Hóa chất Trung Quốc đang trở thành mối nguy hại tại các đồn điền trồng chuối của Lào, khiến đất nông nghiệp thoái hóa.
Công nhân Lào trong một đồn điền trồng chuối ở tỉnh Bokeo, miền bắc Lào.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith mới đây đã chia sẻ nỗi lo ngại về việc các đồn điền trồng chuối của Trung Quốc ở Lào bị ảnh hưởng nặng nề bởi hóa chất Trung Quốc.
The Laotian Times đã dẫn lại sự lo ngại của Thủ tướng nước này bày tỏ mối quan tâm về việc sử dụng hóa chất trên.
“Chính phủ không thể bỏ qua điều này” – ông nói. “Kể từ năm ngoái, tôi đã ra lệnh cấm cho thuê đất nông nghiệp nhiều hơn cho việc trồng chuối vì những thiệt hại do ô nhiễm hóa học”.
Thủ tướng thừa nhận rằng, việc sử dụng hóa chất đã làm cho người nông dân giảm sút sức khỏe và ô nhiễm nguồn nước. Tờ báo cho biết, Thủ tướng cũng không đề cập tới việc Lào có hành động nào để chống lại các đồn điền trồng chuối hiện nay hay không.
Trong 5 năm qua, những cánh đồng lúa xanh tươi và các vườn cây ăn trái của Lào đã thay thế bằng các đồn điền trồng chuối do các nhà thầu Trung Quốc nắm giữ.
Trong khi Lào không phải là một nhà sản xuất hàng đầu về chuối trên thế giới, sự đầu tư này đã mang tới cơ hội lớn.
Năm 2002, Lào xuất khẩu 90.000 tấn chuối. Nhưng đến 2013, con số này là 400.000 tấn.
Dù sự phát triển này mang lại lợi ích về kinh tế trong các khu vực kinh tế khó khăn – mối lo ngại thực sự xoay quanh việc sử dụng hóa chất, bao gồm cả chất diệt cỏ vốn đã bị cấm – paraquat.
Hóa chất Trung Quốc thành nỗi ám ảnh của người nông dân Lào.
Theo Straits Times, đối với những người Lào là dân tộc thiểu số nghèo sống ở vùng đồi núi như người Hmong hoặc Khmu, cơn sốt lao động trong những đồn điền trồng chuối của Trung Quốc khiến họ có tiền lương cao hơn việc tự trồng trọt.
Ngân hàng Thế giới cho biết, vào thời điểm thu hoạch, họ có thể kiếm được ít nhất 10 USD một ngày và đôi khi tăng gấp đôi, một khoản tiền kếch xù ở một đất nước có thu nhập bình quân hàng năm là 1.740 USD vào năm 2015.
Tuy nhiên, đánh đổi với số lương đó, họ phải tiếp xúc nhiều với nhiều loại hóa chất. Bởi hầu hết người trồng chuối Trung Quốc ở Lào đều trồng giống chuối Cavendish mà người tiêu dùng ưa chuộng nhưng dễ mắc bệnh.
Do đó, họ đã làm giảm nguy cơ chuối mắc bệnh bằng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ paraquat. Được biết, thuốc paraquat bị Liên minh châu Âu và các nước khác bao gồm cả Lào cấm sử dụng, và nó cũng đã bị loại bỏ ở Trung Quốc. Chuối cũng được nhúng trong thuốc diệt nấm để được đảm bảo khi được vận chuyển đến Trung Quốc.
Theo Straits Times, một số chủ cơ sở trồng và quản lý đồn điền chuối của Trung Quốc bày tỏ sự thất vọng trước lệnh cấm trồng chuối của Chính phủ Lào khi hợp đồng hết hạn.
Ngoài ra, việc sử dụng hóa chất là bắt buộc trong trồng trọt.
Wu Yaqiang, quản lý trang web tại một đồn điền chuối thuộc sở hữu của Jiangong Agriculture, một trong những công ty có đồn điền trồng chuối lớn nhất của Trung Quốc tại Lào, cho biết: “Nếu bạn muốn làm đồn điền, bạn bắt buộc phải sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu”.
“Nếu chúng tôi không đến đây để làm kinh tế, nơi này sẽ chỉ có núi thôi”, ông này nói thêm khi quan sát các công nhân vận chuyển những buồng chuối nặng khoảng 30 kg lên những sườn đồi dốc đến một trạm đóng gói thô sơ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Geng Shuang, nói rằng: “Về nguyên tắc, chúng tôi luôn đòi hỏi các công ty Trung Quốc, khi đầu tư và hoạt động ở nước ngoài phải tuân thủ luật pháp và các quy định của địa phương, thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường địa phương”, ông nói.
Đất nông nghiệp thoái hóa trầm trọng
Nhiều tổ chức phi chính phủ ở Lào đã cảnh báo về việc đất nông nghiệp của Lào bị bức tử bởi hóa chất, chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Việc này đe dọa nghiệm trọng đến sức khỏe cộng đồng và đa dạng sinh học.
Đa số các đồn điền trồng chuối là của người Trung Quốc thuê đất. Chỉ tính riêng tỉnh Bokeo đã có trên 10 ngàn ha. Chủ đồn điền người Trung Quốc thuê người dân lào phun thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu thường xuyên và liên tục.
Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp, nông nghiệp quốc gia Lào ngày 31/3 cho biết, có hơn 100 loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và hóa chất thường xuyên được sử dụng tại các đồn điền trồng chuối không riêng gì tỉnh Bokeo.
Thuốc diệt cỏ sử dụng bừa bãi ở Lào.
Còn theo tổ chức phi chính phủ Iuras thuộc nhóm viện trợ Helvetas tiết lộ, chỉ riêng hai huyện của tỉnh Xieng Khuang phía Bắc Viêng Chăn đã bị rải 19 triệu lít thuốc diệt cỏ năm ngoái. Không chỉ chuối, các đồn điền trồng ngô cũng sử dụng hóa chất dày đặc.
Các bác sĩ tại bệnh viện cho biết hầu hết bệnh nhân là nhân công đồn điền trồng chuối và con cái của họ. Các bệnh nhân bị thổ huyết, sốt, tiêu chảy. Phổi của họ đều bị hủy hoại. Trẻ nhỏ bị thổ huyết, sốt cao kéo dài, có gia đình không may mắn có thể mất cả con vì không khí bị ô nhiễm bởi hóa chất.
Các công nhân làm việc tại các đồn điền đã thận trọng đeo mặt nạ khi phun thuốc trừ sâu nhưng không thể ngăn được việc nhức đầu, buồn nôn, các bệnh về gan, thậm chí đã có trường hợp tử vong.
Đất nông nghiệp thoái hóa vì hóa chất.
Nhiều gia đình trong làng không tham gia vào canh tác những cánh đồng chuối này cũng trở thành nạn nhân của những luồng khói, khí độc hại.
Đã có những cuộc tập trung đông đúc người dân, phản đối việc cho Trung Quốc thuê đất làm nông nghiệp.
Cuối tháng 9, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào đã cảnh cáo bốn doanh nghiệp Trung Quốc về sử dụng quá mức thuốc trừ sâu, đồng thời chỉ đạo kiểm tra ở nhiều tỉnh. Sau đó, Bộ đã cấm mở đồn điền trồng chuối mới.