Monday, December 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBầu cử ở Campuchia: Cuộc so găng khó đoán

Bầu cử ở Campuchia: Cuộc so găng khó đoán

Những người trẻ ủng hộ Thủ tướng Hun Sen trong cuộc bầu cử địa phương Campuchia.

Thủ tướng Hun Sen đã lần đầu tiên trực tiếp vận động tranh cử.

7h sáng ngày 4/6, cử tri trên khắp Campuchia đã bắt đầu đi bỏ phiếu tại 22.143 điểm bỏ phiếu để bầu ra 11.572 ủy viên tại 1.646 xã, phường trong toàn quốc.

Đây là cuộc bầu cử xã, phường nhiệm kỳ IV ở Campuchia.

Tham gia tranh cử lần này có 12 đảng (trong số hơn 60 đảng ở Campuchia hiện nay), nhưng chỉ có Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền và Đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập là đăng ký đầy đủ ứng cử viên tại tất cả các xã, phường trong cả nước.

Dự kiến, Chủ tịch CPP, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen sẽ đi bầu cử tại phòng phiếu tại Trường cao đẳng Sư phạm, thị xã Ta Khmau, tỉnh Kandal. 

Chủ tịch CNRP Kem Sokha đã đi bỏ phiếu tại phòng phiếu trường tiểu học Chak Angre Leu, phường Chak Angre Leu 2, quận Mean Chhey, Phnom Penh.

Lần bầu cử này được coi là thách thức lớn nhất đối với CPP trong gần 40 năm qua. Campuchia sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử để chọn ra đảng cầm quyền và thủ tướng mới vào tháng 7 năm sau.

Theo Phnom Penh Post, nợ nần đang tác động tới việc thay đổi lựa chọn của những người dân nông thôn.

Cách đây 4 năm, cử  tri nông thôn đã “cứu” Thủ tướng Hun Sen trong cuộc tổng tuyển cử 2013.

Bản đồ kết quả cuộc bầu cử 4 năm trước cho thấy CNRP giành thắng lợi tại Phnom Penh và các tỉnh lân cận thủ đô trong khi sự ủng hộ dành cho CPP đến từ tất cả các tỉnh nông thôn còn lại.

Ông Kem Sokha, lãnh đạo mới của CNRP, năm nay cũng có xu hướng đổ về các vùng nông thôn. Rất khó để đánh giá CPP hay CNRP sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp phường xã bởi ở thời điểm cuộc bầu cử năm 2012 – khi CNRP còn chưa xuất hiện.

Người trẻ và mạng xã hội ở Campuchia ủng hộ ông Hun Sen

Dân số của Campuchia rất trẻ: 31% dưới 14 tuổi và độ tuổi trung bình là 24, theo tạp chí The Diplomat.  Ngày càng nhiều người trẻ ở Campuchia tiếp cận được với các nguồn thông tin mở và nhận thức được các vấn đề của đất nước.

Ông Marc Pinol, chuyên viên nghiên cứu tại Viện hợp tác và hòa bình Campuchia (CICP) tại Phnom Penh: “Những người trẻ Campuchia đem lại sự trưởng thành cho hệ thống chính trị và bầu cử”.

Sự bùng nổ của Facebook và các mạng xã hội khác ở Campuchia có ảnh hưởng không nhỏ đến cách thức vận động tranh cử. Cả hai đảng chính trị CPP và CNRP đều tích cực sử dụng Facebook như kênh tuyên truyền chính và nhận ra sự hiệu quả trong việc tiếp cận cử tri.

Trong thời gian cựu Chủ tịch Đảng CNRP Sam Rainsy sống lưu vong vì đối mặt với cáo buộc tội phỉ báng, ông chủ yếu sử dụng mạng xã hội làm công cụ để giao tiếp với công chúng Campuchia từ nước ngoài và tạo nên nhiều làn sóng phản đối ở Campuchia.

Ông Hun Sen và CPP ban đầu dường như ngần ngại sử dụng mạng xã hội nhưng với sự hiệu quả trong việc tiếp cận cử tri, ông đã nhanh chóng cập nhật thông tin, thường xuyên đăng bài lên Facebook về các nhiệm vụ chính trị của ông và còn phát sóng trực tiếp các sự kiện mà ông tham gia.

Những bài viết này nhận được sự quan tâm từ nhiều người dân Campuchia, nhất là giới trẻ.

Trang của ông đã nhanh chóng vượt qua Sam Rainsy về số lượng lượt thích.

RELATED ARTICLES

Tin mới