Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 29/05

Bản tin Biển Đông ngày 29/05

Bản tin Biển Đông ngày 29/05/2017.

Trung Quốc nổi đoá trước Thông cáo chung của Lãnh đạo các nước G7 về vấn đề Biển Đông

Reuters và tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, ngày 28/5, tại buổi họp báo thường kỳ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã đưa ra phát biểu thể hiện rõ thái độ hậm hực trước việc Lãnh đạo nhóm các nước Công nghiệp phát triển (G7) ra Thông cáo chung sau Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2017 tại Taormina, Ý bày tỏ lo ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, kêu gọi “phi quân sự hoá” các cấu trúc tranh chấp. Phát ngôn viên Lục Khảng thể hiện quan điểm ngang ngược lâu nay của Trung Quốc là “Trung Quốc cực kỳ thất vọng khi Thông cáo chung đề cập đến vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông”. Để biện minh cho việc Trung Quốc không muốn cộng đồng quốc tế đề cập tới các hành vi đơn phương của mình đã gây quan ngại cho các nước trong và ngoài khu vực, Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đã cam kết giải quyết tranh chấp với các bên liên quan thông qua đàm phán đồng thời duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông và Biển Hoa Đông nhằm qua đó gây sức ép, yêu cầu các nước đồng minh G7 “ngừng ngay việc đưa ra những phát biểu vô trách nhiệm”. Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc phản đối tiếng nói của cộng đồng quốc tế, cũng như các diễn đàn đa phương. 1 năm trước, ngày 27/5/2016, Trung Quốc cũng đã từng không tiếc lời “lên án” Tuyên bố chung của Hội nghị G7 tại Ise-Shima, Nhật Bản vì đã dám “bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông”, “phản đối những nỗ lực song phương làm thay đổi tình hình” và “nhấn mạnh vai trò quan trọng của các biện pháp hoà bình”.

Thông cáo chung tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2017 nhấn mạnh, Lãnh đạo các nước G7 tái khẳng định cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ trong lĩnh vực biển, dựa trên những nguyên tắc của luật quốc tế, bao gồm những nguyên tắc đã được phản ánh trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và giải quyết hoà bình các tranh chấp biển thông qua các biện pháp ngoại giao và pháp lý, trong đó có biện pháp Trọng tài. Các nhà Lãnh đạo G7 tiếp tục bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động đơn phương nào làm gia tăng căng thẳng, kêu gọi tất cả các bên thực hiện phi quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp.

Máy bay chiến đấu của Trung Quốc “tình cờ” chạm trán máy bay trinh thám của Mỹ trên Biển Đông

Ngày 27/5, Reuters đưa tin, ngày 24/5, theo nguồn tin từ các quan chức Mỹ giấu tên, hai máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc đã chạm trán máy bay trinh thám P-3 Orion của Mỹ ở cự ly 180 mét, tại vị trí cách Hồng Kông 240 km về hướng Đông Nam mà các nguồn tin cho là “máy bay Trung Quốc đã có một cuộc chạm trán không an toàn”. Các nguồn tin cũng cho biết, một báy bay của Trung Quốc thậm chí đã bay thẳng tới trước mũi máy bay của Mỹ, khiến máy bay này bị cản trở khả năng quan sát. Lầu Năm góc cũng đã xác nhận việc Trung Quốc đưa hai phi cơ chiến đấu thực hiện cuộc chạm trán “thiếu an toàn và chuyên nghiệp”. Về việc này, Phát ngôn viên Lầu Năm góc, Tư lệnh Hải quân Gary Ross cho hay “Mỹ sẽ tiếp tục điều tra thông tin về cuộc chạm trán này, đồng thời sẽ bày tỏ lo ngại của Mỹ với chính quyền Trung Quốc thông qua các kênh thích hợp”.

Trong khi đó, tạp chí The Straits Times cho biết, ngày 28/5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khăng khăng cho rằng thông tin mà phía Mỹ đưa ra là “không chính xác”. Trên mạng xã hội Weibo, đại diện trang thông tin chính thức của Bộ Quốc phòng nước này ra sức nguỵ biện rằng các phi cơ chiến đấu của Trung Quốc đã hoạt động một cách chuyên nghiệp và an toàn, rằng hành động của phía mình là “bảo vệ chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”. Đồng thời nhằm đánh lạc hướng dư luận cũng như lẩn tránh trách nhiệm, quan chức Trung Quốc còn mạnh miệng “dạy bảo” quân đội Mỹ “cần có động thái tránh các hoạt động gây nguy hiểm tương tự”.

Tranh chấp Biển Đông vẫn tiếp tục “đáng lo ngại”

Ngày 28/5, tạp chí The Straits Times đăng bài viết “Tranh chấp Biển Đông vẫn là một mối lo ngại”.

