Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSố tướng lĩnh "ngã ngựa" kỷ lục và bài toán hóc búa...

Số tướng lĩnh “ngã ngựa” kỷ lục và bài toán hóc búa cho di sản để đời của ông Tập

Theo quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, quân đội từ trước tới nay là công cụ quan trọng để Bắc Kinh xây dựng, quản lý đất nước cũng như củng cố vị thế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ duyệt binh ngày 3/9/2015 ở Bắc Kinh (Ảnh: Reuters)

Ngay thời kỳ giành chính quyền và thời kỳ đầu xây dựng đất nước, lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông từng xác định “Chính quyền từ họng súng mà ra!”, nên rất coi trọng và nắm chắc quân đội. Tới các thế hệ lãnh đạo tiếp theo là Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đều coi trọng địa vị của quân đội trong xã hội.

Tuy nhiên, cùng với chính sách mở cửa của Trung Quốc từ đầu thập niên 1980, Quân giải phóng nhân dân (PLA) dưới thời các ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào dần các tướng lĩnh thao túng, tham nhũng và mất dần bản chất của một lực lượng tác chiến quy mô.

Vì vậy ngay sau khi được bầu làm Tổng bí thư trong Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11/2012), ông Tập Cận Bình liền tiến hành công cuộc chấn chỉnh cải cách toàn diện đối với PLA để chuyển sang thời kỳ “đảng chỉ huy súng”.

Công cuộc này được tiến hành suốt trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập (2012-2017), và sẽ còn tiếp tục sang nhiệm kỳ Đại hội 19, dự kiến tổ chức vào cuối năm nay.

Theo phương án, công cuộc cải cách này được chia làm ba giai đoạn với ba nhiệm vụ chính. Giai đoạn 1: Thanh lọc quân đội; Giai đoạn 2: Chấn chỉnh và cải tổ; Giai đoạn 3: Xây dựng hoàn thiện.

Ba giai đoạn này được kết hợp chặt chẽ với nhau giữa nhiệm vụ chính kết hợp với những nhiệm vụ của các giai đoạn khác, như vừa thanh lọc vừa cải tổ chấn chỉnh vừa xây dựng hoàn thiện. Xây dựng hoàn thiện nhưng vẫn tiếp tục chống tham nhũng trong PLA.

Thực trạng quân đội trước cải cách

Đánh giá chung về PLA trước cuộc đại cải tổ được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố ngày 3/9/2015 cho thấy “phần cứng” – tức vũ khí trang bị – được nâng cấp và hiện đại hóa, nhưng “phần mềm” – tức tổ chức biên chế – lạc hậu và có nhiều bất cập.

Trong khi đó, tình trạng tham nhũng nghiêm trọng trong khoảng 2 thập kỷ đã làm cho sức chiến đấu giảm đáng kể, tinh thần rệu rã. Điều này thể hiện qua đánh giá của lãnh đạo và báo chí Trung Quốc.

Trong phát biểu nội bộ với cán bộ cấp cao tháng 4/2013, ông Tập thừa nhân quân đội “thực sự chưa đáp ứng được cuộc chiến tranh hiện đại với kỹ thuật và cường độ cao, nhất là cuộc chiến tranh quy mô lớn trong điều kiện kỹ thuật cao phức tạp có Mỹ tham chiến”.

Xã luận của PLA Daily ngày 4/12/2014 đưa ra “4 bất cập và 3 vấn đề tồn tại nổi bật” của tổ chức biên chế quân đội theo mô hình cũ.

“4 bất cập” gồm: Tỉ lệ các quân binh chủng không hợp lý; Tỉ lệ sĩ quan/binh lính không hợp lý; Tỉ lệ cơ quan/đơn vị không hợp lý; Tỉ lệ bộ đội/nhà trường không hợp lý.

“3 vấn đề nổi bật tồn tại” gồm: Nhân viên và cơ quan không tác chiến quá nhiều; Số lượng trang thiết bị cũ kĩ lạc hậu quá nhiều; Lực lượng tác chiến theo loại hình mới quá ít.

Tình trạng tổ chức biên chế cồng kềnh theo kiểu cũ của PLA được mô tả là “đầu to, chân nhỏ, đuôi dài”. Xây dựng quân đội vẫn mang màu sắc của “tư tưởng tiểu nông”, trong khi vấn nạn tham nhũng khó xử lý.

Tờ Nhân dân Nhật báo ngày 21/10/2016 viết: “Trong hơn 30 năm cải cách mở cửa, chúng ta đạt được nhiều thành tựu về kinh tế và vật chất, nhưng tình trạng tham nhũng làm cho toàn bộ lòng đảng, lòng dân và toàn quân đã rệu rã, vô cùng rời rạc.

Chỉ nói riêng quân đội, số quan chức bị ‘ngã ngựa’ gấp tới 100 lần so với thời kỳ chiến tranh, số quan chức lãnh đạo cấp cao các tỉnh mấy năm qua bị xử lý bằng tổng số hơn 30 năm cộng lại”.

Tướng lĩnh chỉ huy tham nhũng bị thanh trừng

Báo chí Trung Quốc đánh giá, 11 năm nắm quyền quân sự của Quách Bá Hùng và 8 năm của Từ Tài Hậu đã khiến PLA tuột dần khỏi vòng kiểm soát của Trung Nam Hải. Tham nhũng tác động nghiêm trọng đến chất lượng quản lý, làm cho lộ trình huấn luyện và hiện đại hóa quân đội bị tụt hậu đáng kể.

Ông Tập Cận Bình được bầu vào Bộ chính trị Trung Quốc năm 2007, nhưng phải tới tháng 11/2012 mới được bầu làm Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy trung ương. Do trong thời gian dài không nắm được quân đội, nên buộc ông Tập phải tiến hành cải cách để thay đổi tình trạng bất cập trên, từ đó xây dựng PLA theo kiểu mới mà ông có thể kiểm soát được.

Kể từ năm 2012 tới nay, chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội được tiến hành quy mô lớn với phương châm “đả hổ, đập ruồi”.

Kết quả, gần 100 tướng kể cả đương chức, nghỉ hưu và chuyển ngành bị xử lý, trong đó có 5 thượng tướng là Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Điền Tu Tư, Lý Kế Nại, Liêu Tích Long; ngoài ra có 6 trung tướng, còn lại là cấp thiếu tướng. Đó là chưa kể số cán bộ cấp tá trở xuống.

Cuộc thanh trừng thanh lọc tiến hành trong toàn quân, từ các Cơ quan Bộ Tổng tới các đơn vị, như 6 tướng thuộc các Học viện đào tạo, 6 tướng thuộc Tổng cục hậu cần, 4 tướng thuộc Đại Quân Khu và Lực lượng Cảnh sát vũ trang…

Đến năm 2017, ông Tập Cận Bình vẫn tiếp tục nhấn mạnh phải thanh lọc tới tận gốc “nọc độc còn sót lại” của Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu. Bởi vậy dù chuyển sang Giai đoạn chấn chỉnh thì cuộc thanh lọc vẫn tiếp tục diễn ra.

Mục tiêu của ông Tập, trong vai trò là Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc, đồng thời là di sản mà ông muốn để lại sau các nhiệm kỳ, là một đội quân đủ khả năng thực hiện các mục tiêu chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tính toán chi tiết từ trước đó, chứ không phải đến 2015 mới bắt đầu. Vậy kế hoạch của ông Tập Cận Bình ra sao? Người viết xin đề cập trong phần tiếp theo.

RELATED ARTICLES

Tin mới