Ngày 24/5, chiến hạm Mỹ đã đi vào vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa để tuần tra bảo đảm tự do hàng hải.
Tàu khu trục USS Dewey (DDG-105) đã tiến hành diễn tập “cứu người gặp nạn” xung quanh đá Vành Khăn
Chiến hạm Mỹ diễn tập quanh đá Vành Khăn
Philippines đã tuyên bố chủ quyền đối với Đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Quần đảo Trường Sa, còn Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép đá Vành Khăn từ năm 1995 và tuyên bố đá Vành Khăn là lãnh thổ của họ.
Năm 2015, Bắc Kinh bắt đầu tích cực công việc bồi đắp xây dựng các đảo mà họ chiếm đóng trái phép ở Trường Sa. Cùng với 6 đá khác là Chữ Thập, Xubi, Gaven, Gạc Ma, Châu Viên và Tư Nghĩa (Huy Gơ), Vành Khăn từ một rạn san hô chìm dưới nước khi thủy triều lên đã biến thành một đảo nổi nhân tạo.
Hiện trên đá Vành Khăn đã xuất hiện đường băng, 4 nhà chứa lớn dành cho các máy bay tiêm kích bom, 24 nhà chứa nhỏ phục vụ các chiến đấu cơ, 4 hệ thống pháo cao xạ, 2 hệ thống radar, một nhà máy xi măng và các bến tàu.
Ngày 25 tháng 5, tàu khu trục USS Dewey (DDG-105) thuộc lớp Arleigh Burke của Mỹ đã vào gần đá Vành Khăn, trong khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố lãnh hải và thực hiện bài diễn tập “cứu người rơi khỏi tàu” – Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ.
Giới chuyên gia cho biết các chuyến tuần tra tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ gần đảo nhân tạo trước đây chỉ là hoạt động “đi qua vô hại” theo luật quốc tế, bởi tàu chiến Mỹ di chuyển liên tục, nhanh chóng qua vùng nước 12 hải lý, không có các hoạt động quân sự và không thách thức quyền lãnh hải quanh đảo nhân tạo.
Do đó, việc USS Dewey thực hiện bài diễn tập cứu người rơi xuống biển cho thấy nó không “đi qua vô hại”. Hoạt động này khẳng định đá Vành Khăn không phải thực thể có lãnh hải xung quanh, bất chấp việc có một hòn đảo nhân tạo được xây tại đó – một quan chức Mỹ khẳng định.
Đây được coi là hành động thách thức mạnh mẽ nhất của Mỹ nhắm tới hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược này, đồng thời phát đi thông điệp tới Bắc Kinh rằng họ không có quyền lãnh hải quanh các đảo nhân tạo đó.
Bắc Kinh gay gắt kháng nghị việc tàu chiến Mỹ vi phạm khu vực lãnh hải 12 hải lý của họ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo Hoa Kỳ về hành động mạo hiểm có nguy cơ phá vỡ đàm phán giữa các bên liên quan ở Biển Đông và kêu gọi Hoa Kỳ kiềm chế các hoạt động tuần tra trong tương lai.
Trump vẫn kiên định với chính sách “Xoay trục”?
Trong những năm nhiệm kỳ của cựu tổng thống Barack Obama, Hải quân Mỹ thường điều tàu đi qua các khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Cuộc tuần tra cuối cùng do Tổng thống Obama phê chuẩn diễn ra tháng 10/2016. Hoạt động này bị gián đoạn nhiều tháng liền từ sau khi ông Trump đắc cử và trở thành tổng thống Mỹ.
Hoạt động của tàu Mỹ ngày 24/5 đánh dấu lần đầu tiên các cuộc tuần tra “đảm bảo tự do hàng hải”, để bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông được nối lại dưới thời Tổng thống Trump.
Trước đây, tất cả những đề nghị tương tự từ giới quân sự Mỹ đều bị ông Trump từ chối. Thậm chí, các nhà phân tích kết luận chính sách của chính phủ Trump là giảm bớt áp lực với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông để có được sự ủng hộ tác động tới Triều Tiên.