Bài viết nhấn mạnh, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông được dự báo sẽ trở thành trọng tâm trong Đối thoại Shangri-la sắp được tổ chức tại Singapore. Năm ngoái, tại diễn đàn này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã phản đối mạnh mẽ các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng các hoạt động này “đã dựng nên bức Trường thành tự cô lập” cho chính nước này.

Các giả bài viết cho hay, Singapore không phải là một bên tranh chấp và các quan chức Chính phủ Singapore đã nhấn mạnh rằng nước này không “bè phái” với nước nào trong tranh chấp Biển Đông song Singapore cũng đã nhiều lần nhấn mạnh và tái khẳng định sự ủng hộ đối với các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không ở khu vực cũng như trật tự khu vực và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ để bảo vệ quyền của tất cả các quốc gia cũng như tuân thủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý để giải quyết tranh chấp. Bài viết khẳng định, với Singapore, Biển Đông là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, tuyến giao thương có vai trò “huyết mạch” đối với Singapore. Thêm vào đó, trong bối cảnh tình hình trên biển ngày càng trở nên phức tạp, ngân sách hải quân các nước Châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng vọt trong thời gian tới, những nước nhỏ như Singapore cũng như các nước khác ngoài khu vực như Mỹ đều ý thức được nhu cầu tăng cường sức mạnh hải quân và thúc đẩy các quy tắc nhằm ngăn ngừa các vụ va chạm bất ngờ ở khu vực này. Mặt khác, tác giả bài viết tỏ ra lạc quan về một số tiến triển tích cực trong vấn đề an ninh biển ở Biển Đông, cụ thể là thoả thuận về khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông mà ASEAN và Trung Quốc mới đạt được vừa qua.

Mục đích thực sự của Hải quân Mỹ khi thực hiện “hoạt động tự do hàng hải” quanh các cấu trúc tranh chấp trên Biển Đông

Ngày 28/5, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đăng bài viết “Mục đích thực sự của “hoạt động tự do hàng hải” mà Hải quân Mỹ thực hiện gần các cấu trúc tranh chấp trên Biển Đông” của nhà báo Ankit Panda. Liên quan đến FONOP mới đây của Hải quân Mỹ ở khu vực Đá Vành Khăn thuộc Trường Sa ở Biển Đông, FONOP đầu tiên được thực hiện trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, ông cho biết thông tin về các FONOP mà Mỹ thực hiện ở Biển Đông vẫn bị báo chí hiểu nhầm là “một trong số những công cụ hải quân Mỹ sử dụng để răn đe ở Biển Đông”, trong khi đó, theo đúng quan điểm của Bộ Quốc phòng Mỹ, FONOP chỉ đơn thuần là “công cụ phản ánh mang tính pháp lý và thường xuyên” nhằm phản đối yêu sách biển được xem là “thái quá” theo luật quốc tế (ở đây là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển). Theo quan điểm của tác giả bài viết, FONOP của Mỹ là cách để Washington tiếp tục ủng hộ cấu trúc an ninh khu vực và trật tự quốc tế tự do dựa trên luật lệ. Chỉ riêng FONOP sẽ khó có thể thay đổi “nguyên trạng” ở Biển Đông nhưng các hoạt động này sẽ “nhắc nhở” Trung Quốc rằng các quy tắc trên tuyến đường biển này vẫn tồn tại và được ghi nhận rộng rãi trong các văn kiện, trong đó có UNCLOS, bất chấp Bộ Ngoại giao Trung Quốc cố gắng ảo tưởng về thứ chủ quyền “không thể tranh cãi” mà họ vẽ ra để áp đặt lên gần như toàn bộ Biển Đông.

Phát ngôn viên Quốc phòng, Đảng Lao động Úc Richard Marles lên tiếng ủng hộ các cuộc diễn tập tự do hàng hải ở Biển Đông

Ngày 28/5, tờ The Australian đưa tin, sau khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Dennis Richardson khẳng định với hãng Fairfax Media rằng Úc sẽ thách thức các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách triển khai hoạt động tự do hàng hải ở các vùng biển tranh chấp,  Phát ngôn viên Quốc phòng, Đảng Lao động Úc Richard Marles đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với các cuộc diễn tập tự do hàng hải gần các đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Ông Marles nhấn mạnh “việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã được Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông kết luận là đã vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), một văn kiện có ảnh hưởng đối với Úc” và do đó “mọi hoạt động tự do hàng hải đề cao luật biển là phù hợp với lợi ích của Úc”.

Nhật Bản và Malta tái khẳng định tầm quan trọng của thượng tôn pháp luật trên biển

Ngày 28/5, tờ Mainichi đưa tin, ngày 27/5, nhân chuyến thăm đầu tiên tới Malta, tại cuộc gặp, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Malta Joseph Muscat đã tái khẳng định tầm quan trọng của thượng tôn pháp luật trên biển trong bối cảnh nhiều bên đang lo ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như những hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở hai điểm nóng này. Hai bên cũng đã nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và EU nhân nhiệm kỳ của Malta tại Hội đồng Liên minh Châu Âu (EU) nửa đầu năm nay.

