Đại diện nhiều cơ quan báo đài quốc tế lên tiếng kêu gọi bảo vệ nguồn nước vì sự phát triển bền vững toàn lưu vực sông Mê Kông.
Trong khuôn khổ hội thảo “Thách thức an ninh nguồn nước Mê Kông và câu chuyện ở ĐBSCL – Việt Nam”, tại Cần Thơ đại diện nhiều hãng truyền thông quốc tế và tờ báo lớn trong khu vực ngày 30.5 đã có chuyến đi thực tế tìm hiểu thực trạng ĐBSCL và đời sống người dân. Các nhà báo đều bất ngờ trước thực trạng khu vực dưới sự tác động từ sự can thiệp ở thượng nguồn, và kêu gọi hành động nhằm bảo vệ người dân đang hứng chịu hậu quả không chỉ ở ĐBSCL mà toàn bộ lưu vực sông Mê Kông.
Ông Adam Hunt (Mạng lưới Báo chí Trái đất): khủng hoảng
Kể từ khi quay lại khu vực cách đây khoảng 3 năm, tôi nhận thấy hiện trạng sông Mê Kông đã trở nên khủng hoảng. Vào đầu thập niên 2000 chỉ có vài dự án đập thủy điện, nhưng thời gian gần đây thì mọi việc đã thay đổi chóng mặt, cụ thể ở Lào và Trung Quốc. Mọi việc tiến triển mà hầu như không có tiếng nói của người dân, trong khi rất ít điều tra của giới khoa học để đảm bảo hệ sinh thái không bị ảnh hưởng.
Nếu tất cả dự án đập thủy điện triển khai thì sông Mê Kông sẽ không còn hoạt động nữa và thậm chí trở thành dòng sông chết trong thời gian ngắn… Các nước trong khu vực cần cùng nhau phối hợp để có giải pháp thay thế tốt hơn. Truyền thông cần chuyển tải cảm xúc của người trong cuộc hứng chịu thiệt hại để mọi người cùng hành động nhằm thay đổi tình trạng đang ngày càng xấu đi của khu vực sông Mê Kông.
Nhà báo May Titthara (Báo Khmer Times – Campuchia): Cần đánh giá tác động môi trường toàn khu vực
Các nhà báo quốc tế đã hiểu thêm về cuộc sống của người dân ở vùng ĐBSCL, nhất là trong bối cảnh có nhiều dự án xây dựng ở thượng nguồn. ĐBSCL là khu vực điển hình bị tác động bởi các đập thủy điện. Nguồn nước nơi đây cũng bị ô nhiễm và cần nghiên cứu để xác định nguyên nhân có phải do tác động ở thượng nguồn hay không đồng thời tìm giải pháp cho nguồn nước và người dân sống ở đây. Tôi cho rằng chính phủ các nước ở hạ nguồn nên cùng nhau lên tiếng và đối thoại với các nước ở thượng nguồn. Chẳng hạn nếu họ định xây thêm một đập thủy điện, họ nên nghiên cứu đánh giá tác động đến môi trường không chỉ ở quốc gia đó mà cần đánh giá tác động môi trường ở cả các quốc gia khác. Trường hợp nếu Lào xây thêm đập, nên có đánh giá tác động môi trường ở cả Campuchia và VN. Dù ở xa về phía hạ nguồn nhưng các nước này đều bị ảnh hưởng như sự di cư để sinh sản của các loài cá. Còn về người dân sống gần khu vực xây đập thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng vì họ thường sống nhờ vào nguồn thủy sản và nông nghiệp nên họ phải chuyển đi nơi khác để sinh sống.
Nhà báo Pratch Rujivanarom (Báo The Nation – Thái Lan): Chính phủ cần hành động vì người dân
Việc xây dựng các dự án thủy điện đang diễn ra ở nhiều khu vực. Dự án nạo vét lòng sông thông qua sử dụng thuốc nổ để phá bỏ các cồn bãi sẽ hủy diệt nguồn cá khiến ngư dân không còn nguồn sống. Bên cạnh đó, khi xây đập cũng sẽ ngăn lượng phù sa chảy xuống hạ lưu và gây sạt lở. Người dân cần được biết nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại mà họ đang gánh chịu chính là tác động từ thượng nguồn.
Tại ĐBSCL, người dân sẽ còn chịu nhiều tác hại hơn nữa. Nhưng không phải chỉ riêng VN mà ở Campuchia, Lào và Thái Lan mọi người đều sống nhờ vào dòng sông rất nhiều. Do đó, nếu dòng sông bị biến đổi thì hậu quả khó lường hết được. Nhiều người dân nghèo sống dựa vào thiên nhiên và nếu thiên nhiên bị hủy diệt thì họ còn có thể làm gì? Tất cả các dự án tác động vào dòng sông đều do chính phủ và các công ty triển khai. Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu chính phủ các nước quan tâm đến người dân của mình thì họ sẽ cân nhắc và có hành động. Các nước cũng nên phối hợp để quản lý nguồn nước tốt hơn.
Nhà báo Margita Bostrom (Đài phát thanh Thụy Điển): Tìm nguồn năng lượng thay thế
Nhiều người vẫn cho rằng không có gì đáng ngại vì mọi chuyện chỉ xảy ra ở thượng nguồn. Nhưng bất cứ những gì xảy ra ở thượng nguồn cũng có tác động. Nếu tất cả các dự án đập thủy điện được xây thì nguy cơ vô cùng lớn. Tôi rất buồn vì họ không tìm nguồn năng lượng thay thế. Phải đối xử với thiên nhiên như đối xử với bản thân mình. Tôi cho rằng việc giải quyết nguồn nước rất quan trọng, trong tương lai nước sẽ là thứ đắt giá nhất.
Việc xây đập cũng ngăn chặn sự di cư ngược dòng của nhiều loài cá để sinh sản. Các bên xây đập khẳng định họ xây các đường thang để cá di cư qua đập. Nhưng những loài cá này quá nhỏ và không thể vượt qua các đường thang đó. Do đó, việc xây đập đang được tiến hành mà không có gì chắc rằng các đường thang này sẽ có tác dụng. Trước mắt sẽ ảnh hưởng nguồn cá nhưng về lâu dài sẽ có những ảnh hưởng đến nguồn nước. Khi mùa mưa các đập xả lũ, nhưng khi mùa khô lại tích nước khiến vùng hạ lưu bị động và chịu thiệt hại.