu như Triều Tiên vẫn lập lại những hành động khiêu khích như vậy”.  

Tuy nhiên, theo NHK, sau vụ phóng thử tên lửa hôm 21/5 của Triều Tiên, chính phủ Nhật Bản vẫn không cho kích hoạt hệ thống cảnh báo khẩn cấp J-Alert. Đây là hệ thống cảnh báo quy mô toàn quốc của Nhật Bản kết nối chính quyền trung ương với giới chức địa phương nhằm nhanh chóng sơ tán người dân hoặc có những hành động kịp thời ứng phó trước một thảm họa.

Giới chức Nhà Trắng tham gia chuyến công du của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Ả Rập Xê-út cũng khẳng định, tầm bắn của tên lửa Pukguksong-2 được Triều Tiên phóng thử nghiệm hôm 21/5 có tầm bắn ngắn hơn so với những thế hệ tên lửa được Bình Nhưỡng phóng trong thời gian gần đây. Chỉ kể từ đầu năm nay, Triều Tiên đã 11 lần phóng thử tên lửa.

Hành động phóng tên lửa của Triều Tiên dường như phá tan kế hoạch của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc “hòa giải” với Bình Nhưỡng thông qua đối thoại.

Hôm 21/5, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định, các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên là “hành động khiêu khích và vô trách nhiệm đồng thời dội gáo nước lạnh vào niềm tin và hy vọng của chính phủ mới tại Hàn Quốc cũng như cộng đồng quốc tế về việc xây dựng tiến trình giải trừ hạt nhân và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”. 

Hành động phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên còn làm dấy lên mối quan ngại về khả năng trong thời gian tới, Bình Nhưỡng sẽ cho phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Bởi ngay trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2017, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố quốc gia này đang bước vào “giai đoạn cuối cùng” trong việc phát triển ICBM. 

Nhà nghiên cứu Duyeon Kim thuộc Diễn đàn Tương lai bán đảo Triều Tiên ở Seoul cho rằng, vụ thử tên lửa hôm 21/5 của Triều Tiên “một lần nữa nhấn mạnh thực tế Bình Nhưỡng quyết tâm phát triển năng lực tên lửa và hạt nhân một cách toàn diện bất chấp việc phải ngày qua ngày đối đầu với thế giới”.

Cũng theo ông Duyeon Kim, trong khi động cơ phóng thử tên lửa hôm 21/5 của Triều Tiên chưa được làm rõ, song vụ phóng này được xem là thách thức đặt ra cho chính quyền của tân Tổng thống Moon với chính quyền của Tổng thống Trump. 

Một ngày sau vụ phóng thử, hôm nay (22/5), hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đã cho công bố chi tiết về vụ phóng này.

Theo KCNA, tên lửa Pukguksong-2 hay còn gọi là KN-15 là phiên bản tên lửa phóng từ mặt đất của loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Đặc biệt loại tên lửa này sử dụng nhiên liệu rắn, khiến đối phương khó có thể phát hiện trước thời điểm Bình Nhưỡng cho phóng.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có mặt để theo dõi vụ phóng cũng đã “vô cùng hài lòng” trước mức độ chính xác mà tên lửa phóng thử nghiệm đạt được và ca ngợi Pukguksong-2 là “vũ khí chiến lược thành công”. Thậm chí, ông Kim còn đồng ý để triển khai Pukguksong-2 trong lực lượng tác chiến cũng như nhanh chóng cho sản xuất hàng loạt. 

Quân đội Hàn Quốc nhấn mạnh, Triều Tiên đã cho phóng tên lửa Pukguksong-2 từ khu vực Pukchang thuộc tỉnh Nam Pyeongan. Đây là lần thứ hai Triều Tiên cho phóng thử Pukguksong-2.

Trước đó hồi tháng Hai, Bình Nhưỡng đã cho phóng loại tên lửa này đúng dịp Tổng thống Mỹ Trump gặp mặt Thủ tướng Nhật Bản Abe ở bang Florida. Còn hồi tháng 8/2016, Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công Pukguksong-2 từ tàu ngầm. Triều Tiên cũng khẳng định vụ phóng thử tên lửa hôm 21/5 là hành động cần thiết để chứng minh mức độ quan trọng của việc tích hợp đầu đạn hạt nhân lên trên tên lửa đạn đạo. 

Dưới sức ép từ cộng đồng quốc tế đặc biệt là từ Mỹ, Triều Tiên vẫn không có ý định từ bỏ chương trình phát triển năng lực hạt nhân nhất là tích hợp đầu đạn hạt nhân lên trên tên lửa có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Về phần mình, ngoài việc điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson, mới đây, hải quân Mỹ đã đưa tàu sân bay USS Ronald Reagan rời cảng Yokosuka của Nhật Bản để di chuyển tới gần bán đảo Triều Tiên, nhằm chuẩn bị đối phó trước bất cứ hành động khiêu chiến từ Bình Nhưỡng. 

RELATED ARTICLES

Tin mới