Nhật Bản ngày càng lo ngại về sức mạnh hải quân của Trung Quốc

Ngày 28/5, BBC đăng bài viết “Nhật Bản ngày càng lo ngại về sức mạnh hải quân của Trung Quốc” của Alexander Neill, Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Á. Liên quan đến việc tàu JS Izumo, tàu lớn nhất của của Hải quân Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ hai, sẽ khởi động chuyến hải trình “chưa từng có” qua các vùng biển của Châu Á trong ba tháng tới, ông Neill nhận định, chính phủ Nhật Bản đang nhận được ngày càng nhiều sự ủng hộ trong nước về việc cần phải đưa ra một phản ứng cứng rắn hơn đối với lực lượng quân đội hiếu chiến của Trung Quốc ở các vùng biển của Nhật Bản, đồng thời Lực lượng Tự vệ trên biển của Nhật Bản cũng đang ngày càng trở nên tích cực hơn ở Châu Á. Tuy nhiên, với lối suy diễn chủ quan về thời kỳ “chịu đàn áp dưới tay” đế quốc Nhật trong Thế chiến thứ hai, Trung Quốc lại xem việc tàu Izumo đi qua Biển Đông lại là vấn đề “cực kỳ nhạy cảm” đối với họ, bởi lẽ Nhật Bản đã từng lên tiếng mạnh mẽ để ủng hộ Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 đã bác bỏ yêu sách phi lý mà Bắc Kinh áp đặt đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Thêm vào đó, việc tăng cường triển khai và duy trì hiện diện của các tàu Nhật Bản ở khu vực cho thấy quyết tâm của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm tác động, buộc Trung Quốc phải tuân thủ “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, bao gồm quyền tự do hàng hải đi qua các vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc lại cố tình không hiểu và cho rằng trật tự dựa trên luật lệ chỉ là cái cớ để “Mỹ bành trướng ở khu vực” và các nhà lãnh đạo của Trung Quốc thì thản nhiên chỉ trích “đây là lối mòn tư duy từ thời Chiến tranh Lạnh”. Với Sáng kiến Một Con đường, Một Vành đai mà Trung Quốc đang ráo riết thúc đẩy, giữa Nhật Bản và Trung Quốc lại càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ leo thang căng thẳng không kiểm soát vì Trung Quốc luôn cố chấp bảo vệ các vùng biển “của họ” “theo cách của riêng họ”. Ngoài ra, riêng đối với Hải quân Nhật Bản, các loại tàu ấn tượng của Nhật Bản như tàu Izumo được đưa vào sử dụng là nhằm hai mục đích: (i) thể hiện quyết tâm của Bộ Quốc phòng Nhật Bản để đóng góp nhiều hơn cho an ninh khu vực và quốc tế và (ii) khẳng định đóng góp của Nhật Bản trong quan hệ đồng minh với Mỹ.

Tác giả bài viết cho rằng, việc Nhật Bản mở rộng các hoạt động hải quân ở Biển Đông và các khu vực khác cũng cho thấy đây là một phản ứng để đối phó với một mối lo ngại ngày một cấp bách đối với Nhật Bản, đó là tham vọng không có điểm dừng của Trung Quốc nhằm kiểm soát các vùng biển quanh Nhật Bản. Theo ông Neill cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã nhận thấy “mối liên hệ trực tiếp” giữa hành vi của Trung Quốc ở hai điểm nóng Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trung Quốc lên kế hoạch lập các hệ thống quan sát dưới nước để phục vụ “khoa học và an ninh quốc gia”

Ngày 29/5, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống quan sát ngầm “khổng lồ” bao trùm cả hai khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nguồn tin nhấn mạnh các hệ thống trị giá lên đến 290 triệu đô la Mỹ này là nhằm “cung cấp các thông tin thực tế về điều kiện môi trường và hoạt động dưới đáy biển”,  “thúc đẩy nghiên cứu khoa học và ngăn ngừa thảm họa” và thậm chí “bảo vệ an ninh quốc gia” ở hai điểm nóng này, bất chấp những lo ngại của các quốc gia trong và ngoài khu vực về việc Trung Quốc không ngừng mở rộng sự hiện diện của mình trên hai vùng biển. Bưu điện Hoa Nam buổi sáng tỏ rõ e ngại rằng, động thái này nhiều khả năng gióng hồi chuông cảnh báo tới các nước láng giềng về tham vọng của nước này nhằm tăng cường hiện diện quân sự và dân sự ở Biển Đông hơn là để “thăm dò tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ lợi ích cũng như an ninh quốc gia của nước này”, như giới học giả Trung Quốc đã ra sức khẳng định.

RELATED ARTICLES

Tin mới