Vậy nên theo giới bình luận, sự kiện tàu khu trục Mỹ tiến vào vùng 12 hải lý của đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa và diễn tập ở đó có tác dụng trấn an các nước hy vọng được Mỹ ủng hộ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
“Hoạt động đảm bảo tự do hàng hải này bắt đầu một tuần trước cuộc họp quan trọng của các bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á ở Singapore và sẽ được phần lớn các nước trong khu vực an tâm đón nhận” – tờ Financial Times của Anh dẫn lời Andrew Shearer, một chuyên viên của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington cho biết.
Vị chuyên gia nguyên là cố vấn an ninh quốc gia Australia nhấn mạnh, tự do hàng hải ở phía tây Thái Bình Dương là yếu tố quá quan trọng để có thể đem đổi lấy những lời hứa hợp tác úp mở của Trung Quốc trong các vấn đề khác, dù cho có quan trọng như vấn đề Triều Tiên.
Động thái mới nhất này cho thấy chính quyền mới của Mỹ có thể vẫn kiên định với chính sách xoay trục sang châu Á, trong đó có việc ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đông. Do đó, hoạt động này là liều thuốc trấn an rất quan trọng đối với các đồng minh của Mỹ.
Tuy nhiên, một só chuyên gia nhận định rằng, động thái này của ông Trump xuất phát từ những nguyên nhân cụ thể hơn chứ không hoàn toàn là sự thể hiện một chiến lược nhất quán về việc “Xoay trục về châu Á”.
Vì sao Mỹ nối lại các cuộc tuần tra hàng hải trên Biển Đông?
Nhưng vì sao suốt 4 tháng qua Tổng thống Trump từ chối điều động tàu đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông thì giờ đây ông đột ngột đồng ý? Rất có thể đó là phản ứng với việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xích gần lại với Bắc Kinh và Moscow.
Giáo sư Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Các nước Đông Nam Á, Úc và Châu Đại Dương, thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông của Nga nhận định rằng, không phải ngẫu nhiên mà tàu khu trục Mỹ đã chuyển động theo hướng đá Vành Khăn, vốn được Philippines tuyên bố chủ quyền và nêu tên trong vụ kiện chống Trung Quốc tại Tòa án The Hague.
Mặc dù Bắc Kinh phớt lờ phán quyết của Tòa án The Hague, đã không công nhận những tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng chính sau phán quyết này, ông Tập đã bắt đầu thúc đẩy quan hệ song phương với các bên liên quan tranh chấp lãnh thổ như Philippines, lôi cuốn họ bằng những lợi ích từ hợp tác kinh tế.
Hoa Kỳ không thể không có phản ứng trước thực tế như vậy, khi mà “chính sách hàng rào” là nòng cốt của họ ở Đông Nam Á (tạo ra xung quanh Trung Quốc một “hàng rào” gồm các quốc gia trong khu vực đang đối đầu với áp lực của Trung Quốc).
Liệu Hoa Kỳ sẽ còn có hay không những hành động mạnh mẽ ở Biển Đông? Liệu chính quyền mới của Mỹ có sẵn sàng thực sự thách thức Trung Quốc bằng việc chĩa radar hay triển khai tàu, trực thăng đến những khu vực khác mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý hay không?
Tổng thống mới của nước Mỹ không tỏ rõ lập trường về vấn đề này cũng như khó có thể tiên liệu trước là ông có thể thay đổi quan điểm dưới ảnh hưởng của những sự kiện như thế nào.
Đây là yếu tố rất đặc biệt trong khuôn khổ sự đối đầu toàn cầu giữa hai cường quốc mạnh nhất, có thể dẫn thế giới vào cuộc xung đột nghiêm trọng. Bởi thế, nhiều khả năng, Mỹ sẽ không can thiệp “quá thô bạo” vấn đề vào Biển Đông, còn Trung Quốc cũng sẽ không có những phản ứng quá cực đoan.
Mặc dù vậy, giới bình luận cũng nhận định rằng, ít nhất là sức mạnh của Hải Quân Mỹ cũng sẽ khiến Trung Quốc phải dè chừng. Và đương nhiên, các nước Đông Nam Á cũng sẽ được lợi, tuy nhiên, họ cũng sẽ chọn cho mình một hướng đi an toàn nhất.